Thêm một số địa phương có nghi vấn điểm thi bất thường

Thứ Năm, 19/07/2018, 12:03
Không chỉ Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, nghi vấn điểm thi bất thường đang “lan” sang cả Hòa Bình khi kết qủa thống kê dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố cho thấy, Hòa Bình, Bắk Kạn và Bạc Liêu... cũng có dấu hiệu bất thường.

Không chỉ Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, nghi vấn điểm thi bất thường đang “lan” sang cả Hòa Bình khi kết qủa thống kê dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố cho thấy, Hòa Bình cũng là một trong những địa phương có thứ hạng cao về tỉ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên môn Toán, Lý, Hóa và số lượng thí sinh trên 27 điểm ở một số khối thi. 

Tại khu vực phía Nam, Bạc Liêu cũng là địa phương hiện đang được đưa vào “tầm ngắm” khi mà tỉnh này bất ngờ vượt lên vị trí thứ 7/63 tỉnh thành về điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia 2018.

Theo một số chuyên gia phân tích từ dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2018 do Bộ GD&ĐT công bố ngày 11-7 cho thấy, năm 2018, Hòa Bình có hơn 8.900 thí sinh dự thí sinh dự thi môn toán nhưng có 27 thí sinh đạt điểm 9 trở lên, chiếm tỉ lệ 0,3%. 

Trong khi đó, tỉ lệ này ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Nam Định (tỉnh có điểm trung bình môn toán cao nhất tại kỳ thi năm nay) lần lượt là 0,1, 0,04 và 0,07, thấp hơn Hòa Bình rất nhiều. Tỉ lệ của Hòa Bình cũng cao gấp 5 lần tỉ lệ chung của cả nước là 0,06%. 

Bên cạnh đó, số lượng điểm 9 trở lên ở môn toán của 2 tỉnh Hòa Bình tương đương với số điểm 9 trở lên của TP. Hồ Chí Minh và cao gấp 2,3 lần số điểm 9 trở lên của Nam Định.

Bản đồ kết quả thi THPT quốc gia 3 chung năm 2003.

Tuy nhiên, số thí sinh tham dự môn toán của TP. Hồ Chí Minh cao gấp 11 lần so với Hòa Bình, còn Nam Định cũng có số thí sinh cao gấp khoảng trên dưới 2 lần số thí sinh của 2 tỉnh này. Tương tự, tỷ lệ thí sinh đạt điểm cao các môn Vật lý và Hóa học của Hòa Bình cũng cao hơn các thành phố nằm trong nhóm có điểm trung bình các môn thi này cao nhất cả nước như TP.Hồ Chí Minh, Nam Định...

Ngoài ra, nếu xét theo khối thi A1 (Toán, Vật lí, tiếng Anh), cả nước có 82 thí sinh đạt mức điểm 27 trở lên, tức trung bình mỗi môn 9 điểm thì Hòa Bình cũng “đóng góp” 9 thí sinh trong danh sách này, chiếm 11%. 

Đây cũng là một trong số các tỉnh có số lượng thí sinh đạt mức điểm từ 27 trở lên cao vượt trội so với các tỉnh thành phố khác như Hà Nội chỉ có 4 thí sinh (chiếm 4,88%), TP.Hồ Chí Minh và Nam Định chỉ có 2 thí sinh, chiếm 2,44%. 

Tương tự, ở khối C03 (Toán, Ngữ văn, Lịch sử), cả nước chỉ có 10 trường hợp thí sinh có mức điểm trên 27 điểm thì Hòa Bình có 2 thí sinh. Ở khối D09 (Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ), cả nước có 10 thí sinh có mức điểm trên 27 điểm thì Hòa Bình có 4.

Hiện trên một số diễn đàn trên mạng xã hội cũng đã đặt ra nghi vấn về điểm thi cao bất thường của một số thí sinh tại Tuyên Quang.

Theo thông tin được đăng tải trên Diễn đàn Toán học, cả tỉnh Tuyên Quang có 2 thí sinh đạt 9,2 điểm môn Toán trong kì thi THPT quốc gia 2018. Trong đó có thí sinh P.H.S học sinh chuyên Sử, người còn lại là 1 học sinh chuyên Toán.  

Mặc dù là học chuyên Sử nhưng P.H.S đã cố gắng học chuyên sâu khối A1 và đạt thủ khoa tỉnh Tuyên Quang khối này. Cụ thể điểm thi 3 môn khối A1 của S là Toán: 9,2; Vật lý: 9,25; Ngoại ngữ: 9,2. Tổng 27,65 (chưa kể điểm cộng ưu tiên).  

Với tổng điểm này, S nằm trong top các thí sinh có điểm khối A1 cao nhất Việt Nam. Điều gây nhạc nhiên cho nhiều người hơn nữa là trước đó khoảng 1 tháng, điểm thi thử của S tại trường là: Toán: 5,2; Văn: 3,5 và Tiếng Anh: 4,0...

Chưa hết, theo một nguồn tin riêng của PV Báo CAND, toàn tỉnh Bắc Kạn năm nay có 292 thí sinh tự do dự thi THPT quốc gia, tuy nhiên  khoảng 14/292 trong số này có điểm thi đạt từ 24 đến 27 điểm, chiếm khoảng 5%, cao hơn nhiều so với các năm trước. Đa phần các thí sinh có điểm cao này đều xét tuyển theo khối C03 (Toán, Văn, Sử)...

Chia sẻ với PV Báo CAND về nghi vấn điểm thi bất thường của một số địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cho rằng: Ngay từ năm 2007, trong một Hội nghị giao ban Giám đốc Sở và tổng kết năm học tại TP.Hồ Chí Minh, cá nhân ông đã lên bục phát biểu và trong đó có nhấn mạnh một ý rằng, đừng bao giờ tin tuyệt đối vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức tại địa phương để làm kết quả xét vào đại học. 

Kết luận này được rút ra khi xem biểu đồ điểm 10 của một số thí thi tốt nghiệp THPT thời đó, nhưng khi đi thi ĐH thì đã đổ rạp xuống.

Điểm trung bình điểm thi THPT quốc gia 2018. Ảnh vnn.vn
Cũng theo TS Quách Tuấn Ngọc, 13 năm thi 3 chung, Cục CNTT thường xuyên xếp hạng, vẽ bản đồ Việt Nam và về nguyên lý, nhóm xếp hạng theo mầu là rất ít thay đổi. Về nguyên tắc, tốp 10 chủ yếu là các tỉnh đồng bắc Bắc bộ. 

Đứng vị trí Nhất thường xuyên là Hà Nội gốc (thời chưa mở rộng ra cả Hà Tây), Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Và TP. Hồ Chí Minh sau mấy năm 3 chung mới vào được tốp 10. Tuy nhiên, từ ngày thi “2 trong 1”, thứ hạng sắp xếp của các tỉnh bị xáo trộn. 

"Nhiều tỉnh ngày xưa chúng tôi sơn đỏ, nay nhẩy lên sánh vai với top 10, tức là mầu xanh trên bản đồ. “Quý vị tham khảo bảng xếp hạng theo điểm trung bình thi THPT quốc gia 2018 do báo VietnamNet làm. Nhìn kỹ top 20 thì thấy rõ hơn. Đúng là tôi không tin nổi vào mắt nên quyết định không vẽ bản đồ 2018. Vẽ ra chỉ gây ra chuyện khó coi và khó giải thích”-ông Ngọc chia sẻ.

Huyền Thanh
.
.
.