Kỷ luật hiệu trưởng nếu học sinh bị giáo viên ép học thêm

Thứ Tư, 31/08/2016, 16:48
Sáng 31/8, tại buổi làm việc với Ban Văn hóa xã hội HĐND - TP Hồ Chí Minh, đại diện cho Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD- ĐT TP đã cho biết nội dung như trên, xung quanh việc chấn chỉnh việc học thêm, dạy thêm trên địa bàn.

Tuy nhiên, ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi họp cho rằng, nếu bỏ học thêm, dạy thêm sẽ không đảm bảo chất lượng giáo dục vì chương trình học theo khung của Bộ GD-ĐT còn quá nặng nề, chưa thể giảm tải.

Được biết, theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện nay có khoảng 100.000 học sinh tiểu học (chiếm 20%) học thêm văn hoá ngoài giờ hành chính; khoảng 190.000 học sinh THCS và THPT đang tham gia học thêm tại cơ sở dạy thêm trong nhà trường và 30.000 học sinh tham gia học tập tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường, chủ yếu các em học: toán lý, hoá (chiếm 35%).

Theo phân loại của Sở GD-ĐT, TP Hồ Chí Minh, dạy thêm học thêm về cơ bản có thể phân chia thành 2 dạng. Dạng 1: xuất phát từ nhu cầu chính đáng của PHHS, và giáo viên. Dạng này chiếm đa số; Dạng 2: không xuất phát từ nhu cầu chính đáng của PHHS. Có thể xếp vào loại dạy thêm học thêm biến tướng. Thực tế là có, chiếm tỉ lệ không cao, khoảng dưới 10%.

Ông Nguyễn Mạnh Trí, đại biểu HĐND TP cho rằng, Sở cần phải quyết liệt đề xuất với Bộ GD-ĐT về việc giảm tải, bởi hiện nay chương trình mang tiếng giảm tải nhưng vẫn phải đảm bảo chương trình khung của Bộ, trong khi đó nhiều kiến thức có phần không cần thiết nằm trong diện “bỏ thì thương, vương thì tội” khiến chương trình học vẫn còn nặng. Do đó, Sở GD-ĐT cần phải tính toán lộ trình thật kỹ về việc thực hiện chấm dứt dạy thêm học thêm trong nhà trường để đảm bảo chất lượng.

Mặt bằng kiến thức đầu vào không đồng đều nhau, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục là lo ngại từ phía giáo viên khi việc dạy thêm, học thêm bị cấm triệt để.

Đại diện cho phía những giáo viên, cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh Q.1, cũng cho rằng, hiện với cách thi cử đang áp dụng, việc chấm dứt dạy thêm sẽ khiến chất lượng học sinh đi xuống. Trong bối cảnh tổ chức thi, chương trình thi không thay đổi trong khi mặt bằng đầu vào của mỗi trường lại khác nhau.

Có thể với học sinh này thì không cần nhưng với một tỉ lệ không nhỏ học sinh khác nhu cầu học thêm là thực sự cần thiết để đảm bảo khối lương chương trình. Cần thiết để đảm bảo mặt bằng kiến thức của học sinh trong từng lớp, từng khối, từng trường...".

Một ý kiến khác từ cô Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh) cũng tỏ ý lo ngại việc cấm dạy thêm học thêm trong nhà trường dường như hơi đột ngột này sẽ ảnh hưởng nhiều tới các trường ngoại thành trong việc quản lý, nhất là đối với việc quản lý việc dạy thêm bên ngoài.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, Sở GD-ĐT đang tham mưu cho UBND TP điều chỉnh Quyết định 21 về quản lý dạy thêm, học thêm đúng theo quy phạm pháp luật. Trong thời gian chờ điều chỉnh, để đảm bảo quản lý chặt việc dạy thêm học thêm, Sở GD-ĐT sẽ quyết liệt trong việc không cho phép giáo viên dạy thêm cho học sinh mình đang dạy chính khóa, kể cả trong trường hay ngoài trường. Sẽ xử lý ở mức cao nhất là đuổi việc nếu giáo viên vi phạm.

Đồng thời, bản thân Hiệu trưởng cũng chịu mức kỷ luật cao nhất nếu để xảy ra việc ép buộc học sinh tham gia học thêm của giáo viên trong đơn vị mình phụ trách. Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP cũng sẽ ngưng cấp phép mới cho hoạt động dạy thêm trong trường; phối hợp với các quận huyện thanh, kiểm tra để chấm dứt dạy thêm học thêm trái quy định trên địa bàn thành phố.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng phân tích, hiện trên địa bàn TP có khoảng 800 trung tâm, cơ sở bồi dưỡng văn hóa. Nhiều trung tâm thuê mướn cơ sở vật chất của nhà trường. Nếu việc cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường diễn ra thì cũng đồng nghĩa ngưng luôn việc thuê mướn này. 

Và ông Sơn cũng cho rằng, không có cơ sở vật chất nào cho việc dạy thêm tốt hơn ở trong trường, vì vậy việc để học sinh ra học thêm tại các trung tâm bên ngoài sẽ gây nhiều băn khoăn, lo ngại.

H.Nga - P.Minh
.
.
.