Cần tránh việc không thống nhất sách giáo khoa

Thứ Hai, 11/06/2018, 20:01

 Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều; bổ sung 3 điều mới; bãi bỏ 10 điều.

   

Chiều 11-6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục.

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều; bổ sung 3 điều mới; bãi bỏ 10 điều.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết phải ban hành Luật cũng như mục tiêu xây dựng Dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và các nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.  

Về mục tiêu giáo dục, dự thảo Luật quy định mục tiêu giáo dục là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho biết, thực tế, học sinh của chúng ta lại yếu kém về kỹ năng, sự hiểu biết về cuộc sống và nhất là trình độ ngoại ngữ. Đại biểu cho rằng, tất cả những yếu kém này rất khó để người Việt Nam có thể hòa nhập với thế giới. Do đó, cần phải bổ sung vào mục tiêu giáo dục, đó là: Nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, kỹ năng, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp” để khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém nêu trên.

Đại biểu Ngô Thj Kim Yến

Quan tâm đến nội dung về sách giáo khoa, đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, việc quy định mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa và mỗi một cơ sở giáo dục lại được tự lựa chọn bộ sách giáo khoa cho chương trình học của mình có thể dẫn đến việc không thống nhất, không ăn khớp về chất lượng giáo dục giữa các cơ sở giáo dục trong cả nước. Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi áp dụng quy định mới như vậy, việc tập huấn cho giáo viên của từng trường với nhiều chương trình khác nhau liệu có đảm bảo hay không.

Đại biểu Dương Minh Tuấn

 Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, hiện nay có một số trường học đã tự chọn sách giáo khoa vào trong chương trình giảng dạy của mình. Tuy nhiên điều đáng nói, là giá sách của cùng một môn học ở các trường so với giá cơ bản của thị trường rất chênh lệch nhau. Có nơi giá sách cao hơn đến 10 lần. 

Các đại biểu Quốc hội yêu cầu cần phải quy định rõ giá trị sách giáo khoa của cùng một môn không được chênh lệch nhau quá, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể giới hạn phần trăm chênh lệch vào trong luật.

Nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung quy định đối với giáo dục mầm non vào dự án Luật, bởi đây là bậc học quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân; đầu tư cho giáo dục mầm non vừa có hiệu quả cao, có tính quyết định đến sự phát triển của trẻ trong tương lai, vừa giải quyết tốt hơn vấn đề công bằng xã hội. Ban soạn thảo cần nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung cần thiết về giáo dục mầm nong nhằm tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non; quy định rõ về chính sách cơ bản của Nhà nước, của xã hội đối với giáo dục mầm non, trong đó có giáo viên mầm non. 

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với việc dự án Luật thay quy định hiện hành là miễn học phí thành quy định cho vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên để đóng học phí, sau khi tốt nghiệp nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải hoàn trả khoản vay này. Các đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần cân nhắc vì việc không thể làm việc trong ngành giáo dục cũng có thể là vấn đề khách quan nằm ngoài mong muốn chủ quan của học sinh, sinh viên tốt nghiệp. 

Liên quan đến nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo 2 loại hình: trường công lập và trường ngoài công lập. Trường công lập do Nhà nước đầu tư thành lập và đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật. Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình- tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay số lượng các trường công lập của nước ta quá lớn, gây sức ép không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Theo đại biểu, chỉ nên thành lập, duy trì hình thức công lập đối với các ngành nghề cần thiết, còn lại nên giảm thiểu để giảm bớt sức ép cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, các nội dung về tự chủ ở các cơ sở giáo dục; nâng chuẩn giáo viên; phạm vi sửa đổi; yêu cầu nội dung và phương pháp giáo dục; độ tuổi học sinh… cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến.


Phương Thuỷ
.
.
.