Nghẽn mạng web bán vé AFF Cup: “Chết” để sống tốt hơn
- Được suất ưu tiên, thương binh chen chân xếp hàng mua vé AFF Cup 2018
- Người hâm mộ "rồng rắn" xếp hàng chờ nhận vé xem AFF Cup 2018
- Vé bán kết AFF Cup chợ đen online được hét 5 triệu/cặp
- Bán kết AFF Cup: Thấy gì sau vài phút “lụt” vé
- Người hâm mộ Việt cần biết cách mua vé Online bán kết AFF Cup 2018
250 ngàn IP và 1,7 triệu lượt truy cập vào website bán vé của VFF là con số chính thức được công bố bởi ông Lê Hoài Anh, tổng thư ký LĐBĐ Việt Nam. Con số ấy là cơ sở lập luận để biện minh cho việc website bị nghẽn dẫn đến sự bất bình của rất nhiều người hâm mộ muốn mua nhưng không thể tiến hành được việc tiếp cận với hành vi mua bán trên 4 website mà VFF đưa ra.
Ông Lê Hoài Anh cũng cung cấp thông tin rằng quy trình bán vé là kết hợp 3 bên giữa đơn vị cung cấp nền tảng kỹ thuật, VFF và Bưu điện Việt Nam. Thông tin của ông Lê Hoài Anh muốn khẳng định tính minh bạch trong khâu phát hành vé, khi khẳng định rằng phía tổ chức bán vé online không giữ vé, mà chỉ cập nhật dữ kiện sang cho Bưu điện VN để phía Bưu điện tiến hành đóng gói và giao vé.
Tất cả những thông tin kể trên được ông Lê Hoài Anh trả lời chính thức, bằng phỏng vấn ghi hình, trên một tờ báo điện tử có khá đông người đọc. Điều đó cho thấy, không thể phủ nhận nỗ lực đối thoại công khai của VFF ngõ hầu xoá tan mọi ngờ vực mà người hâm mộ đang dành cho quy trình bán vé của liên đoàn.
Nhưng cũng có thông tin chúng ta không thể phủ nhận được là việc VFF đã phát phiếu hẹn bán vé cho những người đổ xô đến trụ sở VFF ngay buổi chiều ngày cổng bán vé điện tử được mở. Từ bán online chuyển sang bán kiểu truyền thống, rõ ràng VFF đang xử lý mang tính tình thế, xoay theo chiều diễn biến của tình hình thị trường.
"Lực lượng" khiến VFF phải thỏa hiệp |
Và ở khía cạnh này, chúng ta có thể nói dự án bán vé online của VFF đã “chết” ở ngay ngày đầu tiên nó được thực hành. Song, đó là một cái chết đáng giá, một cái chết mà bất kỳ một đơn vị thực thi thương mại điện tử nào cũng sẽ lấy nó để rút kinh nghiệm và nâng cấp hệ thống. Nói cách khác, đó là cái chết để có thể “sống” tốt hơn trong tương lai.
Với con số ông Lê Hoài Anh đưa ra, tức là 250 ngàn IP cùng truy cập ở một thời điểm, chúng ta nhận thấy rõ ràng quy trình bán vé online của VFF đã đánh giá sai tình hình. Mỗi hệ thống tương tác với người dùng trên nền tảng internet thường phải được định lượng số lượng người dùng có thể đổ dồn vào cùng 1 thời điểm tối đa là bao nhiêu để tránh tình trạng “sập” hệ thống hay nói khác hơn là nghẽn mạng. Và số lượng người dùng tối đa có thể đổ dồn cùng một thời điểm ấy được gọi là CCU (Concurrent User).
Thông thường, các sản phẩm thương mại điện tử đơn giản, lượng CCU tối thiểu nhất có thể chấp nhận được để bắt đầu chạy hệ thống là 200 ngàn. Có lẽ, website bán vé của VFF định lượng không quá con số này và vì thế, nghẽn mạng là tất nhiên.
Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh |
Như đã nói ở trên, rõ ràng VFF không định lượng tốt số lượng người dùng có thể đổ dồn vào website của mình lớn hơn 1 trang thương mại điện tử sơ sài rất nhiều. Họ quên mất rằng bóng đá tạo ra một nhu cầu cực lớn trong khi số lượng phân phối lại có hạn. Và ở Việt Nam hiện nay, các trang thương mại điện tử, các trang tương tác với người dùng đã và đang được xây dựng với con số CCU rất lớn, thậm chí lên tới cả chục triệu. Chính những trang từng sập vì một sự kiện thu hút lớn lượng quan tâm nào đó cũng đã rút kinh nghiệm và nâng số lượng CCU lên rất nhiều, để từ đó hoạt động thương mại của họ trơn tru hơn và thuận tiện hơn cho khách hàng.
Vậy thì bài học rút ra của đợt vỡ trận bán vé online của VFF là gì? Đó không chỉ là việc cải thiện hệ thống, nâng số lượng CCU lên gấp nhiều lần hơn mà còn là cả một chiến lược bán vé khoa học hơn, bao gồm cả vé bán online và vé bán tại sân. Hãy nhớ, dù có hiện đại đến mấy, việc bán vé tại sân vẫn là cần thiết và nó phải tồn tại song song với hệ thống bán vé điện tử.
Nâng CCU của website bán vé lên có kịp với lịch đá chung kết lượt về AFF Cup hay không (nếu Việt Nam vượt qua Phillippines)? Xin thưa, với năng lực, trình độ công nghệ thông tin của Việt Nam hiện tại, thời gian 10 ngày là đủ để cải thiện website. Nhưng điều cần làm hơn là VFF cần phải vạch ra lộ trình phân phối vé, mà trong đó việc công khai nó là vô cùng quan trọng.
Lộ trình nên làm ấy là ngoài việc bán trên website của VFF, phải có số lượng cho các bên thứ 3 (là các trang thương mại điện tử khác) để giải tỏa, phân tán lượng người dùng cùng thời điểm. Nghe nói, VFF cũng từng nghĩ tới phương án này nhưng một vài lãnh đạo lại “sợ” dị nghị là công ty sân sau, đặc biệt là ở giai đoạn sắp đại hội Liên đoàn. Nếu sợ dị nghị thì không giao cho 1 bên thứ ba duy nhất mà giao cho 2 đến 3 bên thứ ba cùng tổ chức phân phối với hệ thống online của VFF. Thậm chí, yêu cầu họ tổ chức xây dựng bộ đếm lùi báo số vé còn lại để minh bạch hơn cho người mua.
Ngoài ra, VFF cũng phải xây dựng hệ thống nhắn tin đăng ký mua vé tại sân. Mỗi người được nhắn 1 tin, kèm theo số CMND hoặc hộ chiếu. Hệ thống sẽ trả lời lại xác nhận tin nhắn và thông báo số thứ tự. Nếu phát hành 5000 vé tại sân chẳng hạn, khách hàng đăng ký nhận được số thứ tự là 6587 thì họ nên xác định trước là mình không thể mua được vé vì khả năng gần 2000 người bỏ mua là rất nhỏ.
Với số thứ tự xác nhận ấy, tại các cổng bán vé tại sân Mỹ Đình có gắn bảng điện tử báo số thứ tự lên thực hiện thủ tục mua bán. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng chen lấn xô đẩy và với việc mỗi số điện thoại kèm theo số CMND chỉ được đăng ký mua 1 vé, sẽ khó có tình trạng phe vé đổ xô vào mua một lúc nhiều vé để lũng đoạn thị trường.
Nói thẳng, việc bán vé bóng đá là vô cùng cực khổ vì lượng nhu cầu vượt xa lượng cung rất nhiều. Nhưng cực khổ ấy không phải là khó khăn nan giải tới mức không thể thực thi hiệu qủa. Cái quan trọng là VFF có dám nghĩ, dám làm vì đường dài hay không mà thôi. Đừng để kinh nghiệm hôm nay trôi qua một cách lãng phí vì chính cái “chết” của hôm nay, nếu được tận dụng tốt, sẽ là cái sống của ngày mai.