Muốn nói tiếng Việt giỏi, phải có tâm hồn Việt Nam!

Thứ Bảy, 03/11/2018, 17:48
Đó là chia sẻ của ngài Saadi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam tại Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong trường đại học lần thứ II”, do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 3-11. 

Chia sẻ của ngài Saadi Salama đã nhận được những tràng pháo tay giòn giã của các đại biểu dự hội thảo, để hưởng ứng thông điệp, tiếng Việt là một cầu nối quan trọng có tính quyết định trong giao lưu, hội nhập giữa Việt Nam và thế giới.

Ngài Saadi Salama xúc động kể: “Khi mới sang Việt Nam, vào năm 1980, một đêm trước khi đi ngủ, tôi nghe tiếng phát thanh viên trên Đài Tiếng nói Việt Nam đọc: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Lúc đó tôi tự hỏi, bỗng một ngày tôi có thể nói được như cô phát thanh viên này không? Sau đó tôi có đến trường, thấy nhà trường còn khó khăn, trong tôi đã từng có suy nghĩ, liệu có nên đóng vali vào để về Palestine hay ở lại tiếp tục học? Nhưng tôi đã quyết định ở lại Việt Nam, cố gắng để không thất bại, dù sự nghiệp học tiếng Việt lúc đó chưa thành công, nhưng tôi luôn tin tưởng, mình sẽ thành công”.

Các đại biểu đang thảo luận về vai trò của tiếng Việt trong tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Nhiều câu hỏi mà các bạn nước ngoài hay hỏi ngài Đại sứ rằng, vì sao anh có thể nói tiếng Việt hay như vậy? Bí quyết nào để anh nói tiếng Việt như người Việt Nam? Và câu trả lời của ngài Đại sứ là, phải có một tình yêu đối với Việt Nam nói chung và đối với tiếng Việt nói riêng. 

Để trở thành một người nói tiếng Việt tốt, trước hết phải có tình cảm với người Việt Nam; cần phải say mê phong tục tập quán và truyền thống lịch sử lâu đời của người Việt, thì mới học được tiếng Việt. 

Ngài Đại sứ còn quan niệm: “Để trở thành một người nói tiếng Việt giỏi, mỗi người nước ngoài quan tâm học tiếng Việt, phải trở thành một người nước ngoài có tâm hồn Việt Nam, và khi đó, chúng ta chắc chắn sẽ phá vỡ mọi khó khăn, bế tắc trong việc học tiếng Việt. Chúng ta sẽ biến tư duy của mình thành tư duy của người Việt. Tiếng Việt là ngôn ngữ quá tuyệt vời, mặc dù là một ngôn ngữ khó nhất trên thế giới, nhưng khi chúng ta yêu nó thì “không có gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Đi đâu trên trái đất này, tôi cũng tự hào là đã chọn Việt Nam là nơi học, xây dựng kiến thức nền, trở thành cầu nối hữu nghị cho Palestine và Việt Nam”. 

Ngài Saadi Salama chia sẻ những kỷ niệm đẹp về tiếng Việt và Việt Nam.

Theo ngài Đại sứ, để dạy cho một học sinh nước ngoài học tiếng Việt tốt, cần tập trung vào 3 vấn đề: Làm thế nào để sinh viên nước ngoài quan tâm nhiều đến chính tả, khi họ có thể viết được những từ họ học, chắc chắn họ sẽ nói tiếng Việt rất tốt; cần phải tìm cho họ những thầy cô phát âm rất chuẩn và cuối cùng là cần giúp sinh viên đó có sức suy nghĩ, tư duy như người Việt Nam, vì tiếng Việt khác hẳn với các ngoại ngữ khác.

Với tình cảm đặc biệt dành cho tiếng Việt và Việt Nam, bà Tsujimoto Chika, Trưởng ban Chính trị, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ kỷ niệm: “Cách đây hai mươi năm, tôi là sinh viên hàng ngày đạp xe đến Khoa Tiếng Việt ở B7 Bis Bách Khoa để học tiếng Việt, từ bài luyện tập phát âm với 6 thanh điệu đến viết chính tả. Những ngày học tập ở Khoa Tiếng Việt đã giúp tôi hiểu nhiều về con người và văn hóa Việt Nam. Tôi thầm mong ước một ngày nào đó trở thành cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam. Mong ước đó đã động viên tôi miệt mài học tiếng Việt và hiện nay, tôi với tư cách là chuyên gia tiếng Việt của Bộ Ngoại giao, có nhiều cơ hội làm phiên dịch trong các cuộc hội đàm giữa hai nước”.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ 9 quốc gia và khu vực đều cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập và mở cửa thì việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài là yếu tố rất quan trọng, đóng góp tích cực vào quan hệ ngoại giao, vào sự phát triển phồn vinh của đất nước. 

GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho hay, tiếng Việt là một phần của Việt Nam học, và cũng là cầu nối quan trọng cho bất cứ người nước ngoài nào muốn bước vào lãnh địa nghiên cứu Việt Nam, muốn cảm nhận Việt Nam một cách thực sự. Hàng ngàn người nước ngoài đã học tập về tiếng Việt, văn hóa, văn học và lịch sử Việt Nam; trong số đó, nhiều người đã trở thành những nhà Việt Nam học nổi tiếng, những nhà ngoại giao kỳ cựu, những phiên dịch viên cao cấp, đặc biệt, có 15 cựu sinh viên đã trở thành các đại sứ tại Việt Nam. Hội thảo này nhằm thúc đẩy việc quảng bá tiếng Việt như một “mấu chốt” của văn hóa Việt Nam trong tiến trình hội nhập toàn diện với thế giới. Hiện nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới đưa tiếng Việt vào giảng dạy là một minh chứng cho sức sống và giá trị của tiếng Việt.

Một buổi hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm học tốt tiếng Việt của Khoa Việt Nam học và tiếng Việt.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có lịch sử 60 năm giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài. Việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tiếp tục có những bước phát triển với xu hướng “thực dụng”, ưu tiên kỹ năng khẩu ngữ đi trước một bước, đã trở thành xu hướng phổ biến. 

Giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ngày càng phong phú, đa dạng (đến nay đã có 15 bộ giáo trình). Từ năm 2008 đến nay, “đúng chất Việt Nam học”, sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tiếng Việt phải có 1 năm dự bị tiếng Việt, và như vậy, để lấy được bằng cử nhân Việt Nam học, một sinh viên quốc tế cần 5 năm học. 

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam cho hay, việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ngày càng chuyên nghiệp, nhiều thành tựu, có chiều sâu, có tầm quốc gia và quốc tế. Nhà trường đã biên soạn thành công Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, áp dụng trên toàn quốc và nhiều quốc gia; đồng thời biên soạn thành công chương trình đào tạo giáo viên tiếng Việt cho người nước ngoài một cách có hệ thống…

Thu Phương
.
.
.