Cung ứng hàng ngàn mặt hàng thực phẩm an toàn cho thị trường

Thứ Năm, 28/01/2016, 09:00
Để đạt mục tiêu cung cấp 100% thịt heo VietGAP tại tất cả các điểm bán thịt tươi sống trong năm nay, Vissan sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng các nguồn cung ứng heo VietGAP, tạo nguồn nguyên liệu heo thịt sạch, ổn định và hướng đến thực hiện truy xuất nguồn gốc.


Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, để phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch dịp Tết, lượng giết mổ heo theo tiêu chuẩn VietGAP của Vissan hiện đã đạt mức 400 - 500 con/ngày. Tổng lượng thịt heo VietGAP do Vissan cung ứng ra thị trường TP Hồ Chí Minh bình quân hàng ngày đạt 35 - 40 tấn, chiếm một nửa lượng thịt heo Vissan bán ra thị trường. 

Để đạt mục tiêu cung cấp 100% thịt heo VietGAP tại tất cả các điểm bán thịt tươi sống trong năm nay, Vissan sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng các nguồn cung ứng heo VietGAP, tạo nguồn nguyên liệu heo thịt sạch, ổn định và hướng đến thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Trong đó riêng trại chăn nuôi Gò Sao 1 của Vissan ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận theo tiêu chuẩn và công nghệ tiên tiến của ngành chăn nuôi với mô hình khép kín từ khâu nuôi heo giống đến khâu sản xuất heo thịt đảm bảo an toàn… đã có khả năng cung cấp mỗi năm hơn 26.000 con heo thịt.

Hiện ở TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều đơn vị đăng ký thực hiện phân phối sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, HACCP tại gần 250 điểm bán lẻ. Nhóm các mặt hàng được đưa vào chuỗi bán lẻ thực phẩm sạch gồm rau củ quả, thịt gia súc, thịt gia cầm và trứng gia cầm đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. 

Hàng ngàn mặt hàng thực phẩm an toàn được bán tại các hệ thống siêu thị trong thành phố.

Cụ thể, Satra đăng ký phân phối rau an toàn và thịt heo VietGAP tại các siêu thị Satramart, Satrafood; Vissan đăng ký cung ứng sản phẩm thịt heo đạt chuẩn VietGAP và thịt bò đạt chuẩn Escas trong hệ thống quầy kinh doanh thịt tươi sống của DN đặt tại các điểm bán lẻ của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opFood; Satrafood và các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Vissan; Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn đăng ký cung ứng thịt heo đạt chuẩn VietGAP, thịt gà Tam Hoàng và thực phẩm chế biến được chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Saigon Co.op và các cửa hàng trực thuộc; HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào đăng ký phân phối sản phẩm rau củ quả đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP và sản phẩm được công nhận chuỗi thực phẩm an toàn tại cửa hàng tiện lợi của mình.

Riêng Saigon Co.op đăng ký phân phối 4.000 mặt hàng lương thực an toàn, đạt chuẩn ISO, HACCP, GMP và 224 mặt hàng rau củ quả, thịt gà, trứng gà và thịt heo đạt chuẩn VietGAP tại hàng trăm điểm bán trong hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra và Co.opFood. Hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op cũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để nhân rộng mô hình trên cả nước. 

Để kiểm soát nguồn thực phẩm an toàn cung ứng ra thị trường, TP Hồ Chí Minh cũng đã đặt ra tiêu chí chung cho các cửa hàng và từng sản phẩm sẽ được quản lý theo đúng quy trình, từ chỉ dẫn địa lý đến nơi giết mổ và điểm bán cuối cùng, từ đó giúp người dân có thể an tâm tiêu thụ.

Đảm bảo 100% các chợ đáp ứng về an toàn thực phẩm

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc công tác giải tỏa tụ điểm, chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn; đảm bảo 100% các chợ đáp ứng về an toàn thực phẩm theo quy định. 

Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Công thương rà soát mạng lưới chợ đang hoạt động, chủ trì công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các chợ hạng 1 trên địa bàn TP; phối hợp kiểm tra về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với các chợ trên địa bàn, đề xuất các nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền. Bên cạnh đó, Sở Cảnh sát PCCC TP thực hiện kiểm tra an toàn PCCC đối với tất cả các chợ, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, trường hợp cần thiết phối hợp Sở Công thương thực hiện tạm dừng hoạt động nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP yêu cầu các lực lượng chức năng kiên quyết giải tỏa các tụ điểm, chợ cóc, chợ tạm, bố trí lực lượng chốt giữ để duy trì chống tái họp trở lại sau khi đã giải tỏa.

C.L.

Đ.Thắng
.
.
.