Đấu tranh ngăn chặn thực phẩm ‘bẩn’ trong dịp Tết

Thứ Hai, 11/01/2016, 09:20
Thời gian qua, các lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán nội tạng, thịt động vật không rõ nguồn gốc. Theo nhận định, lượng hàng bị phát hiện, thu giữ không đáng kể so với lượng đã tiêu thụ trên thị trường.

Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, tình trạng buôn bán thực phẩm “bẩn” lại càng “nóng” hơn, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm chủ yếu là vi phạm về kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch, không đảm bảo an toàn, vệ sinh.

Theo Trung tá Vũ Đình Nghị, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Thái Bình, năm 2015, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường tại tỉnh Thái Bình diễn biến phức tạp. Đơn vị đã phát hiện, xử lý 22 vụ vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật (lợn, gà) không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch, 18 vụ kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, an toàn.

Công an tỉnh Thái Bình phát hiện vận chuyển thực phẩm “bẩn”. 

Đáng chú ý, một số đối tượng kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch, đã bốc mùi hôi (1 tấn nầm lợn, 2,7 tạ thịt lợn, 4,25 tạ thịt gà, 1,3 tạ thịt mèo); kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, không rõ nguồn gốc nguyên liệu (3,28 tấn mứt bí, mứt cà rốt, 2.055 kg bánh tai heo, 1 tấn bánh quẩy); kinh doanh, vận chuyển động vật chết vì bệnh dịch (10 con lợn thịt)... Qua đó, đơn vị xử phạt hành chính 265 đối tượng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều trang trại chăn nuôi nằm rải rác trên địa bàn các xã chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn khiến nhân dân khu vực xung quanh kiến nghị như: trang trại của ông Nguyễn Năng Vinh (xã Song Lãng, huyện Vũ Thư), trang trại của ông Hoàng Liễn (xã Song An, huyện Vũ Thư)... thải mùi hôi thối vào môi trường. Hầu hết các trại chăn nuôi xen lẫn trong các khu dân cư chưa có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng tới sinh hoạt của nhân dân khu vực xung quanh. Đây là nguyên nhân gây ra các vụ khiếu kiện về môi trường.

Một số vụ việc điển hình, hồi 10h ngày 20-11-2015, trên QL10, thuộc xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, tổ công tác PC49 phối hợp với PC67, phát hiện xe ôtô BKS 17C-03862 do Nguyễn Văn Dân, 37 tuổi, trú tại xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình điều khiển. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong thùng xe có chứa 800kg mỡ lợn, bì lợn đã bốc mùi ôi thiu. Tại cơ quan Công an, Dân không xuất trình được giấy tờ kiểm dịch và chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng này.

Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp các ngành chức năng thực hiện quyết định của UBND tỉnh Thái Bình về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của 12 cơ sở chế biến thực phẩm, sản xuất rau trên địa bàn 6 huyện (Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Vũ Thư, Đông Hưng, Thái Thuỵ). Kết quả, các cơ sở này không có thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, cơ sở chế biến không đảm bảo. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở khắc phục tồn tại, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.

Theo Trung tá Nhâm Xuân Dũng, Phó Đội trưởng Đội An toàn thực phẩm, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Thái Bình, thời gian qua đơn vị phát hiện bắt giữ nhiều vụ vi phạm ATTP. Các đối tượng sản xuất, buôn bán, kinh doanh các loại thực phẩm không đảm bảo như: thịt, các sản phẩm từ thịt, nội tạng động vật, hải sản… không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận kiểm dịch, các dấu hiệu dịch bệnh. Các đối tượng thường xuyên thay đổi thủ đoạn, phương thức hoạt động để che mắt các cơ quan chức năng, người tiêu dùng.

Hiện nay, trên các tuyến đường của thành phố Thái Bình cũng như các vùng quê trong tỉnh, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được bày bán tràn lan. Trên các vỉa hè, người dân ngang nhiên bày bán các đồ ăn không rõ nguồn gốc, xuất sứ, chất lượng nguyên liệu, khách hàng ăn uống bên cạnh cống nước thải. Phần lớn các quán này là thực phẩm bắt mắt, giá rẻ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như: sự thiếu quyết liệt trong kiểm tra, phát hiện và xử lý của cơ quan chức năng; sự dễ dãi, thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lượng tâm của một số người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Họ sử dụng nhiều thủ đoạn để thu lợi nhuận. Nhiều người chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân, gia đình mà không có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

Đăng Hùng
.
.
.