Thể thao Việt Nam: Phận huấn luyện viên ngoại

Thứ Năm, 21/01/2016, 08:15
Bóng đá Việt Nam đang có những thông tin chưa chính thống về hợp đồng của HLV người Nhật Bản Miura. Nhìn vào thể thao Việt Nam, tại nhiều môn (có cả bóng đá), bóng dáng HLV nước ngoài có ảnh hưởng đáng kể. Dẫu sao, họ đã và đang là một trong những thành tố đóng góp chung vào sự phát triển cho thể thao chúng ta.

Thay đổi là để phù hợp

Hai năm trở lại đây, một trong những môn thể thao thành tích cao quyết định đổi hoàn toàn vị trí HLV trưởng là karatedo. Trước đây, qua từng giai đoạn, tuyển karatedo Việt Nam gắn liền với các HLV trưởng như Đoàn Đình Long hay Lê Công. Sau năm 2013, bộ môn karatedo (Việt Nam) quyết định để HLV gạo cội Lê Công nghỉ và thay bằng 1 chuyên gia người Iran. Khi đó, rất nhiều phản ứng của người trong giới, cũng như truyền thông trước thắc mắc vì sao lại trao quyền cho một chuyên gia ngoại, mà không giữ HLV đã gắn bó lâu dài như ông Lê Công.

Trong các suy tính kỹ càng từ lãnh đạo Tổng cục TDTT và bộ môn karatedo, quan điểm là đã đến thời điểm cần thay đổi để tạo nét mới. Chuyên gia người Iran làm hết năm 2014. Đến năm 2015, một chuyên gia người Latvia được thuê về làm HLV trưởng đội tuyển. Qua năm 2016, vị trí HLV trên đã nghỉ. HLV trưởng đội tuyển đã được trao lại cho một HLV quốc nội là ông Lê Tùng Dương.

Nhớ lại năm 2008, sau Olympic 2008 tại Bắc Kinh, tuyển thủ từng đoạt huy chương bạc Olympic là lực sĩ Hoàng Anh Tuấn đã thẳng thừng tuyên bố không muốn hợp tác cùng HLV Stephan Tupurov. Chuyên gia trên đã đồng hành cùng Tuấn suốt thời gian tập luyện tại Bulgaria. Ít nhiều, hai thầy trò làm nên thành tích huy chương bạc cùng nhau. Khẳng định của Tuấn lúc đó là muốn đổi HLV vì chuyên gia là do cấp lãnh đạo thuê rồi đưa xuống huấn luyện nên VĐV có thầy nào phải chịu thầy ấy. Sự vụ chỉ được biết là nội bộ HLV-VĐV lục đục không bằng lòng nhau nên đôi bên lên báo nói thẳng không cần hợp tác. Những chương cuối trong sự nghiệp, Hoàng Anh Tuấn bị phát hiện dính doping, bị cấm thi đấu. Sau những tập huấn tại Trung Quốc rồi trở lại Việt Nam tự tập luyện, Tuấn chỉ còn xuất hiện hai lần cuối năm 2012 và 2013 thi đấu vô địch quốc gia, rồi giã từ sự nghiệp hoàn toàn.

 Năm 2011, Vũ Thị Hương là hy vọng lớn để điền kinh tranh vé trực tiếp dự Olympic 2012. Hương nằm trong kế hoạch mà chuyên gia Uwe (Đức) đưa sang châu Âu tập huấn. Tại đây, cô bị chấn thương và thành tích không hiệu quả. Vì thế, mâu thuẫn giữa quản lý bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) và quản lý Liên đoàn điền kinh Việt Nam nảy ra. Người cho rằng chuyên gia không hiệu quả và đi Đức không phù hợp. Người lại tin rằng đó là chương trình cần thiết. Sau chương trình ấy, Hương không giành được vé dự Olympic 2012 cũng như chỉ đạt được 2 huy chương đồng (100m, 200m) trong SEA Games 26-2011. Qua thành tích thì kết quả như vậy là chưa thành công.

HLV Miura đang là tâm điểm của bóng đá Việt Nam.

Tin thì mới dùng

HLV Miura là người Nhật Bản đầu tiên đảm trách vị trí HLV trưởng của ĐTQG bóng đá Việt Nam. Lúc này, ông Miura có được triển vọng gia hạn hợp đồng tiếp hay không (tháng 4-2016 sẽ kết thúc thời hạn hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Việt Nam – VFF) nằm ở quyết định của các lãnh đạo và bộ phận chức năng VFF. Đặt trong công việc, HLV Miura chắc chắn là người không được thiện cảm nhiều từ những đồng nghiệp khác ở bóng đá quốc nội Việt Nam.

Khi đội U23 hay đội tuyển quốc gia thất bại, nhiều chuyên gia và HLV đều lên tiếng phân tích khả năng chỉ đạo của ông thầy Nhật Bản. Ngay những lãnh đạo cao nhất của VFF, mỗi người mỗi quan điểm về HLV Miura. Vừa lòng tất cả, điều này không dễ. Chỉ có chiến thắng và thành tích mới làm tất cả yêu mến nhau. Khi ông thầy người Nhật Bản đưa đội bóng đá nam lọt vào vòng 1/16 tại ASIAD 17-2014, đội bóng và ông được tung hô. Khi U23 Việt Nam vượt qua vòng loại để vào vòng chung kết U23 châu Á năm 2016, ông cũng ít nhiều được khen.

SEA Games 28-2015, đội U23 do HLV Miura chỉ đạo đoạt huy chương đồng. Kết quả hơn hẳn 2 kỳ trước đó (SEA Games 2011 chúng ta đứng hạng 4, SEA Games 2013 chúng ta bị loại từ vòng bảng). Thế nhưng, chuyện đi-ở của HLV Miura không phải do ông có thể tự quyết.

Ngày nào đó ông Miura sẽ tham gia V-League?

Trong lịch sử giải bóng đá vô địch quốc gia (sau chuyển tên thành V-League) đã có 3 HLV từng giữ vai trò HLV trưởng đội tuyển quốc gia Việt Nam và khi nghỉ việc đã gia nhập một CLB tại V-League. 

Đầu tiên là HLV Calisto. Ông này từng huấn luyện CLB Đồng Tâm Long An rồi lên tuyển lần đầu năm 2002, rồi trở lại làm việc ở CLB. Lần thứ 2, ông chính thức đảm nhiệm HLV trưởng tuyển quốc gia giai đoạn 2008 tới 2011. 

Người tiếp theo là HLV Alfred Riedl. Ông thầy người Áo từng tham gia huấn luyện CLB Khatoco Khánh Hòa (trước đây) năm 2000 rồi Hải Phòng (giai đoạn 2008, 2009). 

Người thứ 3 là HLV Edson Tavares. Cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam này đã huấn luyện đội Ninh Bình thi đấu V-League năm 2009, nhưng sau đó bị sa thải. Năm 2015, cựu HLV U19 Việt Nam Guillaumer Grachen từng huấn luyện đội HAGL nhưng bị sa thải. 

Với những ví dụ như vậy, là một người am hiểu bóng đá Việt Nam, không loại trừ khả năng, HLV Miura khi không làm HLV trưởng đội tuyển, rất dễ bén duyên với một CLB khác.

Chưa thể nói điều gì

Trong buổi họp về Siêu cúp bóng đá Việt Nam 2015 vào sáng 20-1 tại Hà Nội, khi phóng viên đặt câu hỏi về hợp đồng của HLV Miura có được VFF tiếp tục hay không tiếp tục vào tháng 4 tới đây thì Phó chủ tịch thường trực VFF – ông Trần Quốc Tuấn cho biết “chúng tôi chưa thể nói điều gì. Hiện đội U23 và HLV vẫn đang thi đấu tại giải U23 châu Á ở Qatar (trận cuối vòng bảng của Việt Nam vào ngày 20-1) nên không thể nói gì”.

Mới đây, Phó chủ tịch khác của VFF là ông Nguyễn Xuân Gụ khẳng định mình và Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức không rõ cụ thể mức lương của ông Miura. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục TDTT khẳng định “hàng năm VFF là tổ chức xã hội thể thao đều có kiểm toán độc lập vào làm việc trong thu, chi. Vì vậy, mọi khoản đều rất minh bạch.

Mức lương của HLV Miura thì lãnh đạo Tổng cục cũng nắm được. Việc tiết lộ mức lương của chuyên gia hay không nằm hoàn toàn trong thỏa thuận khi ký kết, chứ rất khó nói rằng lãnh đạo VFF lại không nắm được chuyện này”.

Diệu Phương
.
.
.