Thể thao Việt Nam: Cuối năm gồng mình đi học

Thứ Hai, 11/01/2016, 22:36
Một câu chuyện đã được đề cập nhiều nhưng chưa bao giờ cũ là các vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao rất nỗ lực mới vượt qua được các kỳ thi học văn hóa để có tấm bằng tốt nghiệp. Những ngày cuối năm 2015 và đầu năm 2016, nhiều tuyển thủ đang phải “dùi mài kinh sử” để trả nợ môn học của mình.


Hiện tại, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) đang có mặt tại TP Hồ Chí Minh. Nữ tuyển thủ số 1 của bơi lội Việt Nam tạm dừng việc tập huấn ở Mỹ để trở về Việt Nam học và thi nốt các học phần của chương trình văn hóa lớp 12 nhằm tốt nghiệp THPT. Thầy dạy trực tiếp của Ánh Viên không ai khác ngoài HLV Đặng Anh Tuấn. Là trường hợp đặc biệt nên Ánh Viên được học riêng một thầy một trò mà không phải học tập trung. Sau khi hoàn thiện đủ kiến thức, Ánh Viên sẽ tham dự các kỳ thi tốt nghiệp tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Trong trao đổi mới nhất, tuyển thủ Phan Thị Hà Thanh cho biết hiện cô đang học tập trung tại Trường Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh) nhằm trả nợ một số môn học trong học phần của mình. Trong năm, VĐV chủ yếu là thi đấu và tập luyện nên Hà Thanh không có nhiều quỹ thời gian tham gia học tập trung. Vì thế, tận dụng giai đoạn chưa phải tập luyện tập huấn cao độ lúc này, Hà Thanh tranh thủ học và thi cử. Hà Thanh sẽ giành được tấm bằng tốt nghiệp, đó là mong mỏi chờ đợi của bản thân và gia đình.

Lực sĩ số 1 Việt Nam ở hạng 56kg nam là Thạch Kim Tuấn đến giờ vẫn chưa tốt nghiệp THPT. Đặc thù của nghiệp thể thao là thi đấu và tập huấn nên Thạch Kim Tuấn phải ngắt quãng thời gian rất nhiều trong chương trình học văn hóa của mình. Trong thời gian này, Kim Tuấn được tạo điều kiện để học và thi các môn thì mới có được tấm bằng tốt nghiệp đúng theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Trường hợp không khác mấy là chân chạy Nguyễn Thị Huyền. Tuyển thủ của đội điền kinh Việt Nam đang phải trả nợ một số môn học ở Đại học TDTT Từ Sơn. Vì thế, HLV Vũ Ngọc Lợi của Huyền đã phải ta thán rằng vì bận học nên VĐV ngắt quãng tập luyện rất khó đảm bảo được thông số chuyên môn. Tuy nhiên, tất cả phải thông cảm rằng, VĐV hay HLV đều cần một tấm bằng tốt nghiệp. Khi họ có tấm bằng lúc giải nghệ thi đấu mới có cơ hội phát triển hơn sự nghiệp tại đơn vị chủ quản của mình. Bằng không, từng người phải rẽ ngang không liên quan đến thể thao mà sang làm việc khác. 

Phan Thị Hà Thanh đang học và trả nợ các học phần tại Đại học TDTT Từ Sơn.

Rất nhiều năm tập huấn, thi đấu thì tay vợt Đoàn Kiến Quốc không thể hoàn thiện chương trình học đại học của mình. Bây giờ, Kiến Quốc quá thấm thía điều ấy nên tập trung học đầy đủ thời gian chương trình đại học ở TP Hồ Chí Minh. Chỉ khi có được tấm bằng tốt nghiệp, Kiến Quốc mới hy vọng được xét biên chế của thể thao Khánh Hòa. Mỗi trường hợp là một hoàn cảnh riêng. Tựu trung lại, họ vẫn phải cần tấm bằng vì sự nghiệp về sau.

Tiền đạo người Nghệ An mới đây đã tốt nghiệp hệ tại chức Đại học Luật. Một cầu thủ như Công Vinh chú tâm vào học hành là điển hình để nhiều cầu thủ noi theo. Chia sẻ mới nhất trên truyền hình, Công Vinh bảo rằng việc học tập là nỗ lực của mình nhưng để có “chân đế” vững chắc trong tương lai khi không còn đá bóng thì học tập phải trên hết. Nhiều cầu thủ quốc nội tính đường xa như vậy. Hoặc giả như, họ bị quấn vào thời gian thi đấu nên không nhiều người mặn mà đi học lấy tấm bằng. Ở tuổi xế chiều, nhiều VĐV mới nghĩ đến phải học thì mới ổn định nên tất cả đều tìm về các trường Đại học TDTT Từ Sơn hoặc Đại học Sư phạm TDTT TP Hồ Chí Minh đăng ký học.

Công Vinh đã chia sẻ, có thể năm 2017 là năm cuối cùng mình còn thi đấu thể thao. Sau đấy, Vinh tìm ngã rẽ mới. Trong thành tích cá nhân, Công Vinh đầy đủ danh hiệu từ vô địch AFF Cup đến vô địch V-League và cũng là một trong những cầu thủ có giá trị chuyển nhượng cao nhất nhì Việt Nam (năm 2011, Công Vinh đã gia nhập CLB Hà Nội ACB với phí hợp đồng được chia sẻ là 14 tỉ đồng). Đã có đầy đủ vinh quang như vậy, ngôi sao này tìm cơ hội mới khi không thi đấu là điều tất yếu.

Diệu Phương
.
.
.