Thể thao Việt Nam: Liên đoàn không mạnh, khó quyết

Thứ Năm, 03/03/2016, 11:58
Sự gia nhập Liên đoàn Xe đạp môtô Việt Nam nhiệm kỳ 6 (2016-2020) trong vai trò Phó chủ tịch của người đẹp, doanh nhân Lý Nhã Kỳ rất được chú ý. Nói không quá nếu bảo, thông tin trên tạo được tính sốt dẻo hơn cả việc ông Nguyễn Hữu Thắng sẽ chính thức ra mắt làm huấn luyện viên trưởng bóng đá nam Việt Nam. Người làm thể thao tại tất cả các môn ở Việt Nam đều mong liên đoàn, hiệp hội thể thao luôn tạo được sự chủ động và mạnh về tài chính, giỏi chiến lược mới phát triển lâu bền.


Nhiều liên đoàn mong không được

Hiện tại, thể thao Việt Nam đang có hơn 26 liên đoàn, hiệp hội thể thao của các môn. Trong nhu cầu thiết yếu cần tổ chức xã hội là nơi giúp sức giảm gánh nặng công việc cho Tổng cục TDTT, lãnh đạo Tổng cục TDTT và Ủy ban Olympic Việt Nam từng yêu cầu tất cả các môn cần sớm thành lập xong liên đoàn hoặc hiệp hội. Về cơ bản, ai cũng muốn liên đoàn thể thao của mình ra đời. Thế nhưng, nếu ra đời chỉ để cho có rồi hoạt động èo uột, tài chính không vững thì nhiều người rất ái ngại.

Phải thấy rằng, lãnh đạo Liên đoàn Xe đạp mô-tô của nhiệm kỳ 6 đã mời được doanh nhân, người đẹp Lý Nhã Kỳ cùng tham gia, giao trọng trách quản lý là thành công. Chưa vội nói về tiền tài trợ mà riêng việc tạo sức hút, qua cái tên Lý Nhã Kỳ, Liên đoàn Xe đạp mô-tô Việt Nam bây giờ được nhiều người biết hơn.

“Qua một năm làm việc đầu tiên, khi đó tôi mới đánh giá được những gì mình đã làm được cho liên đoàn. Thật ra mình nghĩ, từ lúc tham gia ban chấp hành và mình hy vọng các mối quan hệ cùng ý tưởng, ý kiến của mình và các anh chị trong ban chấp hành thúc đẩy liên đoàn hoạt động phát triển hơn. Điều đó sẽ giá trị hơn, là hỏi Kỳ sẽ tài trợ bao nhiêu tiền. Sự tài trợ cần một tập thể. Như từ thiện cũng vậy, một mình Kỳ không thể làm hết tất cả. Mình nghĩ đó là sự kết nối. Điều Kỳ có thể mang lại chính là sự kết nối. Chắc chắn một mình Kỳ sẽ không thể làm nên sự thành công”, Phó Chủ tịch Lý Nhã Kỳ đã trả lời báo giới trong ngày ra mắt. Một sự trả lời khôn khéo, nhưng thận trọng.

Năm 2014, Liên đoàn Điền kinh TP Hồ Chí Minh trong lễ ra mắt ban chấp hành mới nhiệm kỳ 2014-2018 đã giới thiệu ủy viên mới là diễn viên, người đẹp, doanh nhân Tăng Thanh Hà. 

Về sự nổi tiếng của diễn viên này, nhiều người đã biết. Quan trọng, khi đang dần chuyển bước sang công việc quản lý một công ty riêng, Tăng Thanh Hà là người kết nối nhiều hoạt động thể chất và thu hút đông đảo nguồn lực xã hội hướng vào những ngày chạy vì cộng đồng. Thử hỏi, nếu một ủy viên có thể đảm đương cả kêu gọi nguồn lực xã hội lẫn tổ chức chương trình lớn như vậy, các liên đoàn, hiệp hội thể thao cần không. Lời giải đáp dĩ nhiên là “có”. Khó khăn nhất của từng liên đoàn, hiệp hội các môn thể thao tại Việt Nam là làm sao đảm bảo được tài chính mạnh và bền vững. Nguồn thu hiệu quả nhất đều từ kêu gọi được nguồn lực xã hội hóa, hợp đồng tài trợ. Không phải liên đoàn nào cũng làm tốt công việc trên. Một số liên đoàn, hiệp hội của các môn thể thao thuộc nhóm Olympic như điền kinh, đua thuyền, cử tạ, boxing, bắn súng, thể dục, bơi lội có nhà tài trợ. Tuy nhiên, với đặc thù riêng, con số tài trợ thu về rất khiêm tốn và chưa thể nhận vài tỉ đồng hàng năm. Vì thế, hoạt động phải dựa theo ngân quỹ để cân đối.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẽ phải tìm nhân sự mới trong tương lai không xa.

Bóng đá cũng khó

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là tổ chức xã hội mạnh nhất đang làm về một môn thể thao tại Việt Nam. Nhìn vào tổ chức ấy, tất cả đều tin, bóng đá luôn nhận được các hợp đồng tài trợ hậu hĩnh và tiền rủng rỉnh lắm. Thật tình, sự rủng rỉnh không có như mọi người nghĩ. 

Hàng năm, VFF phải mệt đầu để tìm thêm nhà tài trợ do chi phí hoạt động cho môn này tiêu tốn tiền tỉ, chứ không chỉ vài chục, vài trăm triệu đồng như các môn khác. Hiện tại, dù không muốn nhắc sâu, lãnh đạo Tổng cục TDTT từng cho biết trong tương lai sẽ phải tính tới phương án tìm nhân sự thay thế vị trí cao nhất. 

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng bày tỏ nguyện vọng từ nhiệm trước thời hạn vì sức khỏe không đảm bảo. Ông Dũng là một doanh nhân làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Giờ, ông Dũng mà rút lui, VFF chắc chắn “hụt hẫng” nhiều.

Càng hút được doanh nhân càng tốt

Vai trò và sự hiệu quả của doanh nghiệp đầu tư vào liên đoàn, hiệp hội thể thao luôn là câu chuyện nói mãi không hết thời sự. Bóng đá Việt Nam thời bùng nổ cơ chế thị trường thì nhiều doanh nhân dốc tiền vào đầu tư, để rồi họ được gắn thêm mác “ông bầu” ngay trước tên của mình. Phương Tây không khác biệt nhiều với chúng ta. Ở nhiều môn thể thao thành tích cao tại Việt Nam (ngoài bóng đá), một số doanh nhân đã và đang nắm giữ vị trí chủ tịch liên đoàn, hiệp hội thể thao như ông Lê Văn Thành (tập đoàn Động Lực) – Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam; doanh nhân Lê Kiên Thành – Chủ tịch hiệp hội golf Việt Nam; doanh nhân Bảo Hoàng – Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam; Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh – Chủ tịch Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam; doanh nhân Trần Minh Tiến (lasta multimedia) – Chủ tịch Liên đoàn boxing Việt Nam; ông Hoàng Vệ Dũng (Phó Tổng giám đốc Vinatex) – Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam… Trong vai trò là nhà quản lý cao nhất, mọi người hy vọng từng môn thể thao có thêm đầu tư phát triển hơn. Dù có thể, vị trí chủ tịch không phải người chuyên sâu thể thao, nhưng là nhà quản lý họ chắc chắn vẫn hiệu quả để phân công từng người đảm nhiệm từng nhiệm vụ tốt nhất.

DP

Diệu Phương
.
.
.