Chuyện thường ngày năm học mới:

Nhập nhằng về nghĩa vụ đóng góp, nhà trường lạm thu

Thứ Năm, 14/09/2017, 08:44
Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu năm học mới, các địa phương lại xôn xao về tình trạng lạm thu trong nhà trường. Gánh nặng đóng góp những khoản “ngoài luồng” đầu năm đã thành nỗi lo lắng thường trực của phụ huynh, gây bức xúc trong toàn xã hội.

Tuy vậy, lạm thu vẫn có “đất sống” khi mà vẫn còn nhiều phụ huynh chưa biết nghĩa vụ mình phải đóng góp như thế nào dẫn đến việc nhà trường lạm thu cũng không biết.

Trước khi bước vào năm học mới 2017-2018, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục cam kết và nghiêm túc không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học. Các địa phương tự chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý vi phạm.

Chống lạm thu trong nhà trường, rất cần sự hiểu biết và dũng cảm của chính phụ huynh.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các khoản thu chi đầu năm. Theo văn bản hướng dẫn, ngoài học phí và bảo hiểm y tế là khoản thu theo quy định chung của Nhà nước, trong trường học hiện nay có thêm hai khoản thu khác là thu theo thỏa thuận (tiền ăn, bán trú, nước uống, đồng phục, dạy thêm, học thêm…) và thu tự nguyện.

Trong đó, với các khoản thu tự nguyện, thường dễ bị biến tướng, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đều có hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Đơn cử như đối với các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu thực hiện thu theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh. Các đơn vị chỉ được tiến hành vận động, thực hiện việc đóng góp sau khi có sự đồng ý của cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp.

Đối với kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các phụ huynh. 

Đồng thời, quy định rõ Ban Đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của học sinh hoặc gia đình học sinh các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện như: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Hiện có nhiều đơn vị đang hiểu sai về các khoản thu trong nhà trường và nhiều phụ huynh cũng còn “lơ mơ” về nghĩa vụ mà mình phải đóng góp. Theo quy định, ngoài 2 khoản thu bắt buộc trong nhà trường hiện nay là học phí và bảo hiểm y tế, các khoản thu khác trong nhà trường đều phải thực hiện theo quyết định 51 của TP Hà Nội.

Theo đó, các bậc phụ huynh không phải tham gia đóng góp cho các hạng mục như mua sắm, sửa chữa trong nhà trường mà đó là trách nhiệm của nhà nước và người đứng đầu cơ sở giáo dục. Các hoạt động như bán trú, ăn trưa, dạy thêm học thêm thì được thỏa thuận. Trong trường hợp cần sửa chữa cấp thiết trong khi ngân sách chưa kịp thời thì nhà trường phải thực hiện đúng 4 bước quy trình về thoả thuận.

Ông Nguyễn Viết Cẩn cũng cho rằng, mặc dù các văn bản hướng dẫn đã rõ nhưng tình trạng lạm thu vẫn diễn ra là do sự hiểu sai của các trường và sự hạn chế từ nhận thức của phụ huynh. “Theo quy định, các khoản thu của nhà trường phải được cấp trên phê duyệt, tức là UBND quận/huyện đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS và Sở GD&ĐT đối với các trường THPT. Do đó, khi có biểu hiện sai về thu, chi, phụ huynh phải lên tiếng ngay. Phụ huynh cần yêu cầu nhà trường công khai các văn bản, hướng dẫn thu chi và cùng học sinh, tập thể giáo viên thực hiện giám sát nhà trường trong hoạt động này”-ông Cẩn đưa ra lời khuyên.

Nhằm tăng cường sự tham gia giám sát của phụ huynh trong việc chống lạm thu trong nhà trường, mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng của Phòng GD&ĐT 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn và cả số điện thoại đường dây nóng của Sở GD&ĐT để tiếp nhận các thông tin phản ánh về các khoản thu chi sai quy định.

“Khi tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng, một mặt chúng tôi sẽ giữ kín thông tin của người phản ánh nên phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm. Mặt khác, chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay. Đối với những chủ trương được xác định là không đúng, chúng tôi sẽ yêu cầu các trường phải dừng và trả lại tiền cho cha mẹ học sinh” - ông Cẩn nhấn mạnh.

Sốc với khoản thu đầu năm học hơn 10 triệu đồng/học sinh

Chiều 13-9, UBND huyện An Dương, TP Hải Phòng đã công bố quyết định kiểm tra tại Trường tiểu học Đặng Cương. Đây là ngôi trường có dấu hiệu lạm thu trong dịp đầu năm học 2017-2018, gây bức xúc trong phụ huynh.

Theo xác minh ban đầu của Công an xã Đặng Cương, đầu năm học 2017-2018, các lớp học tại Trường tiểu học Đặng Cương đã thực hiện thu đầu năm học. Cụ thể, khối lớp 1, các học sinh phải đóng 14 khoản với tổng số tiền 10 triệu 131 nghìn đồng; khối lớp 4 phải đóng chín khoản là 5 triệu 966 nghìn đồng; khối lớp 5 phải đóng mười khoản là 6 triệu 191 nghìn đồng. Hiện, các gia đình học sinh có điều kiện đã đóng đủ tiền, một số gia đình chưa có điều kiện mới đóng một phần.

Trưởng phòng Giáo dục huyện An Dương Đặng Tăng Thông cho biết, theo kết quả xác minh ban đầu của Công an xã Đặng Cương cho thấy có một số khoản thu không đúng quy định và chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Trước tình hình trên, ngày 13-9, Chủ tịch UBND huyện An Dương đã ký quyết định kiểm tra công tác quản lý thu, chi và các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh năm học 2017-2018; công tác quản lý, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động tại Trường tiểu học Đặng Cương và công bố thực hiện kiểm tra ngay trong chiều 13-9.

Trước đó, chiều 12-9, UBND huyện An Dương cũng đã tiệu tập họp đột xuất với hiệu trưởng các trường học trên địa bàn để quán triệt về việc thu, chi đầu năm theo quy định; yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, thống nhất việc thu, chi theo chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng và Sở Giáo dục- Đào tạo Hải Phòng về thu học phí và các khoản xã hội hoá.

Một đoàn công tác của huyện được thành lập do Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Cường làm trưởng đoàn để kiểm tra, xem xét việc thu chi đầu năm học 2017-2018 tại các trường thuộc quản lý của huyện. Ông Lê Văn Cường cho biết, quan điểm của huyện là việc thu, chi phải thực hiện đúng theo quy định và huyện sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Văn Thịnh

Huyền Thanh
.
.
.