Tìm giải pháp giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu

Thứ Tư, 31/08/2016, 10:00
Ngày 30-8, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Viện Chuyển đổi môi trường và Xã hội (ISET) đưa ra nhiều giải pháp hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Trong đó, có nhiều giải pháp khả thi mà thành phố đã áp dụng thành công.

Ông Trần Thế Như Hiệp, Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ nhận định, do vị trí ở vùng hạ lưu sông Mê Kông thuộc khu vực ĐBSCL, TP Cần Thơ thỉnh thoảng bị ảnh hưởng các loại thiên tai như: lũ lụt, sạt lở bờ sông, lốc, sấm sét, hạn hán, bão và áp thấp nhiệt đới.

Chẳng hạn, lưu lượng nước trên sông Mê Kông giảm (từ 2.500m³/s xuống còn 1.600m3/s) trong mùa khô gây khô hạn cho quận Thốt Nốt và xâm nhập mặn ở quận Cái Răng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi thuỷ sản và cung cấp nước sạch cho cộng đồng dân cư.

Sạt lở bờ sông xảy ra hầu hết tại các quận, huyện trên địa bàn do xói mòn bởi dòng chảy, gây thiệt hại tài sản, nhà ở, công trình, sản xuất…

TP Cần Thơ thường xuyên bị ngập úng do triều cường hoặc mưa lớn, quận Ninh Kiều có những tuyến đường bị ngập sâu tới vài chục centimet.

Trước thực trạng này, TP Cần Thơ đã phối hợp cùng một số viện, trường, trung tâm xây dựng nhiều đề án để phòng chống thiên tai và BĐKH. Vào năm 2014, ISET đã hỗ trợ thành phố lập mô hình “Đồng quản lý phòng chống sạt lở bờ sông”. Mô hình này xây dựng một cơ chế đồng quản lý, trong đó kết hợp sáng kiến và giám sát của người dân cùng với sự hỗ trợ tài chính và kĩ thuật của chính quyền.

Một bờ kè sinh học dọc sông Cái Sơn (phường An Bình, quận Ninh Kiều) bằng cọc cừ tràm, trồng các cây có tác dụng giữ bờ như bần, triết… hơn 3km phòng chống sạt lở hình thành, đã huy động từ 980 ngày công và khoảng 170 triệu đồng trong dân cùng chính quyền địa phương.

Sau 2 mùa mưa lũ năm 2014 và 2015, bờ sông đã ổn định không bị sạt lở thêm. So sánh với khu vực ngoài khu vực bờ kè, năm 2015 đã bị sạt lở trên 100m.

Bên cạnh đó, nhận thức được vấn đề xâm nhập mặn do nước biển dâng và BĐKH gây ra đang trở thành một hiểm họa ngày càng tăng lên, từ năm 2012, TP Cần Thơ đã cam kết thực hiện một dự án nhằm xây dựng hệ thống quan trắc độ mặn có khả năng cung cấp dữ liệu đo độ mặn thời gian thực đến người dân.

Dự án do Quỹ Rockefeller Foundation tài trợ, với sự hỗ trợ của ISET đã xây dựng 8 trạm quan trắc độ mặn được lắp đặt xung quanh khu vực ngoại vi TP Cần Thơ trên các con sông và kênh rạch chính. Mỗi trạm đều được trang bị hệ thống truyền tín hiệu không dây để truyền dữ liệu đo lường đến trạm trung tâm 30 phút/lần.

Ông Đoàn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT TP Cần Thơ cho biết, vào tháng 3-2016 dự án này phát huy tác dụng khi trạm quan trắc số 1 tại quận Cái Răng đã phát hiện độ mặn gần 2‰. Vì vậy, trạm quan trắc đã gửi tin nhắn cảnh báo đến người đã đăng ký với trạm.

Nhờ vậy, đã ngăn ngừa nước mặn xâm nhập sâu vào các kênh tưới tiêu. Khi cung cấp rộng rãi các dữ liệu cảnh báo độ mặn tới chính quyền, người dân và truyền thông bằng tin nhắn, những người bị ảnh hưởng có thể chủ động đóng cống, làm đập tràn theo mùa ngăn nước mặn xâm nhập và tránh sử dụng nước trong thời điểm bị nhiễm mặn cao.

Như Anh
.
.
.