Thực phẩm bẩn vẫn đổ về Hà Nội hàng ngày

Thứ Năm, 19/11/2015, 08:09
Hầu hết thực phẩm từ các tỉnh, TP đưa về Hà Nội tiêu thụ được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, nên việc kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, với gần 10 triệu dân, mỗi ngày Hà Nội cần tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau quả các loại… Tuy nhiên, sản xuất tại chỗ mới chỉ đáp ứng được 69% nhu cầu thịt, 32% nhu cầu cá, 97,7% trứng gia cầm, 19% sữa, 38% gạo tẻ, 60% rau củ tươi và 18% quả tươi các loại. Gần 30% còn lại là nhập từ các tỉnh, thành khác về.

Hầu hết thực phẩm từ các tỉnh, TP đưa về Hà Nội tiêu thụ được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, nên việc kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, trong 10 tháng của năm 2015, các cơ quan chức năng đã lấy 437 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chợ đầu mối ở Hà Nội và các tỉnh lân cận để giám sát chất lượng ATTP. Hà Nội lấy 192 mẫu, các tỉnh, thành phố khác lấy 245 mẫu.

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề người dân hết sức quan tâm. Ảnh: CTV.

Kết quả phân tích 356/437 mẫu, đã phát hiện 2/39 mẫu chè (5,12%) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tồn dư kim loại nặng vượt ngưỡng tối đa cho phép; 2/95 mẫu cá (2,1%) có dư lượng chất cấm; 2/42 mẫu (4,76%) rau có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng giới hạn cho phép trong khi năm 2014 chỉ tiêu này chỉ là 2,72%. 17/101 mẫu thịt (16,83%) phát hiện Salmonella. Đáng chú ý có 5/55 mẫu thịt lợn (9,1%) phát hiện dư lượng chất cấm tạo nạc Salbutamol.

“Những mẫu thịt dương tính với Salbutamol có nguồn gốc từ Hải Dương và Bắc Ninh. Việc phát hiện dư lượng Salbutamol và Sulfadimidine trong các mẫu lợn, Enrofloxacin trong thịt gà chứng tỏ người chăn nuôi vẫn lạm dụng chất tạo nạc và kháng sinh để kích thích tiêu hóa, tăng trưởng trong chăn nuôi”, ông Giang khẳng định.

Thực phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn có chất cấm.

Ngoài ra, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cũng đã chủ động lấy 302/480 mẫu nông sản (rau, thịt) để kiểm tra các chỉ tiêu ATTP. Kết quả phân tích 203/302 mẫu, cụ thể 17,9% mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép, 38% mẫu thịt phát hiện Salmonella, 1/9 mẫu thịt có dư lượng chất cấm Salbutamol có nguồn gốc tại Hưng Yên. Sau khi có kết quả phân tích mẫu thực phẩm, Hà Nội đã truy xuất nguồn gốc, thông báo cho cơ quan chức năng các tỉnh, TP để có biện pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời.

Ông  Phạm Thế Cường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sơn La nhận xét, là một địa phương cung cấp lượng rau, củ, quả khá lớn cho Hà Nội, sản lượng rau, củ sản xuất tại Mộc Châu chỉ có 20% tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, còn lại là đưa về Thủ đô.

Ông Cường cũng thừa nhận có tình trạng trà trộn rau bẩn vào rau sạch để bán về Hà Nội. “Chúng tôi đã nhận được thông báo của các cơ quan chức năng Hà Nội về một số mẫu rau sản xuất tại Mộc Châu không đảm bảo ATTP. Chúng tôi đã truy xuất, tất cả các hộ dân đều có sản xuất rau an toàn, nhưng do nhu cầu tiêu thụ đầu Hà Nội lớn, lượng rau của Hợp tác xã không đáp ứng đủ nên bà con đã thu mua thêm rau ở bên ngoài vào”. Ông Cường cho rằng, thời gian phân tích mẫu, thông báo vi phạm cho cơ quan chức năng Sơn La hơi muộn, nên việc truy xuất nguồn gốc, xử lý gặp khó khăn. “ Chưa kể, rau, củ quả bà con sản xuất theo mùa vụ. Nên khi phía đầu Hà Nội có thông báo kết quả vi phạm thì số rau, củ ấy cũng đã bán và tiêu thụ hết ra thị trường”.

Ngay tại Hà Nội, tình trạng nông dân trà trộn rau không rõ nguồn gốc vào rau an toàn bán cũng xảy ra khá phổ biến. Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin, vừa qua, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện một số hợp tác xã trà trộn rau thu mua ở chợ đầu mối vào làm rau an toàn.

“Một số bếp ăn tập thể, trường học qua kiểm tra đã phát hiện, chỉ ký hợp đồng cung ứng rau an toàn làm phép, để đối phó, còn lại vẫn mua rau tại các chợ đầu mối đưa vào sử dụng”, ông Lộc cung cấp thêm dẫn chứng.

Để giảm thiểu tình trạng thực phẩm bẩn gắn mác sạch bán cho người tiêu dùng, theo ông Nguyễn Đắc Lộc, các tỉnh, TP cần xây dựng những chuỗi sản xuất, sơ chế, phân phối có chỉ dẫn địa lý để có thể truy xuất khi có sự cố xảy ra, xử lý đúng việc, đúng tội. Bên cạnh đó, cần xây dựng và giữ thương hiệu thực phẩm sạch. Xây dựng thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu càng khó hơn.

Ông Nguyễn Đắc Lộc nêu dẫn chứng đáng buồn: “Gà đồi Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), đã xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sở hữu trí tuệ nhưng lại không phát huy hiệu quả. Qua kiểm tra, gà đồi Yên Thế được bày bán phổ biến ở Hà Nội, như chợ Hà Vỹ giá chỉ từ 50.000 đồng-55.000 đồng/kg, tương đương với gà bình thường, không thương hiệu”. Vì vậy, quan trọng vẫn là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, và Hà Nội cần có thêm nhiều biện pháp siết chặt quản lý chất lượng thực phẩm từ khâu sản xuất đến lưu thông và tới tay người tiêu dùng.

Triển khai đợt cao điểm hành động “Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm” trong lĩnh vực nông nghiệp

UBND TP Hà Nội vừa giao Sở NN&PTNT nghiên cứu thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về chất cấm trong chăn nuôi, triển khai đợt cao điểm hành động “Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm” trong lĩnh vực nông nghiệp.

UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân để không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với những đối tượng cố ý buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, tổ chức tổng điều tra, lập danh sách các tổ chức có sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn thịt, chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn; có kế hoạch khẩn trương kiểm tra, sàng lọc phát hiện các đối tượng có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Sở NN&PTNT có trách nhiệm phối hợp với sở, ngành liên quan trinh sát, điều tra, thu thập thông tin, phát hiện đường dây, hành vi buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. (N.Y.)

Chi Linh
.
.
.