Hà Nội đang ở giai đoạn dễ lây nhiễm, nghỉ học hết 8/3

Thứ Sáu, 28/02/2020, 19:15
Đó là nhận định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung về công tác phòng chống dịch COVID-19. Ông Chung chỉ đạo, tiếp tục cho học sinh cấp mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông nghỉ học đến hết ngày 8-3.


Cử 3 đoàn công tác của TP đi kiểm tra phòng chống dịch tại các trường học

Chiều muộn ngày 28-2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus COVID - 19 của TP Hà Nội đã giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đến 15 giờ ngày 28/2, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với COVID-19. Số đang phải giám sát tại bệnh viện là 85 trường hợp, (trong đó 7 trường hợp đến từ Vũ Hán, 15 trường hợp đến từ Bình Xuyên – Vĩnh Phúc, 42 trường hợp đến từ các vùng khác của Trung Quốc, 8 trường hợp đến từ Hàn Quốc, 13 trường hợp có tiếp xúc gần với người Trung Quốc/người đi về từ Trung Quốc có biểu hiên mắc bệnh), nhưng 84/85 trường hợp đã âm tính, chỉ còn 1 trường hợp đang được cách ly, theo dõi tại bệnh viện.

Ngành y tế đã phối hợp với Công an TP tổ chức cách ly tập trung cho 77 trường hợp đi về từ vùng có dịch, gồm 41 người về từ vùng có dịch của Hàn Quốc (10 người Hàn Quốc, 31 người Việt Nam) và 36 người Việt Nam về từ Trung Quốc.

Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức cách ly tập trung cho 1.764 trường hợp đi về từ Hàn Quốc. Có 12 trường hợp có biểu hiện ho đã được phát hiện, lấy mẫu và chuyển vào cách ly điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Các trường hợp còn lại sức khoẻ đều bình thường.

Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, hiện số người đến hoặc đi qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Hà Nội trong 14 ngày còn đang ở cộng đồng là 2.023 người, trong đó khu vực Daegu là 33 người (21 người Việt Nam và 11 người Hàn Quốc), từ khu vực Bắc Gyeongsang là 19 người (11 người Việt Nam và 8 người Hàn Quốc). Các bệnh viện đa khoa TP đã thành lập 40 tổ cấp cứu phản ứng nhanh, săn sàng hỗ trợ cho các đơn vị tuyến dưới.

Hiện tại, các đơn vị y tế trên địa bàn Hà Nội có khả năng triển khai được 5.000 giường bệnh cách ly để điều trị cho người nhiễm Covid-19. Theo kế hoạch, nếu dịch bệnh bùng phát thì sẽ thành lập bệnh viện dã chiến. Hiện Sở Y tế đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô đã hoàn thiện phương án thành lập 2 bệnh viện dã chiến với quy mô mỗi bệnh viện 600 giường bệnh và trình UBND TP.

Ông Hạnh cho biết, ngày mai (ngày 29-2), sẽ có 3 đoàn của TP đi kiểm tra việc phòng chống dịch tại các trường học.

Tại cuộc họp, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội cho biết, các trường học  trên địa bàn tiếp tục triển khai tập huấn đến giáo viên, chuẩn bị các điều kiện cho học sinh quay trở lại trường học.

“Đến thời điểm này, chúng tôi thấy về cơ bản các trường đã sẵn sàng đón học sinh trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo vì dịch bệnh và tâm lý của một bộ phận phụ huynh chưa muốn đưa con đi học trở lại”, ông Dũng thông tin. Giám đốc Sở GD-ĐT cũng chia sẻ, 19 trường quốc tế tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã gửi chung văn bản đến hai Sở GD-ĐT của 2 TP đề nghị cho học sinh đi học từ ngày 2/3 sắp tới với lý do các trường đã mời đại điện WHO đến trao đổi, đảm bảo khử khuẩn. 

Tâm lý của đa số phụ huynh vẫn chưa muốn cho con quay trở lại trường học.

Hà Nội có 8 trường quốc tế. Các trường này số lượng học sinh cũng không đông, cha mẹ học sinh mong muốn con em họ được đi học. “Thêm một lý do các trường quốc tế muốn học sinh học từ ngày 2/3 là là đến tháng 5 sẽ diễn ra các kỳ thi. Nên họ mong muốn học sinh học và thi kịp thời điểm, đảm bảo kết quả”, ông Dũng nói.

Trường quốc tế sẽ đi học từ ngày 2/3

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, dịch đã lan ra 55 vùng lãnh thổ, quốc gia. Số người lây nhiễm trên 83.000 người. “Hơn một tháng vừa qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, chúng ta chưa phát hiện một trường hợp nào lây nhiễm, phấn đấu mục tiêu không để trường hợp nào lây nhiễm chéo. Nhưng chúng ta cũng lường trước tình huống xấu nhất nếu dịch xảy ra ở các cấp độ khác nhau. Chúng ta chỉ có thể cho học sinh đi học trở lại khi có môi trường an toàn, an tâm cho phụ huynh”, ông Chung khẳng định.

Chủ tịch UBDN TP nhận định, Hà Nội khác các địa phương khác, có trên 22.000 người Hàn Quốc và 9000 người Nhật Bản cư trú, làm ăn, làm việc. Trong đó có cả những người có tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm (đến trước ngày 20-2, đang tự cách ly). Công dân Trung Quốc còn gần 2000. Cơ bản đều có công dân của 55 vùng lãnh thổ, quốc gia đang có dịch hiện ở Hà Nội. “Chúng tôi tham thảo WHO, về tình hình lây nhiễm đối với học sinh. Thế giới chưa có trường hợp nào lây nhiễm trong môi trường trường học. Cơ bản các trường từ các cấp mầm non đến Đại học trên địa bàn Hà Nội đều đã tiến hành vệ sinh khử khuẩn 5 lần. Tuy nhiên, Hà Nội đang ở nguy cơ dễ tổn thương và lây nhiễm nhất”, ông Chung thẳng thắn. 

Ông Chung lý giải: "Một tháng vừa qua chúng ta rất tự tin, nhưng hiện có mấy nguy cơ: Công dân Hàn Quốc, Nhật Bản đến Hà Nội rất lớn. Thứ nữa mọi người đang băn khoăn hiện chúng ta nhận bao nhiêu người từ Hàn Quốc về, thì là xấp xỉ 2.700 người trong 3 ngày vừa qua. Thứ 3, hiện nay chúng tôi mới mời 6 quận có nhiều người nước ngoài, đều có người Việt Nam về từ vùng dịch, có người nước ngoài đang cách ly ở cộng đồng. Xác suất với toàn người dân Hà Nội đi từ vùng dịch về mà không tự giác cách ly, số người nước ngoài đến đây trước ngày 20-2 là rủi ro như nhau". 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo tại cuộc họp chiều 28/2.

Thời gian tới rất có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh vì Hà Nội là đầu não về chính trị, kinh tế, văn hoá, nên hầu hết các quốc gia đều có người đến, số lượng người nhập cảnh nhiều hơn các địa phương khác. "Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong giao ban sáng qua và Ban chỉ đạo Trung ương sáng nay và hướng dẫn của Bộ Giáo dục – Đào tạo và trên cơ sở đề xuất của các Sở, các địa phương, thì chúng tôi quyết định. Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì đi học từ 2/3 theo đúng hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội. Trường quốc tế có nguyện vọng đi học từ 2-3 với điều kiện họ đảm bảo an toàn và cha mẹ học sinh cũng đồng ý thì TP cũng đồng ý vì họ phải đảm bảo khung học. Dù gần 30 tỉnh đã cho học sinh THPT đi học, nhưng như phân tích ở trên, nguy cơ rất lớn, nên TP quyết định tất cả các cấp từ mầm non đến PTTH vẫn nghỉ tiếp đến 8/3", người đứng đầu chính quyền TP chỉ đạo.

Ngọc Yến
.
.
.