(Kỳ tích) 4 người được cứu sống nhờ ca hiến tạng lịch sử

Thứ Năm, 16/03/2017, 15:26
Ngày 15-3, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp tục thành công khi cùng lúc ghép 4 ca tạng từ một người cho chết não hiến đa tạng. Trong đó, một người được ghép tim, một người được ghép gan và 2 người được ghép thận. Sau gần 1 ngày được ghép, đến chiều 16-3, cả 4 người được ghép tạng đều đã ổn định sức khỏe và có các dấu hiệu hồi phục tốt.

Theo GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đây là các ca ghép đa tạng khá phức tạp. Sau khi được một người chết não hiến đa tạng, Trung tâm ghép tạng của Bệnh viện Việt Đức lập tức kết nối với Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia để có danh sách chờ ghép và căn cứ vào các chỉ số đã được lưu, xác định những bệnh nhân có cùng chỉ số với người hiến tạng để chuẩn bị ghép.

Trong số 4 bệnh nhân được ghép, ca ghép gan và ca ghép tim khá phức tạp, khi cả 2 bệnh nhân này đều đã ở giai đoạn “thập tử nhất sinh”, nếu không được ghép thì thời gian sống chỉ còn tính bằng ngày giờ.

Ca ghép tim cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất

Bệnh nhân được ghép gan là  N.T.S.H ( 34 tuổi) sống tại TP. Hồ Chí Minh, được chẩn đoán u gan từ năm 2014 và đã được phẫu thuật, điều trị hóa chất nhiều đợt tại Bệnh viện Việt Nam và Bệnh viện Singapore. 

Bệnh nhân cũng đã từng cắt gan phải. Tuy nhiên, thời gian gần đây khối u tiếp tục tái phát và được chỉ định phải ghép gan. Đúng lúc này, có người hiến tạng và bệnh nhân đã được đưa từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội để các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức mổ cấp cứu và ghép gan.

Do khối u của bệnh nhân rất phức tạp, bệnh nhân lại bị nhiễm trùng máu, kíp phẫu thuật phải cắt toàn bộ gan kèm đoạn tĩnh mạch chủ dưới rồi ghép gan toàn bộ cho bệnh nhân. 

Thông thường, ca ghép gan chỉ từ 6-8 tiếng, nhưng với ca ghép này, PGS.TS. Nguyễn Tiến  Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đã phải tiến hành xử lý tới hơn 12 giờ. Ông đã đứng bên bàn mổ suốt từ chiều ngày 15-3 cho tới rạng sáng ngày 16-3.

Chăm sóc cho bệnh nhi sau ca ghép

Ca ghép tim do PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch-Lồng ngực trực tiếp thực hiện. Bệnh nhân được ghép tim là cháu N.T.H (10 tuổi), sức khỏe rất yếu. Đây cũng là trường hợp ghép tim nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này. PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết, bệnh nhân N.T.H  được chẩn đoán cơ tim giãn nở do suy tim giai đoạn cuối, không còn giải pháp điều trị nào khác ngoài ghép.

Nếu được hỗ trợ từ trang thiết bị hiện đại và thuốc thời gian sống của bệnh nhân được tính bằng tháng, còn không sẽ chỉ được tính bằng ngày. Đây là cơ hội vàng để ghép tim cho bệnh nhân bởi số lượng người hiến tim rất ít, đặc biệt cơ hội tìm được người hiến tim phù hợp với trẻ em là không tưởng.

 Bệnh nhân là một em bé mới 10 tuổi, trong khi tim của người hiến tạng là một thanh niên đã trưởng thành. Vì thế, các phẫu thuật viên đã phải tiến hành những kỹ thuật rất phức tạp để xử lý cho ca ghép thành công. 13 giờ sau ghép, tình trạng bệnh nhân đã tương đối ổn định.

Cũng từ nguồn tạng hiến, kíp phẫu thuật đã tiến hành ghép cho hai trường hợp bệnh nhân bị suy thận, trong đó có một trường hợp bệnh nhân đang lọc máu 2 lần/tuần.

Là tổng chỉ huy của cuộc ghép đa tạng thành công mỹ mãn ngày 15-3, GS.TS. Trần Bình Giang cho biết, để thực hiện được 4 ca ghép cùng lúc, Bệnh viện đã phải huy động tổng lực các phẫu thuật viên giỏi nhất, các bác sĩ gây mê hồi sức giàu kinh nghiệm, gồm hơn 100 thầy thuốc. 

5 bàn mổ được  triển khai đồng thời: Một bàn lấy tạng và 4 bàn ghép. Không chỉ các phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê hồi sức phải căng thẳng làm việc, mà các kỹ thuật viên cũng phải túc trực từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc các ca ghép tạng, để liên tục tiến hành các xét nghiệm. Đến 3h sáng ngày 15-3, các ca ghép mới chính thức kết thúc.

Bệnh nhân sau ghép đang hồi phục tốt

Sau gần một ngày được ghép, các bác sĩ đã hoàn toàn yên tâm về khả năng hồi phục của các bệnh nhân được ghép.

Theo GS.TS. Trần Bình Giang, thành công của ca ghép đa tạng một lần nữa cho thấy trình độ tay nghề của các bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Việt Đức không thua kém các nước có nền y học tiên tiến, cũng như sự phối hợp chuyên nghiệp giữa các thầy thuốc ở các chuyên ngành trong BV. 

Một yếu tố rất quan trọng hỗ trợ cho sự thành công này là Bệnh viện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, các loại thuốc mới nhất trên thế giới để phục vụ bệnh nhân.

Nữ bệnh nhân sau ghép gan 

 Đặc biệt, Bệnh viện Việt Đức có các phòng mổ hiện đại nhất Việt Nam với hệ thống dao mổ, máy gây mê, đèn mổ, dụng các loại dao hàn mạch và hệ thống khí oxy, khí nén… để rút ngắn thời gian phẫu thuật, hạn chế phải truyền máu và giảm các nguy cơ trong quá trình phẫu thuật, giúp người bệnh được điều trị điều trị hiệu quả nhất. 

Hệ thống hình ảnh chất lượng cao cùng hệ thống đèn phẫu thuật cảm biến ở các phòng mổ giúp các phẫu thuật viên mổ và ghép chính xác. 

Với các bệnh nhân ung thư, bác sĩ không phải mò mẫn tìm các hạch khối u như trước mà hệ thống máy huỳnh quang của phòng mổ sẽ phát tín hiệu chỉ điểm đúng vị trí các hạch ung thư để phẫu thuật viện xử lý triệt để.

Thanh Hằng
.
.
.