Sẽ bỏ quy định Hội phụ huynh được thu tiền để tránh biến tướng

Thứ Sáu, 22/09/2017, 14:06
Trong thời gian qua, dư luận xã hội, đặc biệt là nhiều phụ huynh học sinh đã lên tiếng bày tỏ những bức xúc liên quan tới hoạt động của hội phụ huynh học sinh khi mà tại nhiều nơi, nhiều trường học, hội này đang trở thành “cánh tay nối dài” để thực hiện việc lạm thu. Đặc biệt, có phụ huynh đã viết đơn kiến nghị lên Chính phủ đề nghị “giải tán” Hội phụ huynh.

 

Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông ngày 22-9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Hội phụ huynh học sinh là rất cần thiết để tạo sự phối hợp, sự kết nối giữa nhà trường với gia đình trong quá trình giáo dục học sinh. 

Tuy nhiên, hoạt động của ban này như thế nào thì cũng cần phải xem xét để đảm bảo đúng hiệu quả và phát huy đúng vai trò chức năng của mình. Thực tế hiện nay, tại một số địa phương, Hội phụ huynh đang làm chưa đúng theo quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh mà Bộ GD&ĐT đã ban hành tại Thông tư 55. 

Còn có hiện tượng các trường thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu không đúng quy định. “Điều này không chỉ có trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh mà còn là trách nhiệm của các đồng chí hiệu trưởng. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh ngay với các hành vi không đúng”, Thứ trưởng Nghĩa nhấn mạnh.

Tiếp tục duy trì Hội cha mẹ học sinh hay giải tán hội đang là vấn đề gây tranh cãi trong dư luận xã hội (ảnh minh họa). 

Để Hội phụ huynh hoạt động tốt, bà Nghĩa cho rằng cần thực hiện đúng theo quy định điều lệ thì hoạt động sẽ rất tốt. Có sự phối hợp, kết nối giữa Hội phụ huynh và nhà trường thì chắc chắn hiệu quả trong quản lý và giáo dục học sinh sẽ tốt hơn. 

Nội dung trao đổi là những vấn đề về học sinh, các hoạt động để nâng cao chất lượng học tập hay cùng trao đổi thông tin cụ thể về học sinh. Trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường còn là cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục tốt cho các cháu. Đừng biến tướng Hội phụ huynh thành tổ chức để lạm thu trong nhà trường.

Bàn về vấn đề sửa đổi điều lệ, Thứ trưởng Nghĩa cho biết: Bộ sẽ xem xét lại điều lệ, các vấn đề chưa thực sự phù hợp hoặc có việc lợi dụng điều lệ để lạm thu thì sẽ có điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn thực tế hiện nay. Về việc có nên xoá bỏ quy định Hội phụ huynh được phép thu tiền hay không, bà Nghĩa cho viết: Hội phụ huynh được phép thu hội phí theo quy định điều 10. Trước những biến tướng như hiện tại, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu có thể sẽ bỏ quy định này để tránh hiện tượng lách luật. Việc phụ huynh muốn đóng góp thì phải trên tinh thần tự nguyện chứ sẽ không còn quy định.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng nêu quan điểm, ban phụ huynh đã làm rất tốt công việc của mình, đồng thời giám sát việc của nhà trường, thay mặt phụ huynh để kiến nghị bảo vệ quyền lợi cho học sinh. 

Tuy vậy, vẫn còn tồn tại nhiều nơi phụ huynh là “cánh tay nối dài” của Ban giám hiệu để thu tiền. Đó là hành động không đúng cần chấn chỉnh. “Nhưng chúng ta cũng cần hiểu thế nào là lạm thu? Luật giáo dục quy định, ngoài thu học phí không được thu bất kỳ khoản nào liệu có thực hiện được hay không khi mà học phí của học sinh chỉ có 30.000 đồng đến 40.000 đồng mỗi tháng. 

Nhưng nhà trường còn phải làm các dịch vụ khác cho học sinh như giữ xe cho học sinh, nếu không thu thì lấy tiền đâu mà thuê người giữ xe. Điều này dẫn đến việc, quy định vẫn cấm, kẻ hở thu vẫn có, nhiều nơi đã tận thu dẫn đến việc lạm thu nên cần có quy định rõ ràng, khoản nào dịch vụ ra dịch vụ để tránh chuyện lách luật hay biến tướng. 

Về cơ sở vật chất, có một điều khá vô lý là các trường năm nào cũng thu điều hòa khi phụ huynh và học sinh có nguyện vọng. Nhưng điều hòa dùng cả chục năm trời mới hỏng. Vậy có thể sử dụng cách vay tiền của hội phụ huynh, sau đó khi học sinh ra trường phải trả lại, tạo nên sự sòng phẳng”- GS Nguyễn Minh Thuyết nói.


Huyền Thanh
.
.
.