Sau Hà Giang, nên rà soát các bài thi có dấu hiệu nghi vấn tại Sơn La

Thứ Tư, 18/07/2018, 15:54
Như Báo CAND đã thông tin, ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố điểm thi THPT quốc gia 2018, bên cạnh Hà Giang, nghi vấn điểm cao bất thường cũng đã được đặt ra với Sơn La khi mà 2 thủ khoa của tỉnh này, đồng thời cũng là 2 trong số 11 thủ khoa của cả nước có điểm thi thật “vênh” nhiều so với điểm thi thử trước đó. 

Theo thầy Trần Mạnh Tùng,  giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), trường hợp em N.L.B.N., học sinh chuyên Sử của trường THPT chuyên Sơn La, có điểm thi THPT quốc gia môn Toán là 9,8 điểm, Tiếng Anh là 9,8 điểm và điểm thi thử trước đó của em này là Toán 5 điểm, Tiếng Anh 1,2 điểm. Tương tự, em T.N.D., học sinh chuyên Văn, điểm thi THPT quốc gia 2018 môn Toán 9,6, Văn 9, Sử 10 điểm, Anh 10 điểm.

Như Báo CAND đã thông tin, ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố điểm thi THPT quốc gia 2018, bên cạnh Hà Giang, nghi vấn điểm cao bất thường cũng đã được đặt ra với Sơn La khi mà 2 thủ khoa của tỉnh này, đồng thời cũng là 2 trong số 11 thủ khoa của cả nước có điểm thi thật “vênh” nhiều so với điểm thi thử trước đó.

Đây cũng là học sinh có điểm thi cao nhất cả nước năm 2018. Tuy vậy, điểm thi THPT quốc gia thử của T.N.D. trước đó thấp hơn rất nhiều. Cụ thể, Toán 6,4 điểm, Văn 6,5 điểm, Anh 5,8 điểm, Sử 5, 5 điểm.

Còn theo phân tích của một số chuyên gia có kinh nghiệm về thống kê số liệu học, kết quả phân tích điểm thi của Sơn La bước đầu cho thấy có bất thường, tuy mức độ không nghiêm trọng như ở Hà Giang. Phân tích của GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia) cho thấy, nếu tính trung bình, điểm thi môn toán, lí, hóa và sinh học của Sơn La đều thấp hơn so với cả nước.

Chẳng hạn như môn toán, điểm trung bình của Sơn La là 3.43 so với cả nước là 4.88. Tuy nhiên, nếu phân tích cụ thể hơn bằng bảng số liệu, đối với môn Toán, có thể thấy quả thật Sơn La có vẻ có số thí sinh điểm 9.0 đến 9.8 cao bất thường.

Nếu theo phân bố quốc gia, chúng ta kì vọng Sơn La có 6 thí sinh, nhưng trong thực tế thì có đến 30 thí sinh, tức cao hơn 5 lần so với kì vọng. Tương tự, đối với môn Lý, số học sinh có điểm 9.0 trở lên là 13 em, trong khi đó theo kì vọng quốc gia thì chỉ có 1 thí sinh...

Thầy Lê Đức Vĩnh, nguyên Trưởng bộ môn Toán, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, một trong những người đầu tiên đề cập đến lỗ hổng trong chấm thi trắc nghiệm cho rằng: Qua hiện tượng Hà Giang, dư luận có quyền nghi ngờ về sai phạm trong chấm thi của một số địa phương khác chẳng hạn như Sơn La.

“Không hiểu Bộ GD&ĐT có tiếp tục rà soát, thanh tra các nơi này hay chỉ dừng lại ở Hà Giang? Đây không chỉ là băn khoăn của cá nhân tôi mà là băn khoăn của rất nhiều người. Nhân dịp này, Bộ GD&ĐT nên làm một cuộc đại phẫu thuật trong thi cử bằng cách rà soát lại tất cả các bài thi bị coi là nghi vấn trong cả nước”-ông Vĩnh nêu quan điểm.

Cũng theo ông Lê Đức Vĩnh, với những sai phạm nghiêm trọng vừa được công bố, gian lận trong thi cử là có, không phải “học tài thi phận” như một số lãnh đạo giáo dục của Hà Giang từng nhận định khi chưa có kết quả thanh tra. Qua kết quả thanh tra cũng cho thấy, lỗ hổng trong việc chấm thi trắc nghiệm là có thật và ghê gớm tới mức nào.

“Môn Văn, môn học duy nhất còn thi theo hình thức tự luận không phát hiện ra sự man trá điều đó cho ta thấy rằng sự man trá trong khi chấm thi tự luận khó hơn chấm thi trắc nghiệm nhiều. Bản thân tôi cũng nhiều lần tự hỏi, nếu năm nay Hà Giang chỉ nâng điểm cho các em chỉ tầm tầm trên dưới 22 điểm thì chắc rằng góc khuất của chấm thi trắc nghiệm vẫn ở trong bóng tối, kỳ thi vẫn được đánh giá là thành công như mong đợi. Nếu vậy, thì sự gian dối trong thi cử không hiểu tới lúc nào mới bị phơi bày ra trước công luận. Nói ra có thể hơi ngược nhưng những người quan tâm tới nền giáo dục nước nhà nên cảm ơn Hà Giang vì nhờ có Hà Giang chúng ta mới thấy được hết những lỗ hổng của việc chấm thi trắc nghiệm”- Ông Vĩnh chia sẻ.

Huyền Thanh
.
.
.