Tăng cường giám sát trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn

Thứ Hai, 25/04/2016, 09:17
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong năm 2015, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã được các cơ quan chức năng, địa phương tổ chức triển khai tích cực và phối hợp hiệu quả hơn. 


Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tế, hài hòa với các tiêu chuẩn quy chuẩn quốc tế. Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, Bộ Y tế đã thí điểm kết nối thành công cơ chế một cửa quốc gia về kiểm soát thực phẩm nhập khẩu tại Cảng Hải Phòng với sự tham gia của 13 cơ quan kiểm tra Nhà nước và các doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm, dự kiến năm 2016 sẽ áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Trước vấn đề nổi cộm hiện nay về vấn đề sử dụng chất cấm, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch triển khai đợt cao điểm hành động năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 10-2015 đến hết tháng 2-2016, tập trung vào thịt lợn, thịt gà (Sabultamol và VAT Yellow, Salmonella), rau, quả (tồn dư thuốc bảo vệ thực vật), tôm, cá nuôi (hóa chất kháng sinh). 

Tăng cường các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau an toàn.

Trước đó, Bộ đang triển khai Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn như ban hành các quyết định thành lập Ban điều phối và phối hợp triển khai Chương trình tại hai TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong đó có hoạt động kiểm tra, đôn đốc các tỉnh, thành phố tham gia chương trình xây dựng và thực thi các chính sách đặc thù hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh liên kết thành các chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố liên quan.

Trong 10 tháng đầu năm 2015, cả nước đã thành lập được 20.641 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 344.657 cơ sở, phát hiện 77.946 cơ sở vi phạm. 

Tại Trung ương, 11 tháng đầu năm 2015, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt 248 cơ sở (chủ yếu vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng) với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng (trung bình 18,22 triệu/cơ sở) và công khai trên trang thông tin điện tử của Cục.

Nhận định về những hạn chế trong công tác an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, tỷ lệ sản phẩm được kiểm tra không bảo đảm an toàn thực phẩm chỉ dưới 10% nhưng khi lưu thông trên thị trường, người dân không thể nhận biết được thực phẩm nào là an toàn, thực phẩm nào không an toàn. Trách nhiệm của Nhà nước phải giúp người dân phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu thực phẩm sạch, bằng các biện pháp quản lý, kỹ thuật...

Để giải quyết tình trạng bức xúc về an toàn thực phẩm, năm 2016, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kiểm tra, phân loại 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; tiếp tục triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong phạm vi toàn quốc, tập trung các vấn đề như: sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm; vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các thành phố và các cơ sở sản xuất kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng... 

Cùng với đó, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ được thành lập từ trung ương đến cấp xã, phường, bảo đảm các cơ sở được thanh, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như kiến thức trong việc lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng của người dân.

Phúc Hằng
.
.
.