Thể thao Việt Nam nhìn lại năm 2015: Sôi động và biến động

Chủ Nhật, 07/02/2016, 09:11
Năm 2015 là năm bản lề của hoạt động thể thao Việt Nam. Tính theo Quy hoạch phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, định hướng tới năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, thì thời điểm 2015 là lúc Quy hoạch đã đi được lộ trình thời gian đáng kể.

Tính quan trọng của năm 2015 nằm ở chỗ, sau một chu trình đã kết thúc (tính theo thời gian tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc, lần gần nhất diễn ra là năm 2014), thể thao Việt Nam bước vào một chương mới, đồng thời hướng tới nhiệm vụ cho Olympic trong năm 2016.

Bơi lội vừa tâm điểm, vừa nhiều tranh cãi

Bơi lội chính xác là môn thể thao đáng chú ý nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2015. Minh chứng cụ thể là kết quả 10 HCV mà đội bơi Việt Nam giành được tại SEA Games 28 - 2015. Trước đây, bơi lội chúng ta chỉ hy vọng 1 hoặc 2 HCV tại mỗi kỳ SEA Games thì việc vượt lên giành 10 HCV, qua đó đứng thứ 2 trên tổng sắp chung môn bơi tại SEA Games 28 là bước chuyển mình thần kỳ. 

Trong thành công ấy, Nguyễn Thị Ánh Viên là VĐV sáng giá nhất. Riêng ở SEA Games 28-2015, Ánh Viên giành 8 HCV cá nhân và phá 7 kỷ lục của Đại hội. Nữ kình ngư này là 1 trong 2 VĐV sáng chói nhất tại SEA Games vừa qua (người còn lại là VĐV Schooling – Singapore). Thành công của Ánh Viên được ghi nhận tiếp sau đấy với các kết quả tranh tài tại giải vô địch bơi thế giới 2015 và World Cup bơi lội 2015. Ánh Viên đã trở thành VĐV đầu tiên của bơi lội Việt Nam khi tham dự một giải vô địch thế giới xếp hạng 10 trong một nội dung (400m hỗn hợp cá nhân). Sự thăng hoa của Ánh Viên được HLV Đặng Anh Tuấn phân tích mới chỉ là bước khởi đầu, và cô cần nhiều thời gian tập huấn hơn nữa. Trong bơi lội, Ánh Viên là VĐV duy nhất được tập huấn dài hạn tại Mỹ. Chương trình này kéo dài 4 năm và chuẩn bị bước sang năm thứ 5 (bắt đầu từ 2016).

Tuy nhiên, bơi lội Việt Nam không chỉ có riêng Ánh Viên. Thành tích thăng hoa của Viên và các đồng đội ở năm 2015 rất đáng ghi nhận, nhưng môn bơi đã xảy ra tranh cãi đáng chú ý. Sau nhiều năm, một VĐV bơi đã tranh chấp hợp đồng với đơn vị chủ quản, rồi tất cả phải đưa nhau ra tòa giải quyết. Đó là nữ tuyển thủ trẻ Nguyễn Diệp Phương Trâm. Những khúc mắc về tiền bồi hoàn để đòi giải phóng hợp đồng không ưng thuận, đã khiến gia đình Phương Trâm và đơn vị TP Hồ Chí Minh tìm đến Tòa án nhân dân quận 1 giải quyết. Rất may, sau hơn 3 lần hòa giải, đôi bên đã ngồi lại thương thảo được và Phương Trâm tiếp tục yên tâm ở lại TP Hồ Chí Minh, đồng thời được hưởng chế ngộ đãi ngộ theo mong mỏi. 

Một tranh cãi khác là trường hợp Hoàng Quý Phước. Chuyến tập huấn tại Nhật Bản (trị giá 1,6 tỉ đồng) của Quý Phước đã kết thúc sớm hơn so với chương trình dự kiến do kình ngư này chia sẻ bị đau lưng. Yêu cầu dừng tập huấn tại Nhật Bản được Tổng cục TDTT và bộ môn bơi đồng ý, cũng như cho Phước chữa dứt điểm đau lưng. Quý Phước muốn đổi nơi tập do thấy địa điểm ở Nhật Bản không phù hợp, còn bộ môn bơi bảo lưu quan điểm đó là nơi được lựa chọn đúng quy trình để giúp VĐV phát triển tốt. Năm 2016, Quý Phước có được ra nước ngoài tập huấn hay không vẫn bỏ ngỏ.

Đạt hiệu quả thành tích tại SEA Games 28 - 2015

SEA Games 28 - 2015 tại Singapore đã tổ chức vào giữa năm (tháng 6) thay vì cuối năm như thông lệ. Thể thao Việt Nam tiếp tục đứng hạng 3 toàn đoàn (73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ). Trong kết quả ấy, các HLV và VĐV tạo được dấu ấn đặc biệt ở các môn thể thao thuộc nhóm Olympic như bơi lội giành 10 HCV, đấu kiếm (8), điền kinh (11), TDDC (9), đua thuyền rowing (8)… Qua thành công của Việt Nam tại SEA Games 28, thể thao chúng ta đã xây dựng nhiều thần tượng thể thao mới tạo ảnh hưởng và nâng cao tinh thần dân tộc trong giới trẻ nước nhà. Điểm qua một số gương mặt như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Đinh Phương Thành (TDDC), Vũ Thành An (đấu kiếm). Tạo được niềm tin và sự ủng hộ, cổ vũ của người hâm mộ dành cho thể thao mới là điều quan trọng và đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 28-2015 đã làm được.

Đau đáu tìm suất Olympic 2016

Hiện tại, chúng ta có 6 suất chính thức dự Olympic 2016. Trong năm 2015, thể thao Việt Nam giành được thêm 4 suất trên tổng số 6 suất ở các môn bơi (1 suất), cử tạ (3 suất). Hai suất còn lại do các xạ thủ môn bắn súng sớm giành được trong giải thi đấu quốc tế diễn ra cuối năm 2014. Mục tiêu thể thao Việt Nam hướng đến là đạt từ 15 đến 20 suất chính thức. Thi đấu tại SEA Games 28-2015, bơi lội có VĐV đạt chuẩn A giành suất chính thức là Nguyễn Thị Ánh Viên, trong khi Hoàng Quý Phước, Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi chỉ đạt chuẩn B trong nội dung. Họ vẫn phải nỗ lực vượt chuẩn A mới chắc vé đi Brazil. Lo ngại nhất lúc này là 2 môn TDDC và điền kinh. Nguyễn Thị Huyền là VĐV đầu tiên của điền kinh Việt Nam vượt được chuẩn Olympic tại các cự ly 400m và 400m rào, nhưng cô chưa nằm trong nhóm VĐV đạt chỉ số chuyên môn cao nhất nên chưa chắc chắn được dự Olympic 2016 hay không. TDDC đã thi đấu giải vô địch thế giới 2015 nhưng không đạt kết quả huy chương để có suất Olympic chính thức. Môn này phải tìm cơ hội mới tại vòng loại Olympic trong năm 2016. Tay vợt Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) cũng đang nỗ lực tìm vé dự Olympic 2016 dù thi đấu quốc tế trong năm 2015 rất trồi sụt. Nếu có suất chính thức dự Olympic 2016, Tiến Minh sẽ đi vào lịch sử là VĐV đầu tiên của Việt Nam dự Olympic trong 3 lần liên tiếp (Minh đã dự các Olympic 2008 và 2012).

SEA Games 2021

Đề án đăng cai tổ chức Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á 20121 (SEA Games 31-2021) do Việt Nam làm chủ nhà đã được Bộ VH-TT&DL cùng các đơn vị liên quan và Tổng cục TDTT cơ bản xây dựng xong trong cuối năm 2015, đã trình Chính phủ xem xét trước khi cho ý kiến. Về mặt tổng thể, Đề án lấy Hà Nội là địa điểm đăng cai chính của Đại hội và SVĐ chính là sân Mỹ Đình. Theo đề án, SEA Games 31 sẽ diễn ra cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2021 và chúng ta dự tính đưa vào tranh tài từ 20 đến 36 môn thể thao. Nếu được Chính phủ thông qua và đồng ý để Việt Nam là chủ nhà thì đây sẽ là lần thứ 2 chúng ta là chủ nhà của một kỳ SEA Games. Năm 2003, Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 22 và lần đầu đứng nhất tổng sắp huy chương với 158 HCV, 97 HCB, 91 HCĐ.

Ấn tượng Lý Hoàng Nam

Quần vợt của Việt Nam trong năm 2015 chỉ có tiêu điểm Lý Hoàng Nam là đáng chú ý nhất. Tay vợt này đã đi vào lịch sử khi là VĐV đầu tiên của Việt Nam góp mặt trong Top 1.000 tay vợt nam trên bảng xếp hạng quần vợt chuyên nghiệp thế giới. Cuối năm 2015, Hoàng Nam có thứ hạng 913 thế giới. Năm 2015 là năm cuối cùng Lý Hoàng Nam hết tuổi thi đấu các giải thuộc hệ thống trẻ. Dấu ấn trong các giải trẻ của Nam là chức vô địch nội dung đôi nam khi tham dự giải Wimbledon 2015 (danh cho nhóm tuổi trẻ). Thành tích này đến bây giờ cũng chỉ có Lý Hoàng Nam đạt được. Năm 2015, Hoàng Nam dự đủ 4 giải Grand Slam dành cho nhóm tuổi trẻ thuộc hệ thống thi đấu quần vợt uy tín thế giới là Australia Open, Roland Garros, Wimbledon và US Open.

Bóng đá vẫn khát HCV

Đội bóng đá U23 nam được quan tâm nhất trong thành phần đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 28 - 2015. Chúng ta trình làng lứa cầu thủ mới như Quế Ngọc Hải, Võ Huy Toàn, Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Huy Hùng, Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Công Phượng… và một HLV Nhật Bản lần đầu dự SEA Games cùng chúng ta là ông T.Miura.

Trước khi SEA Games 28 khởi tranh, mục tiêu của đội nam U23 khiêm tốn chỉ là lọt vào bán kết nhưng sau đó đã có thay đổi bằng yêu cầu nỗ lực tranh chấp ngôi vô địch. Tiếc rằng, dù được xem là ứng cử viên vô địch, các cầu thủ Việt Nam đã thua Myanmar 1-2 tại bán kết. Chúng ta chỉ an ủi bằng tấm HCĐ chung cuộc. Với người hâm mộ, bóng đá nam không vào chung kết và chưa giành được HCV thì thể thao Việt Nam tại SEA Games mới chỉ thành công một nửa.

Diệu Phương
.
.
.