Sửa quy chế để giảm áp lực tuyển sinh đại học năm 2016

Thứ Sáu, 19/02/2016, 17:01
Siết điểm ưu tiên, bỏ điểm sàn đối với hệ cao đẳng (CĐ), rút ngắn thời gian ở mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không phải nộp hồ sơ trực tiếp tại trường mà được phép đăng ký xét tuyển qua mạng Internet, thí sinh cũng không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành học đã đăng ký... là những điểm mới nổi bật trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH), CĐ năm 2016 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành.

Theo dự thảo, căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT, các trường công bố quy định xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ. Các trường có trách nhiệm cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia, nhưng không phải 3 ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp. Chỉ đến kết thúc mỗi đợt xét tuyển, trường mới công bố trên trang thông tin điện tử của trường và phương tiện thông tin đại chúng điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển đồng thời báo cáo về Bộ. 

Riêng đối với trường CĐ, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tốt nghiệp THPT, tức là không còn điểm sàn như đã áp dụng đối với năm 2015. Thí sinh được phép nộp Phiếu đăng ký xét tuyển và lệ phí cho trường qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc đăng ký trực tuyến. Trong đợt 1, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển. 

Đối với đợt đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung, thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành. Thời gian đăng ký xét tuyển bắt đầu từ ngày 1-8 đến hết ngày 20-10 đối với hệ ĐH và đến hết ngày 15-11 đối với hệ CĐ.

Thay vì nộp trực tiếp tại trường, thí sinh sẽ được nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến trong đợt tuyển sinh ĐH năm 2016.

Đề cập đến những điểm mới được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Năm nay, Bộ đã xem xét rất kỹ từ khâu nộp đơn, hình thức xét tuyển, quyền của các trường cho đến các chính sách ưu tiên nhằm giảm bớt áp lực tuyển sinh ĐH. Cụ thể, năm 2016, học sinh sẽ không phải nộp hồ sơ tại trường. Mỗi em có mã đăng ký riêng. Các em đăng ký online hay qua bưu điện chỉ cần ghi mã đó, không cần hồ sơ lích kích như trước vừa an toàn vừa tiết kiệm chi phí đi lại cho phụ huynh và thí sinh. Khắc phục việc rút nộp hồ sơ gây lộn xộn như năm ngoái, năm nay thí sinh ở đợt đăng ký xét tuyển đợt I sẽ được nộp ở 2 trường mỗi trường 2 ngành. 

Các đợt tiếp theo các em được nộp 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng và không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký ở mỗi đợt xét tuyển. Đối với các trường xét tuyển theo nhóm như các ĐH quốc gia, các ĐH vùng, các trường tổ chức xét tuyển theo nhóm để tránh ảo đối với các thí sinh đăng ký trong các ngành của nhóm trường này. 

Năm nay, Bộ cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn hoặc bằng trước, các trường có thể chủ động ngưỡng xét đầu vào phù hợp, tránh tình trạn lộn xộn cho khâu xét tuyển như đã xảy ra đối với năm 2015. Chế độ ưu tiên cũng sẽ được khắc phục nhằm tránh tình trạng nhầm lẫn, tình trạng thí sinh hiểu không đúng, đăng ký khu vực và đối tượng ưu tiên không đúng dẫn đến việc nhiều em từ đỗ thành trượt.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, những điều chỉnh, sửa đổi của Bộ GD&ĐT trong dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 về cơ bản là phù hợp và đây cũng chính là những đề xuất mà các chuyên gia giáo dục, các trường ĐH, CĐ đã đưa ra sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015. Trong đó, phần lớn các ý kiến đều đồng tình với quy định cho phép thí sinh  đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 ngành trong đợt đầu tiên cũng như không để thí sinh được tự do rút hồ sơ liên tục như năm 2015. 

Theo TS.  Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, điều chỉnh này sẽ giúp thí sinh giải quyết được bài toán chọn ngành phù hợp với năng lực, sở thích của mình trước khi chọn trường và đặt bút đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển. Khi đã có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, thí sinh yêu thích một ngành bất kỳ nào đó có thể chọn cùng một ngành nhưng ở hai trường top trên và top dưới khác nhau. Tùy vào kết quả thi mà thí sinh có thể đỗ vào ngành mình học hoặc là ở trường top trên hoặc trường top dưới. 

Thực tế cho thấy, trong năm 2015, mặc dù thí sinh được chọn tối đa 4 ngành nhưng không phải em nào cũng cần nhiều đến thế. Kết quả là có nhiều thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 3,4 nhưng không nhập học, thậm chí có những em vào trường học một thời gian rồi bỏ.

Đối với quy định cho phép thí sinh nộp hồ sơ qua bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến qua internet thay vì trực tiếp đến trường để nộp nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cũng được hầu hết các chuyên gia giáo dục đồng tình. TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: Việc ứng dụng sức mạnh của công nghệ thông tin vào công tác tuyển sinh là hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, do thí sinh được đăng ký xét tuyển trực tuyến nên lượng truy cập sẽ rất lớn. Điều này đòi hỏi các trường ĐH cần phải có một hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh để tránh tình trạng nghẽn mạng, ảnh hưởng đến quyền lợi của các em. Bên cạnh đó, việc rút ngắn thời gian xét tuyển từ 2 tuần xuống còn 10-12 ngày cũng là một điều chỉnh phù hợp, nhằm giảm bớt sự căng thẳng không đáng có cho cả thí sinh, nhà trường và xã hội.

Huyền Thanh
.
.
.