Xóa “vết đen”, lấy lại niềm tin

Thứ Ba, 16/07/2019, 08:19
Trước khi kỳ thi THPT quốc gia 2019 bắt đầu, một cán bộ lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có nói với tôi rằng, “kỳ thi này như đi trên dây”, “chưa bao giờ làm thi mà căng thẳng như vậy”…


Tôi chia sẻ với những suy nghĩ đó và hiểu rằng, “vết đen” của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 quá lớn, hậu quả quá nặng nề nên đã gây áp lực gấp nhiều lần lên những người tham gia kỳ thi này. 

Trước khi kỳ thi bắt đầu, các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi của Bộ GD&ĐT đã tỏa đi các tỉnh, trong đó phần lớn là các tỉnh miền núi khó khăn. Và chúng tôi đều cảm nhận được sự lo lắng thực sự của các đồng chí trưởng đoàn. Vì thế, ngay từ khâu đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi đã được các cán bộ trong đoàn làm việc tận tâm, trách nhiệm, không chủ quan. Họ kiểm tra từ những việc rất quan trọng như: 

Công tác bảo quản đề, chỗ in sao đề và chấm thi, camera an ninh, giám thị phải nắm chắc quy chế, đến những việc “dễ cho qua” như: Khu vực thi có sát nhà dân không, chỗ ăn ở của giảng viên đại học đến làm nhiệm vụ có được chuẩn bị chu đáo, điện, nước đầy đủ hay không…

Khi kỳ thi bắt đầu, tôi được theo đoàn kiểm tra của Bộ GD & ĐT đến “điểm nóng” Hòa Bình, địa phương năm 2018 đã để xảy ra gian lận thi cử và nhiều thầy, cô, cán bộ quản lý đã dính vòng lao lý. Có lẽ vì khâu chuẩn bị quá chu đáo rồi nên ngày kiểm tra thi này, đoàn công tác khá nhàn. Điểm thi chúng tôi đến là Trường THPT Lương Sơn và Trường THPT Nguyễn Trãi ở huyện Lương Sơn. Nếu không có các cán bộ an ninh, cảnh sát làm nhiệm vụ ở khu vực phòng ngoài, không có giám thị hành lang đi lại thì không ai nghĩ đây là trường thi.                       

Trường thi như một buổi học bình thường. Kết thúc buổi kiểm tra “điểm nóng” Hòa Bình, đoàn công tác thở phào nhẹ nhõm. Thậm chí, khi một nhà báo hỏi một thí sinh sau khi ra khỏi phòng thi, là trong phòng có ai sử dụng “phao” không, em này trả lời rất thành thật: “Chúng em đang ở điểm nóng, sao có thể quay cóp được”.

Không chỉ thí sinh, rất nhiều giám thị (là giảng viên đại học được cử tới các tỉnh làm nhiệm vụ coi thi) đều giác ngộ sâu sắc nhiệm vụ của mình. Một giảng viên Trường Đại học Thủy lợi – làm nhiệm vụ coi thi ở tỉnh Điện Biên chia sẻ, với anh, đây không còn là đi “coi thi bình thường nữa” mà là thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng. 

Anh và các đồng nghiệp của mình đã khắc phục tất cả khó khăn khi coi thi ở tỉnh xa, để có thể coi thi tốt nhất, quyết không để xảy ra tình trạng lộn xộn trong phòng thi. Không chỉ cán bộ Trường Đại học Thủy lợi này suy nghĩ vậy mà tinh thần vì một kỳ thi nghiêm túc, không gian lận còn lan tỏa đến hàng trăm ngàn giảng viên đại học tham gia kỳ thi này.

Ngày 3-7, tôi được cùng Bộ GD & ĐT do Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn kiểm tra công tác chấm thi tại hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. “Trung thực” là từ mà Thứ trưởng Độ liên tục nhắc đi nhắc lại với các giáo viên chấm thi. 

Ông cho rằng, kỳ thi này với nhiều áp lực nặng nề, và chưa năm nào, 6 cụm từ phải được quán triệt sâu sắc tới từng cán bộ tham gia kỳ thi, đó là "an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, công bằng, trung thực, khách quan". Rất mừng là kỳ thi đã qua vòng 1 (coi thi) suôn sẻ, đạt 3 cụm từ đầu. Và 3 cụm từ sau, theo Thứ trưởng Độ "trông đợi vào các thầy cô chấm thi". 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các giáo viên chấm thi phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, vì thầy cô đều là "tinh hoa" của các trường THPT đã được chọn. Các thầy cô đã cố gắng rồi thì phải cố gắng nữa, góp phần trả lại danh dự cho kỳ thi này.

Và ngày 14-7, phổ điểm các môn thi lần lượt “lộ diện” và phân tích phổ điểm cùng chất lượng điểm thi của Bộ GD & ĐT, của nhiều chuyên gia tuyển sinh là minh chứng rõ nét nhất cho thấy, công tác coi thi và chấm thi đã thành công. Phổ điểm đã cho thấy đề thi phân hóa khá tốt, không còn tình trạng “mưa điểm 10” như những năm trước. 

Một số môn như Lịch sử hay Ngoại ngữ, điểm thi trung bình thấp hơn các môn khác thì cũng không có gì bất thường. Các tỉnh dẫn đầu về điểm thi trung bình như Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đều là những nơi có truyền thống học hành, hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội khá phát triển. 

Nói cách khác, chất lượng điểm thi đã phản ánh khá trung thực chất lượng dạy và học của nhiều địa phương. Đặc biệt, ba tỉnh là Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La năm nay “chốt cuối bảng”, trở về đúng vị trí, đã phần nào “củng cố” niềm tin của dư luận vào một kỳ thi nghiêm túc, công bằng như kỳ vọng ban đầu.

Rõ ràng kỳ thi đã bước đầu thành công cho thấy sự chuyển biến rõ nét khi cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương đều vào cuộc. Có lẽ chưa kỳ thi nào, tinh thần chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ lại lan tỏa sâu sắc và mạnh mẽ đến từng hội đồng thi đến vậy. Đã có rất nhiều địa phương quán triệt sâu sắc và kiên quyết rằng, “sẽ cho thôi chức lãnh đạo Sở GD & ĐT nếu để xảy ra sự cố”. 

Và cũng phải dành lời khen cho Bộ GD & ĐT, đã có sự chuẩn bị chu đáo, quyết liệt về mọi mặt, đã góp phần siết lại những “lỗ hổng” bằng một phần mềm chấm thi trắc nghiệm an toàn, bằng một loạt các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn từ đầu tất cả những gian lận. Thêm nữa, các trường đại học, cao đẳng đã phối hợp tốt với các địa phương làm tròn trách nhiệm của mình.

Sự phối hợp của các bộ, ngành, của Ban Tuyên giáo Trung ương, đặc biệt là của Bộ Công an đã hỗ trợ, bảo đảm an toàn, an ninh tuyệt đối cho kỳ thi. Một kỳ thi trung thực sẽ là tiền đề để ngành giáo dục bước vào những cải tiến thi cử tích cực tiếp theo khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới…

Thu Phương
.
.
.