Rất cần lắp camera và đường dây nóng tại các cơ sở mầm non

Thứ Tư, 06/12/2017, 09:06
Trước hàng loạt vụ việc bạo hành trẻ mầm non liên tục xảy ra trong thời gian qua đã khiến dư luận xã hội đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý. Thực tế đó cho thấy việc cấp phép, nhất là khâu giám sát các cơ sở mầm non tư nhân, đặc biệt là các nhóm trẻ gia đình đã và đang bộc lộ nhiều “lỗ hổng”! PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo xung quanh vấn đề này.


PV: Thưa ông, thực tế việc gửi trẻ mầm non hiện nay được diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Bá Minh: Hiện nay, các trường mầm non đều chủ yếu nhận trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, vì việc nhận trẻ từ 6 tháng tuổi gặp khó khăn ở các vấn đề như đầu tư, cơ sở vật chất. Mới đây, TP Hồ Chí Minh có nhận đề án từ năm học 2016-2017 sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm nhận trẻ 6-18 tháng tuổi. Tuy vậy, chỉ có các cơ sở mầm non đủ điều kiện mới dám nhận trẻ, bởi độ tuổi này các cháu cần đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong khi đó, hiện nay các gia đình có nhu cầu gửi trẻ từ 6-18 tháng tuổi là rất lớn, nhất là tại các khu dân cư đông đúc, các khu công nghiệp- nơi tập trung nhiều công nhân từ các tỉnh, thành về, song do các cơ sở công lập hoặc tư thục đảm bảo chất lượng không đáp ứng được nên nhiều gia đình buộc phải gửi con tại các nhóm trẻ gia đình.

PV:  Những vụ bạo hành xảy ra đối với trẻ mầm non trong thời gian qua đã khiến dư luận rất phẫn nộ. Để xảy ra những vụ bạo hành nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Minh: Thực tế cho thấy, việc cấp phép và quản lý các nhóm lớp mầm non trực tiếp ở các địa phương, đơn vị giáo dục địa phương chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn. Vụ bạo hành trẻ mầm non tại nhóm trẻ Mầm Xanh cho thấy, vấn đề cốt lõi là cấp phép cho trường có vấn đề, đồng thời các tiêu chuẩn, điều kiện đảm bảo cho sự an toàn của trẻ không đạt, việc xử lý giám sát kém.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT.

Qua sự việc này cũng đã bộc lộ rõ những bài học trong quản lý, đó là khi cộng đồng mạng, truyền thông đưa ra các vụ bạo hành, cơ quan quản lý tại địa phương mới xử lý là muộn. Điều này cho thấy việc giám sát chưa đủ để giáo viên và cán bộ quản lý thấy sự răn đe, sẽ bị phạt nghiêm nếu vi phạm. Thậm chí, nhiều khi giáo viên vi phạm quyền trẻ em mà họ không biết đó là vi phạm.

Do vậy, việc trước mắt cần làm sau khi xảy ra vụ bạo hành trẻ ở trường Mầm Xanh là cần xem xét công tác quản lý của địa phương. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng  sẽ chỉ đạo tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cấp phép cho các trường ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm lớp tư thục.

PV: Sau hàng loạt vụ bạo hành trẻ mầm non liên tục xảy ra trong thời gian qua, nhiều chuyên gia đã kiến nghị cần lắp đặt hệ thống camera giám sát tại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non. Theo ông, giải pháp này liệu có giải quyết được vấn đề?

Ông Nguyễn Bá Minh: Ngay sau khi sự việc ở TP Hồ Chí Minh được nêu ra, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với Vụ Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đề xuất giải pháp tổng rà soát lại việc cấp phép, điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ trong các trường lớp tư thục, tăng cường hai đối tượng giám sát là người cấp phép và giáo viên. Đồng thời, đề xuất áp dụng triển khai sử dụng camera, đường dây nóng tại tất cả các trường lớp, kể cả các trường mầm non công lập. Ngoài ra, các thông tin như tên giáo viên, bằng cấp, cần được công khai trên cổng thông tin điện tử tại các quận, huyện để người dân giám sát. Bởi ở các trường tư thục, đôi khi giáo viên thay đổi công việc liên tục.

PV: Để giải quyết tốt bài toán này, về lâu dài, cần xây dựng chính sách đào tạo và đãi ngộ đội ngũ giáo viên mầm non xứng đáng; tăng cường đầu tư của nhà nước và xã hội vào lĩnh vực này để giảm tối đa những nhóm lớp mầm non chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng? Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Bá Minh: Việc đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non là những đề xuất giải pháp lâu dài, được Chính phủ, ngành giáo dục và toàn xã hội đang quan tâm, nỗ lực, dần thay thế các lớp tư thục bằng các cơ sở đảm bảo chất lượng uy tín. Tuy vậy, do nguồn lực của đất nước và xã hội còn có hạn nên quá trình này cũng sẽ được diễn ra theo lộ trình dài, chưa thể làm ngay một lúc.

Bên cạnh đó, chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non hiện nay cũng chưa đảm bảo, các giáo viên rất vất vả, áp lực cả về thời gian và công việc. Tiền lương của giáo viên chưa thỏa đáng so với công sức của họ. Vấn đề này cũng được đặt ra một cách nghiêm túc để cải thiện đời sống cho giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Huyền Thanh
.
.
.