“Cơn bão”…lạm thu

Thứ Ba, 19/09/2017, 11:11
Những ngày này, trên mạng xã hội, trên nhiều diễn đàn và trên các phương tiện thông tin đại chúng sôi sục bàn câu chuyện lạm thu đầu năm học. Đón trước được tình thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số địa phương như Hà Nội đã sớm có văn bản chỉ đạo nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu.

Hà Nội thậm chí còn công bố đường dây nóng để phụ huynh phản ánh tình trạng lạm thu…Tuy nhiên, đến mùa họp phụ huynh thì “cơn bão” lạm thu, dù đã được đề phòng ngăn chặn từ trước vẫn ồ ạt diễn ra ở rất nhiều trường, gây bức xúc và phản cảm dư luận.

Vô vàn các khoản thu ngoài quy định đã được các trường chuẩn bị sẵn núp danh “tự nguyện”. Nghĩa là giáo viên chủ nhiệm đưa sẵn một bảng kê các khoản thu, bên cạnh có hai ô: ô đồng ý và ô không đồng ý, để phụ huynh chọn lựa. Và trước mặt giáo viên chủ nhiệm, vì sợ con mình bị trù úm, “để ý”, phụ huynh đều chọn ô đồng ý, dù trong lòng họ còn rất nhiều băn khoăn.

Trước bức xúc lạm thu, đầu năm học mới, Thanh tra của Bộ GD & ĐT đã vào cuộc, thành lập đoàn kiểm tra đột xuất tại 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Nghệ An. Tại các cơ sở giáo dục mà đoàn đến làm việc đều đã tổ chức thu nhiều khoản, trong đó có nhiều khoản thu không đúng quy định. Những khoản thu không đúng quy định được Thanh tra Bộ liệt kê la liệt, lên đến gần 40 khoản, và cũng đều núp danh “tự nguyện và thỏa thuận”.

Nhưng lực lượng Thanh tra của Bộ rất mỏng, chỉ thành lập được 2 đoàn kiểm tra, đến được 4 trường thuộc 4 tỉnh, thành. Vậy còn hàng chục ngàn trường khác, ai sẽ đến kiểm tra và giám sát công tác thu chi đầu năm?

Một chị phụ huynh tại Hà Nội, sau khi rời phòng họp phụ huynh bức xúc nói với chúng tôi rằng, lớp con chị có một khoản thu 20.000 đồng/tháng/cháu để mua nước rửa tay khô. Lớp cháu có 65 cháu, cả trường có 3.000 học sinh, như vậy tiền thu riêng khoản nước rửa tay khô 1 tháng đã lên đến 60 triệu đồng.

Nếu tính 9 tháng thì số tiền sẽ là hơn nửa tỉ, chỉ để chi cho rửa tay khô. Mà các con ở lớp nghịch ngợm rất ít khi rửa tay khô. Một lớp trang bị vài lọ có khi cả học kỳ các con sử dụng không hết. Vậy số tiền còn lại đi đâu?

Nhưng trong khi xã hội đang bức xúc, dư luận đang phẫn nộ và phụ huynh đang méo mặt vì “cơn bão” lạm thu, thì người ung dung nhất có lẽ là các vị hiệu trưởng. Bởi họ đã có Ban đại diện cha mẹ học sinh, có Hội phụ huynh đứng ra thu hộ. Họ giấu mình đằng sau vì đã có “cánh tay nối dài” thực hiện thu hộ hàng chục khoản thu vô lý. Đã có phụ huynh chua chát nói rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh là “bia đỡ đạn” cho hiệu trưởng.

Trong khi đó, theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD &ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh đã nói rõ, Ban này “Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh” và “không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học…”.

Quy định thì đã rõ, nhưng Ban đại diện cha mẹ học sinh cấp trường vì để lấy lòng hiệu trưởng, hoặc cố tình thực hiện sai quy định, hoặc vì thiếu hiểu biết mà tự biến mình thành công cụ “lạm thu”. Đến Hội phụ huynh lớp thì cũng vì muốn làm hài lòng giáo viên chủ nhiệm, họ đã nghĩ ra đủ các khoản để thu quỹ lớp vô tội vạ, trung bình thì 500 ngàn đồng/học kỳ, có nơi thu 700 – 800 ngàn đồng/học kỳ.

Đến cuối học kỳ, rà lại các khoản mà Hội cha mẹ học sinh lớp đã chi mới thấy hết ý nghĩa câu nói “phú quý sinh lễ nghĩa”, vì số tiền đó phần lớn để chi đối ngoại Ban giám hiệu, lên đến hàng chục triệu đồng. Hội phụ huynh lớp càng mạnh tay “chi” đẹp, thì giáo viên chủ nhiệm càng được lòng Ban giám hiệu!

Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm trước tình trạng “lạm thu”?

Câu hỏi này có lẽ năm nào cũng được báo chí đặt ra, nhưng chưa có lời giải thỏa đáng.

Bởi lẽ, trên thực tế, hầu như chưa có vị hiệu trưởng nào bị xử lý khi để xảy ra lạm thu. Một phần vì các khoản “lạm thu” đã được trá hình dưới những hình thức thỏa thuận tự nguyện; một phần vì chế tài xử lý của chúng ta chưa nghiêm. Thêm nữa là sự vào cuộc thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục các quận, huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành đã để “lạm thu” thành một “căn bệnh” làm vẩn đục, thương mại hóa môi trường giáo dục, trong đó có cả lợi ích nhóm của một số người.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải xử lý “điểm” một vài người đứng đầu cơ sở giáo dục xảy ra “lạm thu” để làm gương. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại các văn bản chấn chỉnh lạm thu, lên một danh sách những khoản phụ huynh phải đóng và nhà trường không được thu thêm bất cứ khoản nào, để tuyên truyền rộng rãi, tạo sự công khai, minh bạch và phụ huynh được quyền giám sát các khoản thu.

Và trên hết, các vị hiệu trưởng hãy vì lương tâm và trách nhiệm, đạo đức nhà giáo, hãy tiết chế lợi ích để thu đúng, thu đủ, đừng để “cơn bão” lạm thu đè nặng lên đôi vai phụ huynh.

Thu Phương
.
.
.