Sớm xóa bỏ độc quyền trong biên soạn và phát hành SGK

Thứ Bảy, 25/08/2018, 08:22
Việc thiếu sách giáo khoa (SGK) tại nhiều địa phương trên cả nước ngay trước thềm năm học mới những ngày qua, đặc biệt là các lớp đầu cấp đã trở thành “giọt nước tràn ly” khiến dư luận xã hội càng mong muốn sớm xóa bỏ độc quyền trong lĩnh vực này.


Theo nhiều chuyên gia giáo dục, chỉ khi nào thực hiện được nhiều bộ SGK với sự tham gia của nhiều nhóm biên soạn, các nhà xuất bản (NXB) như các nước tiên tiến đã làm thì mới xóa bỏ được sự độc quyền; tạo được sự cạnh tranh lành mạnh.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng từ 15-16 triệu học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông (THPT). Đây cũng là đối tượng đang sử dụng SGK trong các nhà trường phổ thông hiện nay. 

Tuy vậy, công việc phục vụ SGK cho đối tượng này vẫn chủ yếu do một mình Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam cáng đáng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, phát hành SGK gần như đang là thị trường độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam.

Mặc dù NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, để phục vụ năm học mới 2018-2019, đến thời điểm này, NXB Giáo dục đã phát hành 108,8 triệu bản SGK, đạt 105% kế hoạch, vượt 3% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy vậy, thực tế cho thấy, tình trạng khan hiếm SGK cục bộ, đặc biệt là các lớp đầu cấp lớp 1, lớp 6 và lớp 10 đã xảy ra tại hầu hết các địa phương, trong đó có cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu SGK cục bộ là do có sự gia tăng đột biến số lượng học sinh ở một số địa phương. 

Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm học 2019-2020, khối lớp 1 sẽ thay SGK mới nên một vài công ty sách - thiết bị trường học địa phương đã đặt kế hoạch thấp hơn thực tế để tránh tồn kho. 

Việc xây dựng nhiều bộ SGK trên cơ sở một chương trình được kỳ vọng sẽ xóa bỏ độc quyền trong việc in, phát hành SGK. Ảnh minh họa

Chính điều này đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn, phát hành của NXB Giáo dục Việt Nam. Tuy vậy, lý giải này chưa thực sự nhận được sự đồng tình từ dư luận xã hội, đặc biệt là các chuyên gia giáo dục.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nêu quan điểm: “Không thể nói NXB đã phát hành vượt kế hoạch trong khi phụ huynh vẫn không thể mua được sách. Rõ ràng là có sự mâu thuẫn ở đây mà mâu thuẫn đó chính là hệ quả của việc độc quyền in, phát hành SGK”. 

Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, lý do thiếu SGK do số lượng học sinh tăng đột biến cũng hoàn toàn không thuyết phục vì trước năm học mới, các địa phương đều có khảo sát dân số để ước lượng được số lượng học sinh tăng, giảm ra sao. 

“SGK là mặt hàng đặc biệt, việc in và phát hành không phải là bài toán kinh doanh thông thường mà trước hết là bài toán xã hội vì liên quan mật thiết đến mọi gia đình. Chính vì thế, khi chỉ có duy nhất một NXB in SGK như hiện nay thì việc phát hành sách cần tính đến nhiệm vụ chính trị chứ không đơn thuần là kinh doanh kinh tế. Do vậy, NXB Giáo dục cần phải chịu trách nhiệm khi để tình trạng khan hiếm sách. Còn trong trường hợp NXB khẳng định đã xuất bản đủ mà các địa phương vẫn thiếu thì tỉnh đó phải chịu trách nhiệm”, TS Nguyễn Tùng Lâm đặt vấn đề.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng: Việc để xảy ra tình trạng thiếu SGK khiến phụ huynh phải “chạy đôn, chạy đáo” khắp nơi để tìm mua đủ sách cho con và để cho “cò” SGK trục lợi là hiện tượng rất phản cảm. Bởi ở góc độ nào đó, có thể coi SGK là nhu cầu thiết yếu của xã hội như điện, nước... vì giáo dục không thể thiếu SGK. 

Do vậy, cơ quan phát hành sách phải có nhiệm vụ nắm bắt được nhu cầu của người dân về SGK trước khi phát hành, không để rối loạn như vừa qua.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc xóa bỏ độc quyền biên soạn và phát hành SGK là xu hướng tất yếu. Giải pháp hợp lý để nâng cao chất lượng SGK và không bị lệ thuộc quá nhiều vào một đơn vị cung ứng là xóa bỏ độc quyền, cho phép xuất bản nhiều bộ sách, tạo sự cạnh tranh giữa các tác giả, các NXB. 

Điều này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 88 của Quốc hội là khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn nhiều bộ SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học-cao đẳng Việt Nam cho biết: Thực tế chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK các nước khác đã làm từ rất lâu. Ví như Liên Xô, một chương trình cũng có 8 bộ SGK. 

Với những phương pháp của các bộ SGK đương nhiên sẽ tồn tại những điểm mạnh và điểm yếu. Tuy nhiên, có nhiều bộ SGK thì tính đa dạng về mặt kiến thức sẽ cao hơn nhưng vẫn đảm bảo tính thống nhất về chương trình và trình độ thì đó là ưu điểm lớn hơn cả. 

Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh lĩnh vực giáo dục và lịch sử tại Nhật Bản cũng chia sẻ: Tại Nhật Bản, trước năm 1945, thực hiện cơ chế “quốc định”, nghĩa là cả nước dùng chung một bộ SGK do Bộ Giáo dục ban hành. 

Nhưng từ năm 1947, Nhật Bản đã chuyển sang dùng cơ chế “kiểm định”. Bộ Giáo dục sẽ là cơ quan thẩm định các bản thảo được đăng ký và quyết định xem bản thảo nào đủ tiêu chuẩn là SGK. 

Các cuốn đạt yêu cầu được công nhận là SGK sau đó sẽ được công bố công khai cho các địa phương và trường lựa chọn. Toàn bộ quy chế, quy trình đăng ký, thẩm định, công bố kết quả, khiếu nại, sửa chữa, tái thẩm định… đều được công khai cho xã hội theo dõi, giám sát. 

Vì vậy, trên thực tế, nước Nhật không dùng ngân sách để làm SGK. Chuyện biên soạn SGK là công việc của các tác giả và nhà xuất bản, Bộ Giáo dục chỉ thẩm định và công bố kết quả mà thôi. Hiện tại, mỗi môn học ở Nhật có tới cả chục nhà xuất bản cùng làm SGK. 

Ví dụ, môn Xã hội ở bậc tiểu học, 8 NXB cùng làm sách và được công nhận. Tất nhiên, thị phần của các NXB khác nhau, tùy thuộc uy tín, truyền thống và chất lượng sách của các NXB đó. Việc cạnh tranh lành mạnh giữa các NXB đã giúp cho sách của họ ngày càng tốt hơn cả về hình thức và nội dung.

Huyền Thanh
.
.
.