Trò chuyện Chủ nhật

Nghỉ học vì COVID-19 có thể xem là một “phép thử” của giáo dục

Chủ Nhật, 01/03/2020, 08:55
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng đợt nghỉ học dài ngày có thể xem là phép thử đối với cơ quan quản lý, các nhà trường và đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Nếu giáo viên nào đó, nhà trường nào đó vẫn còn e ngại đổi mới thì đây là thời điểm họ buộc phải thay đổi và có động lực hơn để thay đổi.

Sau nhiều ngày học sinh, sinh viên cả nước được nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19, bối cảnh giáo dục đã và đang có sự thay đổi so với trước. Để đối phó với dịch, nhiều trường đã tổ chức dạy học online, nhiều cha mẹ cũng đã bắt đầu làm quen với việc tìm tòi phương thức phù hợp cho con tự học tại nhà.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, đợt nghỉ dài ngày vì COVID-19 có thể xem là một “phép thử” đối với chính giáo viên, nhà trường và cả phụ huynh về khả năng thích ứng trong những tình huống đột xuất, bất ngờ. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để giáo dục  chuyển động để đáp ứng những đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục-ĐHQG Hà Nội về vấn đề này.

PGS, TS Trần Thành Nam.

PV: Sau 1 tháng học sinh cả nước phải tạm nghỉ học để phòng tránh dịch COVID-19, việc ứng phó với dịch bệnh của các cơ sở giáo dục dường như đang có sự khác biệt giữa hai hệ thống trường công và trường tư?

PGS.TS Trần Thành Nam: Với quan sát của cá nhân, tôi nhận thấy việc tổ chức học trực tuyến để học sinh không bị gián đoạn kiến thức trong thời gian tạm nghỉ học không phải chỉ diễn ra ở trường ngoài công lập. Tại các trường công lập, qua các ứng dụng như Zao, Facebook, Gmail, nhiều giáo viên cũng đã gửi một số nội dung ôn tập, các dạng bài tập về nhà cho học sinh làm.

Đặc biệt, nhiều giáo viên cũng tự xoay xở, ứng dụng CNTT để ghi lại bài giảng để học sinh có thể xem lại nếu thấy cần; thậm chí có một số giáo viên còn chuẩn bị rất tỷ mẩn, công phu các nội dung bài giảng, ngồi trực để có thể trả lời, hướng dẫn các câu hỏi của học sinh.

Tuy nhiên, đặc thù của các trường ngoài công lập là phải thuê mặt bằng, tự trả lương cho giáo viên vì thế họ chịu nhiều áp lực và đó cũng là lý do khiến trường tư tích cực hơn trong việc dạy trực tuyến. Bên cạnh đó, họ có nền tảng công nghệ tốt hơn, chủ động hơn nên sự thích ứng của họ cũng tốt hơn. Trong khi đó, tại các trường công lập, ngoài hạ tầng công nghệ lạc hậu, kỹ năng CNTT của cán bộ hạn chế thì cũng phải kể đến cả sức ì của một bộ phận giáo viên.

PV: Ông có cho rằng, đợt nghỉ dài ngày này cũng chính là phép thử buộc giáo viên và các nhà trường phải thay đổi để thích ứng với những đòi hỏi mới của giáo dục trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

PGS.TS Trần Thành Nam: Đợt nghỉ học dài ngày có thể xem là phép thử đối với cơ quan quản lý, các nhà trường và đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Nếu giáo viên nào đó, nhà trường nào đó vẫn còn e ngại đổi mới thì đây là thời điểm họ buộc phải thay đổi và có động lực hơn để thay đổi.

Giáo dục 4.0 không giới hạn trong 4 bức tường trong khi giáo dục của chúng ta lại đang lạc hậu, bị giới hạn bởi chương trình, sách giáo khoa; giới hạn trong 4 bức tường của lớp học; giới hạn trong khung thời gian 8 tiếng đồng hồ ở nhà trường. Để có thể đào tạo học sinh trở thành công dân đáp ứng các yêu cầu, sự thay đổi liên tục của xã hội, thời đại, chúng ta cần bỏ bớt các tường rào, giới hạn, tăng cường khả năng tự học của học sinh…

Tuy nhiên, qua đợt nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh đã ít nhiều bộc lộ năng lực tự học của học sinh chúng ta còn kém; trách nhiệm của cha mẹ và cộng đồng trong việc rèn dũa nhân cách cho con còn mờ nhạt. Nhiều bố mẹ phụ thuộc vào nhà trường trong việc dạy dỗ con cái, đặc biệt là việc lập kế hoạch tự học ở nhà, khả năng vượt khó. Quan điểm “trăm sự nhờ cô” vẫn còn phổ biến ở hầu hết các bậc phụ huynh.

Đối với giáo viên và các nhà trường, qua kỳ nghỉ dài vì COVID-19 cho thấy, việc biết sử dụng công nghệ để hỗ trợ học sinh, thực hiện việc dạy học trong những tình huống bất ngờ cũng là một đòi hỏi thực tiễn. Giáo viên không phải truyền tri thức theo kiểu rót nước mà phải truyền thụ linh hoạt, qua nền tảng công nghệ là xu hướng không thể đảo ngược. Đòi hỏi này buộc giáo viên phải nhập cuộc. Nhiều giáo viên sau thời gian thử sức cũng đã tìm thấy được niềm vui, động lực sáng tạo, nhìn ra được sức mạnh của công nghệ, biết tích hợp nhiều học liệu để bài giảng không khô cứng…

PV: Mới đây, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép đẩy mạnh việc dạy học trên truyền hình. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

PGS.TS Trần Thành Nam: Đây cũng là một ý kiến hay. Dạy học trên truyền hình một mặt vừa đỡ tốn kém, vừa có thể triển khai trên diện rộng, áp dụng tại nhiều địa phương, thậm chí trên toàn quốc vì ngoài hệ thống kênh truyền hình địa phương phủ rộng khắp 63 tỉnh thành, chúng ta còn có Đài truyền hình quốc gia.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để giám sát, tăng tương tác giữa người dạy và người học. Để làm tốt điều này, có lẽ cần phải kết hợp nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ. Chẳng hạn sau khi học qua truyền hình, học sinh cũng cần có thêm những kênh khác như lên hệ thống website, tổng đài để tương tác, hỏi đáp, thảo luận về một số nội dung bài học.

PV: Ông có cho rằng, qua đợt nghỉ học dài ngày, cơ quan quản lý về giáo dục đào tạo cũng cần xem xét, nghiên cứu công nhận các hình thức dạy học phi chính quy khác như dạy học từ xa, tự học tại nhà?

PGS.TS Trần Thành Nam: Nếu nhìn nhận một cách tích cực thì đợt nghỉ học dài ngày vì dịch COVID-19 cũng là thời điểm xuất hiện nhiều ý tưởng mới trong cộng đồng xã hội. Ngoài việc nở rộ các hình thức học từ xa như học trực tuyến, học qua truyền hình thì nhiều gia đình cũng đã ý thức cho con học ở nhà trong những tình huống đột xuất. Đó có thể là bố mẹ tự dạy hoặc mời giáo viên về dạy cho con…

Qua tham vấn ý kiến phụ huynh từ một số nhà trường trên địa bàn Hà Nội những ngày vừa qua cho thấy, có một tỷ lệ rất lớn phụ huynh có nguyện vọng cho con học tại nhà với niềm tin có thể đảm bảo an toàn cho con tốt hơn việc cho con đến trường. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là Bộ GD&ĐT tạo có xem xét, công nhận việc học tại nhà trong một thời gian cụ thể nào đó.

Tương tự, các hình thức học từ xa hiện nay như: Học trực tuyến, học qua truyền hình mặc dù được đánh giá là có nhiều ưu thế song đến nay vẫn chưa được kiểm định và chưa có cơ chế đảm bảo chất lượng như thế nào để đảm bảo đáp ứng chuẩn đầu ra… Thực tế này đòi hỏi cơ quan quản lý giáo dục cần nghiên cứu, xem xét để tiến tới có thể sớm công nhận các hình thức học phi chính quy khác như học từ xa, học tại nhà đối với bậc phổ thông. Bộ chỉ cần quy định khung chương trình, kiểm soát về chuẩn đầu ra, các việc còn như tiến trình tổ chức như thế nào hoàn toàn có thể cho các cơ sở giáo dục được tự chủ.

PV: Đợt nghỉ học dài vì COVID-19 có thể được xem là cơ hội tốt để phụ huynh  dạy con các kỹ năng sống không, thưa ông?

PGS. TS Trần Thành Nam:  Chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau rằng, đây là giai đoạn mà nhiều bà vợ hài lòng về các ông chồng nhất vì hết giờ làm là về nhà. Các con cũng thích thú vì bố mẹ dành thời gian cho con nhiều hơn, bắt đầu nói chuyện với con nhiều hơn. Việc này đáng lẽ là chức năng của gia đình nhưng chúng ta đã lỡ bỏ quên. Do vậy, đây cũng chính là cơ hội tốt để các gia đình nhìn lại, giành nhiều thời gian để bồi dưỡng cho con những phẩm chất, kỹ năng cần thiết để giúp con có thể thành công trong tương lai.

PV: Theo ông, chúng ta có nên tổ chức cho học sinh nghỉ thành nhiều đợt trong năm thay vì tập trung thời gian nghỉ vào dịp hè như hiện nay?

PGS.TS Trần Thành Nam: Đã có một số ý kiến đề nghị Việt Nam xem xét tổ chức 4 kỳ nghỉ trong năm như các nước khác đang làm. Thực tế cho thấy, tại một số nước áp dụng hình thức này, họ có một học kỳ hè nhằm giúp các bạn học kém hơn do tai nạn, bệnh tật có thể đuổi kịp các bạn khác trong lớp. Còn kỳ nghỉ xuân, và đông, họ có cho học sinh nghỉ nhưng là nghỉ xen kẽ chứ không phải là nghỉ luôn, nghỉ hẳn. Việc chia thành nhiều kỳ như vậy chủ yếu là để giúp học sinh cân bằng giữa kiến thức trên lớp và việc giáo dục ngoài giờ.

Nói cách khác, thời gian nghỉ chủ yếu để học sinh vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Đặc biệt là luôn phải có sự thống nhất, tương thích giữa gia đình và nhà trường, để nghỉ chỉ là học sinh không đến lớp, còn mọi thứ vẫn phải được duy trì nền nếp và thói quen học tập tại nhà. Nếu chúng ta muốn áp dụng cách thức này thì cần phải có sự thống nhất ở quy mô quốc gia, tương thích với các hệ thống khác và gắn với các chính sách cấp cao. Chẳng hạn như tách thi ra khỏi tuyển, đồng bộ giữa học và thi và đồng bộ giữa các cơ hội nghề nghiệp.

PV: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến học sinh phải nghỉ học dài ngày, Bộ GD&ĐT đã quyết định lùi thời gian kết thúc năm học và các kỳ thi. Theo ông, trong trường hợp cá biệt, một số địa phương buộc phải cho học sinh quay lại trường học muộn, liệu có thể cắt giảm bớt một số nội dung không cần thiết trong chương trình để vẫn đảm bảo được kế hoạch học tập không?

PGS.TS Trần Thành Nam: Nếu chúng ta tư duy về mặt năng lực thì chỉ cần hướng tới chuẩn năng lực đầu ra cho từng cấp học. Việc khó hay dễ cũng là chung nhau. Đến thời điểm này, tôi cho rằng, việc Bộ GD&ĐT điều chỉnh khung kế hoạch năm học, lùi thời điểm các kỳ thi quan trọng như thi THPT quốc gia, thi vào lớp 10 chung cho cả nước là cần thiết nhằm đảm bảo sự thống nhất, công bằng…

Nhưng cũng cần linh hoạt, nơi nào diễn biến dịch bệnh phức tạp, học sinh quay lại trường muộn quá, không nên ép chương trình mà cách thức tổ chức như thế nào hãy để cho các cơ sở giáo dục tự chủ động, miễn là đạt được chuẩn đầu ra.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.