Tạo môi trường “sạch” cho thực phẩm an toàn

Thứ Tư, 25/05/2016, 09:47
Thống kê của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có trên 12.500 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm. Ngành Y tế quản lý 8.820 cơ sở, ngành Nông nghiệp quản lý 486 cơ sở, ngành Công Thương quản lý 3.209 cơ sở.

Qua kiểm tra, nhiều cơ sở vì sự cạnh tranh và lợi nhuận đã cố tình sử dụng nguyên liệu, phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép (hàn the) pha trộn trong quá trình chế biến thực phẩm. Trong khi đó, các cơ sở, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) tâm huyết muốn sản xuất thực phẩm sạch phải “đánh đu”, “vật lộn” tự tìm đầu ra…

Đụng đâu… vi phạm đó

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với ngành chức năng thanh kiểm tra hàng loạt cơ sở trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc cố tình sử dụng hàn the trong quá trình chế biến sản xuất thực phẩm.

PC49 đã phát hiện, xử lý 62 vụ, 99 đối tượng; buộc tiêu hủy 54,5kg hàn the nguyên chất, 50 lít nước pha hàn the, 571,3kg thực phẩm chứa hàn the; 4.380kg sản phẩm gia súc - gia cầm hôi thối, chưa qua kiểm dịch… Ra quyết định xử phạt hành chính tổng số tiền trên 400 triệu đồng, chuyển cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền 20 vụ, 57 đối tượng vi phạm.

Hàng loạt cơ sở sản xuất thực phẩm chứa hàn the trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được ngành chức năng phát hiện, xử lý.

Sáng 11-5, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất tàu hũ ky do ông Nguyễn Văn Hậu (số 664, ấp Đông Bình, xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự) làm chủ. Test nhanh mẫu tàu hũ ky chế biến giống cá lưỡi trâu (1kg) và mẫu tàu hũ ky (10kg) đang sản xuất tại cơ sở đều cho kết quả dương tính với hàn the. Chủ cơ sở thừa nhận sử dụng hóa chất tẩy trắng tàu hũ ky.

Tương tự, kiểm tra cơ sở sản xuất chả cá Hai Pha (do ông Bùi Văn Pha làm chủ), phát hiện 55kg chả thành phẩm chứa hàn the; kiểm tra tại cơ sở mua bán cá mồi, chế biến chả cá Lê Văn Liêm (2 cơ sở cùng ngụ ấp 3, xã An Hòa, huyện Tam Nông) phát hiện 100kg chả cá mè, cá tra thành phẩm có sử dụng hàn the…

Tương tự, tối 10-5, Phòng PC49, Công an TP Cần Thơ bắt quả tang Huỳnh Thị Thảo (49 tuổi), kinh doanh thực phẩm trên đường Hai Bà Trưng (phường Tân An, quận Ninh Kiều) tẩm ướp hàn the vào 38kg thịt (đùi gà, chân gà, đầu gà). Chủ cơ sở thừa nhận mua thịt gia cầm từ các lò mổ và tiểu thương tại các chợ, với số lượng khoảng 70-80kg/ngày. Thịt gia cầm bán không hết được tẩm ướp hàn the cho vào thùng đá đông lạnh để không bị ôi thiu, hôm sau mang ra bán tiếp...

Suýt phá sản vì thực phẩm… sạch

Đó là tâm sự của ông Thái Thanh Bình (51 tuổi) – chủ cơ sở sản xuất đậu hũ - tàu hũ ky Bình Loan (ấp Đông Bình, xã Hòa An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Hiện tại, đây cũng là cơ sở duy nhất tại Đồng Tháp được ký hợp đồng phân phối sản phẩm (tàu hũ ky lá, tàu hũ ky cộng khô; tàu hũ ky tươi; các sản phẩm chả chay…) độc quyền cho hệ thống siêu thị Co.opMart trên cả nước.

Có truyền thống hơn 30 năm sản xuất tàu hũ, ông trăn trở với việc sản xuất sản phẩm không hóa chất hay có các loại phụ gia độc hại. Để sống được với cái “tâm của người làm nghề”, ông Bình phải chật vật một thời gian khá dài.

Ông Bình kể, có lúc cơ sở đứng bên bờ vực phá sản vì sản phẩm làm ra chưa được người tiêu dùng chấp nhận. Vì mẫu mã, màu sắc không bắt mắt… chưa hấp dẫn như các sản phẩm cùng loại và buộc phải đổ bỏ. Để duy trì sản xuất và đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, ông phải vay mượn tiền bạc từ người thân. Sự kiên trì của ông cuối cùng cũng được đền đáp, sản phẩm mang bán ngoài chợ dần được người tiêu dùng chấp nhận. Việc ông “bén duyên” với siêu thị cũng bắt nguồn từ đây.

Năm 2015, từ sản phẩm bày bán ngoài chợ, qua kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm sạch, an toàn, ông Thái Thanh Bình được đại diện hệ thống siêu thị mời ký hợp đồng làm nhà cung cấp các loại sản phẩm tàu hũ. Từ đó, mô hình sản xuất của cơ sở Bình Loan được nhiều người biết đến, giải quyết cho gần 20 lao động tại địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trực tiếp đến tham quan, động viên và hỗ trợ 200 triệu đồng giúp cơ sở đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh. Nhiều nơi tổ chức đoàn tham quan học hỏi kinh nghiệm, đặt vấn đề hợp tác. Hiện cơ sở đang nghiên cứu và tiếp tục cho ra nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hiện nay, tâm lý chung của nhiều cơ sở, HTX, THT về việc sản xuất thực phẩm sạch nhưng lại quá khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Trung bình, THT rau an toàn xã Định An (huyện Lấp Vò) cung cấp khoảng 60kg rau ăn quả và rau ăn lá. Nhưng sản phẩm chủ yếu được bán tại các chợ truyền thống ngang bằng giá với sản phẩm sản xuất thông thường.

Nhiều xã viên HTX sản xuất rau an toàn xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự) chia sẻ, để có sản phẩm sạch, nông dân phải đầu tư chi phí cao, sản xuất theo quy trình an toàn nhưng lại phải tự tìm đầu ra. Trước đây, HTX có hợp tác với một hệ thống siêu thị cung cấp rau sạch nhưng do số lượng thu mua ít, HTX không có phương tiện vận chuyển nên phải quay lại “vật lộn” tìm đầu ra.

Văn Vĩnh
.
.
.