Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga:

Tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh vào ngành yêu thích

Thứ Hai, 14/03/2016, 15:20
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Điều học sinh nên cân nhắc đó là nên chọn nhóm nghề mình yêu thích hơn chọn bất cứ trường nào. Thí sinh nếu đăng ký vào nhóm trường hay không phải cân nhắc rất kỹ vì năm nay không thể điều chỉnh được nguyện vọng của mình. Vì vậy, công tác tư vấn của các trường phải rất kỹ cho thí sinh trước khi đăng ký."

Một trong những điểm mới đáng chú ý trong tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2016 là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường được thành lập nhóm để tuyển sinh nhằm tránh thí sinh ảo. Vậy cách xét tuyển theo nhóm trường như thế nào? Thí sinh được lợi gì khi tham gia xét tuyển theo nhóm trường? Bên lề sự kiện Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2016, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về về vấn đề này.

PV: Năm 2016, một số trường ĐH sẽ thực hiện Đề án tuyển sinh theo nhóm. Cách thức tuyển sinh mới này có gì khác biệt so với các hình thức tuyển sinh truyền thống, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Theo Luật Giáo dục đại học, việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường. Do đó, việc các trường ĐH tuyển sinh riêng hay tham gia nhóm tuyển sinh chung hoàn toàn thuộc quyền tự chủ của các trường, Bộ GD&ĐT hoàn toàn khuyến khích. 

Hiện nay, ĐH Bách khoa Hà Nội đang chủ trì một nhóm tuyển sinh, sắp tới cũng có thể một số trường sẽ đứng lên thành lập nhóm. Khi các trường vào nhóm sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu chung, xét tuyển chung và thí sinh sẽ được đăng ký vào nhóm trường này. Quy chế quy định, đối với trường tuyển sinh theo nhóm, thí sinh có thể nộp 4 nguyện vọng trong đợt 1 cùng một nhóm trường, nhóm ngành. 

Thí sinh được đăng ký tối đa vẫn 4 nguyện vọng đợt 1 và 6 nguyện vọng đợt hai. Nhưng các em có thể đăng ký vào nhiều trường và theo các thứ tự ưu tiên. Ví dụ, bình thường các em đăng ký vào 2 trường với 4 nguyện vọng nếu xét tuyển độc lập, các trường sẽ không thể biết các em chọn trường nào dẫn đến điểm chuẩn ảo, thí sinh ảo. Nhưng thí sinh đăng ký vào nhóm trường này, khi các em trúng tuyển 1 nguyện vọng thì các nguyện vọng sau sẽ không xét nữa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các trường loại trừ được ảo nếu các em đăng ký xét tuyển trong nhóm.

PV: Rõ ràng, việc xét tuyển theo nhóm sẽ giúp các trường hạn chế được tình trạng thí sinh ảo. Vậy vấn đề đặt ra là tuyển sinh theo nhóm là vì lợi ích của chính các trường hay lợi ích của thí sinh?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc tuyển sinh theo nhóm không mang lại lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân, mà mang đến lợi ích chung cho thí sinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường khi giảm được lượng thí sinh ảo. Bởi theo quy chế tuyển sinh, khi thí sinh tham gia tuyển sinh theo nhóm trường sẽ  được nộp tất cả nguyện vọng trong nhóm này. 

Bên cạnh đó, các trường tuyển sinh theo nhóm cũng là những trường có cùng đào tạo nhóm ngành nghề. Do vậy, nếu không trúng tuyển trường top trên thì thí sinh cũng có thể trúng tuyển trường top dưới, tức là tăng thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh vào những ngành nghề mà các em yêu thích. 

Điều học sinh nên cân nhắc đó là nên chọn nhóm nghề mình yêu thích hơn chọn bất cứ trường nào. Thí sinh nếu đăng ký vào nhóm trường hay không phải cân nhắc rất kỹ vì năm nay không thể điều chỉnh được nguyện vọng của mình. Vì vậy, công tác tư vấn của các trường phải rất kỹ cho thí sinh trước khi đăng ký.

PV: Ngoài tuyển sinh theo nhóm trường, năm nay, Bộ GD&ĐT còn có biện pháp nào chống ảo, nhất là trong xét tuyển đợt 1?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Theo quy định, năm nay thí sinh trúng tuyển vào trường phải nộp giấy báo kết quả thi trong thời hạn quy định. Nếu quá thời hạn đó coi như thí sinh không học ở trường này. Do vậy, trường có quyền xét tuyển thí sinh tiếp theo chứ không đợi nhập học như những năm trước. Mặt khác, năm nay, Bộ GD&ĐT cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt đầu phải bằng hay cao hơn đợt trúng tuyển năm trước nên các trường hoàn toàn có thể chủ động hơn trong việc xác định chỉ tiêu và gọi thí sinh trúng tuyển. Ngoài ra, trong phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh phải ghi rõ những trường mình đã đăng ký xét tuyển cùng đợt. Đây cũng là cách để hạn chế tình trạng hồ sơ ảo, nguyện vọng ảo của thí sinh.

PV: Một vấn đề khác cũng rất được dư luận hết quan tâm đó là việc bỏ điểm sàn hệ Cao đẳng. Sự điều chỉnh này sẽ tăng nguồn tuyển cho các trường cao đẳng nhưng liệu có “gây khó” cho các trường trung cấp hay không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Quy chế tuyển sinh cao đẳng năm nay có nhiều thay đổi nhất, không còn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho cả hai cách xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển học bạ. Điều này phù hợp với luật giáo dục nghề nghiệp vừa được ban hành. Với những trường có sức hút lớn vẫn tuyển sinh từ cao xuống thấp đến khi đạt chỉ tiêu và có thêm điều kiện bổ sung. 

Bên cạnh đó, việc xóa điểm sàn hệ cao đẳng không ảnh hưởng đến tuyển sinh hệ trung cấp, bởi đã có quy định về chỉ tiêu tuyển sinh cho từng hệ. Ngoài ra, năm 2016, Bộ GD&ĐT tiếp tục giảm chỉ tiêu của hệ cao đẳng theo lộ trình, điều này sẽ tạo nguồn tuyển tốt hơn. Số còn lại, các em sẽ vào các trường trung cấp nghề.

PV: Quy chế xét tuyển ĐH năm 2016 sẽ được Bộ GD&ĐT sửa đổi, điều chỉnh theo hướng nào? Dự định khi nào thì Quy chế này sẽ được Bộ công bố?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ GD&ĐT vừa chính thức ban hành Quy chế kỳ thi THPT quốc gia và dự kiến sẽ Ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ trong vài ngày tới. Rút kinh nghiệm từ mùa tuyển sinh năm 2015, năm nay Quy chế tuyển sinh ĐH sẽ sửa đổi bổ sung nhằm khắc phục hạn chế năm 2015, đồng thời nhân rộng những kinh nghiệm tốt đã được kiểm nghiệm. Trong đó, đa phần những sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để thí sinh sẽ chọn được ngành mình yêu thích hơn là cố chọn được một trường chỉ để đỗ vào ĐH.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Huyền Thanh
.
.
.