Các trường ĐH "tiết lộ" phương án tuyển sinh năm 2016

Thứ Hai, 29/02/2016, 18:08
Năm 2016, bên cạnh phương thức xét tuyển chính là dựa vào điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển học bạ thì nhiều trường ĐH trên toàn quốc đã bổ sung thêm nhiều phương thức xét tuyển mới... Đồng thời, từng bước loại bỏ được tình trạng thí sinh chọn ngành, chọn trường theo điểm số chứ không phải theo sở thích và năng lực.


Một trong những hình thức tuyển sinh mới được ĐH Quốc gia TP HCM thử nghiệm trong năm 2016 là đánh giá bằng bài luận, thư giới thiệu của thầy cô. ĐH Hoa Sen cũng áp dụng hình thức viết luận để tuyển thí sinh có nguyện vọng và quyết tâm theo đuổi ngành nghề mình yêu thích.

Đối với nhóm ngành Mỹ thuật ứng dụng  như thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, nhà trường cũng cho phép thí sinh nộp tuyển tập tác phẩm nghệ thuật, khoảng từ 7 đến 10 tác phẩm do chính bản thân sáng tác thay vì tham gia thi 3-4 tiếng đồng hồ.

Việc các trường ĐH mở rộng thêm nhiều phương thức tuyển sinh mới trong năm 2016 được xem là hướng đi phù hợp xu thế tự chủ đại học.

Khoa Y, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cũng sẽ tổ chức sơ tuyển thông qua hình thức phỏng vấn hoặc trắc nghiệm sự phù hợp với ngành y của thí sinh. Theo đại diện nhà trường, hình thức sơ tuyển mới được bổ sung này nhằm  hạn chế tình trạng thí sinh có điểm cao là nộp vào trường, bất chấp có yêu nghề hay phù hợp không.  

Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng tổ chức thi năng khiếu đối với nhóm ngành Báo chí. Theo đó, trường sẽ tổ chức thi bổ sung môn Năng khiếu báo chí gồm 2 phần trắc nghiệm (3 điểm), tự luận (7 điểm) cho nhóm ngành Báo chí. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên trường sẽ xét tuyển bằng phỏng vấn trực tiếp thí sinh dự tuyển vào chuyên ngành Quay phim truyền hình, Báo ảnh.

Năm 2016, ĐH FPT cũng tuyển sinh theo hình thức đánh giá năng lực thông qua bài viết luận và thi trắc nghiệm với 100% thí sinh làm bài trên máy tính. Ông Trần Ngọc Tuấn, Phó hiệu trưởng Đại học FPT cho biết:  Đây là hình thức thi tuyển phù hợp với xu hướng tin học hóa đang ngày càng phát triển trong giáo dục Việt Nam và tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Trong đó, năng lực của người học là vấn đề được chú trọng nhất.

Ở các nội dung bài thi, thí sinh sẽ đáp ứng đánh giá năng lực phổ thông nền tảng, có liên quan đến ngành học đăng ký dự thi; đánh giá năng lực chuyên biệt liên quan ngành học sẽ được đào tạo. Ngoài ra, thí sinh còn được đánh giá năng lực nghị luận thông qua một bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi với học sinh đã hoàn thành chương trình THPT.

Tương tự, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh cũng tuyển sinh năm 2016 với phương thức xét điểm thi, học bạ và kết hợp với đánh giá năng lực. Theo đó, chỉ những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển bước một thông qua điểm thi, học bạ mới được trường thông báo tham gia làm bài kiểm tra năng lực ở bước 2. Nội dung kiểm tra liên quan đến bốn nhóm kiến thức: Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp, kiến thức về pháp luật; và tư duy logic, khả năng lập luận của thí sinh...

Ngoài các hình thức tuyển sinh trên, năm nay, một mô hình mới dự kiến sẽ được áp dụng, đó là việc các trường liên kết tuyển sinh theo nhóm. Theo đó, một số trường có cùng một số nhóm ngành đào tạo, có cùng khối xét tuyển và tương tối đồng đều về trình độ tin học hóa...  tại khu vực phía Bắc như ĐH Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Thủy lợi, Đại học Mỏ địa chất, Đại học Giao thông Vận tải... dự kiến tạo thành nhóm tuyển sinh theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.

Tại khu vực phía Nam, lãnh đạo ĐH Quốc gia TP HCM cũng cho biết, trường dự kiến tuyển sinh theo nhóm, ban đầu gồm 7 đơn vị thành viên gồm ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ Thông tin, Khoa Y.

PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng:  Việt Nam đã hội nhập quốc tế và khu vực nên giáo dục cũng phải mở cửa, học tập các nước tiên tiến. Với các phương thức xét tuyển này, học sinh có thêm nhiều cơ hội và lợi thế. Tuy nhiên, để có thể thích ứng với các phương thức mới này, đòi hỏi thí sinh cần phải học thật, thi thật, không thể trông chờ vào may rủi. Ngoài việc học trong sách giáo khoa, thí sinh cần phải bổ sung thêm nhiều kiến thức và các kỹ năng xã hội liên quan đến ngành, nghề mà mình lựa chọn thì mới có thể hoàn thành tốt các bài thi trắc nghiệm, phỏng vấn...
Huyền Thanh
.
.
.