Nỗ lực chấm thi trung thực, lấy lại niềm tin

Thứ Tư, 03/07/2019, 19:07
Các Ban chấm thi và giáo viên chấm thi đều nhận thức sâu sắc là phải chấm trung thực, chấm thi với tinh thần trách nhiệm cao nhất để cho kết quả chấm chính xác, hướng tới một kỳ thi không gian lận nhằm "xóa vết đen" đã xảy ra trong kỳ thi năm trước.


Hiện các địa phương trên cả nước đang khẩn trương chấm thi, khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo việc chấm thi đúng tiến độ. Đặc biệt, các Ban chấm thi và giáo viên chấm thi đều nhận thức sâu sắc là phải chấm trung thực, chấm thi với tinh thần trách nhiệm cao nhất để cho kết quả chấm chính xác, hướng tới một kỳ thi không gian lận nhằm "xóa vết đen" đã xảy ra trong kỳ thi năm trước. 

Ngày 3-7, PV Báo CAND đã cùng Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm Trưởng đoàn, đã thị sát công tác chấm thi tại hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các giáo viên chấm thi của tỉnh Ninh Bình bám sát đáp án và quy chế chấm thi.

* Trân trọng từng bài làm của thí sinh

Tại Thanh Hóa, với số lượng bài thi tự luận là 35.000 bài và 102.000 bài thi trắc nghiệm, đây là địa phương có số lượng bài thi rất lớn, có lẽ chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 221 giáo viên chấm thi tự luận đã được huy động từ 101 trường THPT. Trung bình mỗi giáo viên nỗ lực hết sức sẽ chấm được 40 bài thi/ ngày. Công việc khá căng thẳng, áp lực nhưng một số giáo viên cho hay, họ sẽ cố gắng tập trung tối đa, bám sát đáp án để chấm thi chính xác nhất. 

Khu vực chấm thi của tỉnh Thanh Hóa được bố trí trọn vẹn tại Trường ĐH Hồng Đức. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ khu vực chấm thi được các cán bộ Công an tỉnh Thanh Hóa thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình. Trang thiết bị, điện thoại và tư trang cá nhân của giáo viên chấm thi, cán bộ làm nhiệm vụ tại khu vực này đều được giám sát chặt chẽ. 

Tại phòng bảo quản bài thi, đều có camera và cán bộ an ninh giám sát 24/24 giờ. Các cán bộ Công an làm nhiệm vụ tại đây đều xác định rằng, công việc này không giống nhiệm vụ hằng ngày mà họ vẫn làm, mà đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên dù có vất vả thì họ sẽ thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. 

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho hay, với sự vào cuộc của Ban chỉ đạo thi và cả hệ thống chính trị của tỉnh, Thanh Hóa cùng với các địa phương khác nỗ lực để kỳ thi thành công tốt đẹp, lấy lại niềm tin cho xã hội.

Các giáo viên chấm thi của tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực chấm đảm bảo tiến độ đã đề ra.

Giống Thanh Hóa, Ninh Bình đã có sự chuẩn bị công phu, tỉ mỉ cho công tác chấm thi. Ông Vũ Văn Kiểm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cho hay, Ban chấm thi tự luận có 94 người và Ban chấm trắc nghiệm có 19  người (cán bộ chấm thi trắc nghiệm đến từ Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội). Khu vực chấm thi trắc nghiệm được bố trí độc lập với khu vực chấm thi tự luận, có hàng rào ngăn cách và được bảo vệ nghiêm ngặt, các phòng không làm việc đều niêm phong, không để người không có phận sự vào khu vực chấm thi. 

Còn theo quan sát của chúng tôi, tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát huy được “nếp” tổ chức chấm thi chặt chẽ, nghiêm túc từ nhiều năm qua. Quy trình chấm chung, chấm kiểm tra, hướng dẫn biểu điểm chấm đều được tỉnh này thực hiện theo đúng quy chế, dựa trên quan điểm chấm hai vòng độc lập, đảm bảo chính xác, trân trọng bài làm của thí sinh, chấm đúng, cộng điểm và ghi điểm đúng, đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh.  

* Không nên chấm chặt quá hoặc rộng quá

Sau khi kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ khó khăn vất vả với giáo viên chấm thi và cho rằng, kỳ thi này với nhiều áp lực nặng nề và chưa năm nào, 6 cụm từ phải được quán triệt sâu sắc tới từng cán bộ tham gia kỳ thi, đó là "an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, công bằng, trung thực, khách quan". Rất mừng là kỳ thi đã qua vòng 1 (coi thi) suôn sẻ, đạt 3 cụm từ đầu. Và 3 cụm từ sau, theo Thứ trưởng Độ "trông đợi vào các thầy cô chấm thi". 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các giáo viên chấm thi phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, vì thầy cô đều là "tinh hoa" của các trường THPT đã được chọn. Các thầy cô đã cố gắng rồi thì phải cố gắng nữa. Chấm nhanh mà không vội, cố gắng tối đa không bỏ sót ý; chấm chặt quá thì không nên, mà chấm rộng tay quá lại không khách quan. Theo Thứ trưởng, mỗi giáo viên chấm trung bình khoảng 330 bài thi/cả đợt thi, nên nếu chấm thi mệt thì nên nghỉ, không được chấm cố, sẽ không chính xác, sai lệch kết quả, thí sinh sẽ bị thiệt thòi. 

Phòng chấm thi được cán bộ An ninh giám sát chặt chẽ.

"Để chấm thi nghiêm túc, đúng quy chế đòi hỏi các thầy cô phải nắm chắc quy trình, nắm chắc các vòng chấm, đặc biệt cần quan tâm đến độ vênh điểm của hai giám khảo đối với cùng một bài thi. Nếu chênh từ 1,5 điểm bắt buộc giáo viên thứ 3 phải chấm lại, nhưng nếu giáo viên nào chấm mà có ba lần vênh điểm thì Ban chấm thi phải kiên quyết cho giáo viên đó thôi nhiệm vụ chấm thi", Thứ trưởng Độ nêu vấn đề và yêu cầu các Ban chấm thi ưu tiên chấm kiểm tra những bài điểm cao để nhanh chóng có sự điều chỉnh nếu độ chênh điểm đó là chưa chuẩn. 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ còn đề nghị, nếu chấm thi xảy ra sự cố thì phải báo cáo ngay với Trưởng ban chấm thi, đặc biệt là khâu chấm trắc nghiệm, không được tự giải quyết để tránh những sai lầm không được giải quyết đúng. Chấm thi làm sao số lượng bài thi phải phúc khảo ít nhất, điểm điều chỉnh sau phúc khảo cũng ít nhất, như thế chấm thi mới đạt chất lượng. Về tiến độ, Thứ trưởng yêu cầu các Hội đồng phải đảm bảo tiến độ chấm thi, vì phần mềm chấm thi đã được cải tiến thông minh, có tính dự báo, như thế mới có thể công bố kết quả cho thí sinh theo đúng thời gian quy định là ngày 14-7.

Đã xuất hiện điểm 9 môn Ngữ Văn

Tại hai địa phương này, chúng tôi đã phỏng vấn một số giáo viên chấm tự luận môn Ngữ Văn và được biết, môn này đã xuất hiện 1 điểm 9 (ở Ban chấm thi Thanh Hóa). 

Đây có lẽ là điểm 9 Ngữ Văn hiếm hoi tính đến ngày 3-7, bài thi này đã được các giáo viên trong phòng cùng đọc lại và đều nhất trí cho rằng, giáo viên cho điểm 9 là chính xác. 

Môn Ngữ văn xuất hiện khá nhiều điểm 8, điểm 8,5, nhưng phổ điểm chủ yếu dao động từ điểm 4 đến điểm 7. Tuy nhiên, cũng theo một số giáo viên dạy Văn, đề Ngữ văn năm nay “an toàn”, song không có đất cho học sinh giỏi Văn sáng tạo, nên số điểm 9, 9,5 chắc chắn sẽ không nhiều.

Thu Phương
.
.
.