Cân nhắc thứ tự ưu tiên để tăng cơ hội trúng tuyển đại học

Thứ Tư, 12/07/2017, 08:41
Ngày 12-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ công bố điểm sàn đại học (ĐH) năm 2017. Quy chế  năm nay quy định, thí sinh chỉ có một lần điều chỉnh đăng ký xét tuyển, kéo dài từ ngày 15-7 đến 23-7. Để tránh tình trạng điểm cao nhưng vẫn không thể đỗ vào ngành yêu thích, thí sinh cần tính toán kỹ việc thay đổi nguyện vọng.


PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT lưu ý, trước khi quyết định điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh nên tham khảo phổ điểm theo tổ hợp xét tuyển của năm trước và năm nay để dự đoán mức biến động của điểm chuẩn và đưa ra những lựa chọn chính xác. 

Phổ điểm chi tiết các khối truyền thống và một số khối có đông thí sinh đăng ký sẽ được Bộ công bố vào ngày 12-7 cùng với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Căn cứ phổ điểm thí sinh sẽ xác định được số người có mức điểm bằng và cao hơn mức điểm của mình trong năm 2017. 

Đối chiếu với phổ điểm năm 2016, thí sinh sẽ biết được có bao nhiêu người ở đạt mức điểm này, tỷ lệ chọi tăng giảm ra sao và dự đoán được mức điểm chuẩn, thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng cho hợp lý.

Thí sinh cần  xác định rõ ngành học mà mình yêu thích để cân nhắc thứ tự ưu tiên giữa các nguyện vọng đăng ký. (Ảnh minh họa)

Tuy vậy, ông Nghĩa cũng cho rằng, phổ điểm chỉ là một trong rất nhiều yếu tố tác động đến điểm trúng tuyển của các trường.

“Điểm khác biệt trong công tác xét tuyển ĐH năm nay là thí sinh được đăng ký và điều chỉnh không hạn chế số nguyện vọng, nhưng phải xếp sắp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống. Ví dụ, thí sinh đủ điểm để trúng tuyển cả 3 nguyện vọng 1, 2, 3 nhưng sẽ chỉ được vào học ngành ở nguyện vọng 1. Chính vì vậy các em phải cân nhắc kỹ khi xác định thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển và khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển", ông Nghĩa nhấn mạnh.

TS Lê Đình Tùng, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo đại học, ĐH Y Hà Nội cho biết: Những nhóm ngành tốp trên của nhà trường như Bác sĩ đa khoa (Y đa khoa), Bác sĩ răng hàm mặt điểm chuẩn có thể tăng. Thí sinh có nguyện vọng vào Bác sĩ đa khoa thường có thành tích học tập tốt, toàn diện, ổn định trong nguyện vọng lựa chọn vào trường, vì vậy sẽ ít có sự thay đổi. Nhóm phổ điểm từ 26 trở xuống sẽ rất khó có cơ sở để lựa chọn hay dự đoán, vì số lượng thí sinh phân tán và nhiều nguyện vọng khác nhau. Nhà trường phải chờ phần mềm lọc ảo của Bộ GD&ĐT mới có thể dựa vào đó để xác định điểm trúng tuyển. 

Ông Tùng cũng cho rằng, nếu căn cứ phổ điểm ở mức 29, khối B, kết quả tạm tính ban đầu cho thấy có hơn 1.000 em. Đây là điểm thi thực, chưa tính điểm ưu tiên. Do đó, thí sinh đạt 29 điểm sẽ có nhiều cơ hội vào ngành Bác sĩ đa khoa tại nhiều cơ sở đào tạo Bác sĩ đa khoa có uy tín như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y TP Hồ Chí Minh, ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Hải Phòng... Một số trường tốp đầu khác như Kinh tế quốc tế của ĐH Ngoại thương, CNTT và điện tử viễn thông của ĐH Bách Khoa và ngành Luật Kinh tế, Luật Thương mại quốc tế của ĐH Luật Hà Nội cũng sẽ tăng so với năm 2016.

Đối với nhóm trường top giữa, ông Kiều Xuân Thực, Trưởng Phòng Đào tạo, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: Điểm nộp hồ sơ xét tuyển vào trường năm nay khả năng sẽ cao hơn năm 2016 từ 0,5 đến 1 điểm tùy ngành. 

Cũng theo ông Thực, với cách xét tuyển như năm nay, thí sinh có điểm cao không trúng tuyển ở ngành này, trường này thì sẽ trúng tuyển vào ngành khác, trường khác. Như đối với trường ĐH Công nghiệp có hàng chục mã ngành, điểm chuẩn cũng dao động trong quãng rộng từ 0,5 đến 5 điểm tùy mã ngành nên cơ hội để trúng tuyển vào trường là rất lớn. Quan trọng nhất, các thí sinh cần xác định rõ đam mê của mình  để cân nhắc thứ tự ưu tiên giữa các nguyện vọng đăng ký. 

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cũng cho rằng: Điểm sàn nhận hồ sơ vào trường năm nay dự kiến sẽ không cao so với điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Điểm chuẩn dự kiến có thể dao động từ 17-25 điểm tùy thuộc vào từng ngành học.

Huyền Thanh
.
.
.