Nghị lực của những bà mẹ tha hương

Thứ Ba, 29/12/2015, 08:30
Họ đều là những người phụ nữ nghèo, đa phần là người miền Trung. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, họ chỉ trông chờ vào vụ lúa trên cánh đồng cạn nước, đợi con bò thiếu cỏ trơ xương đủ lớn đem bán. Nhiều người không cam chịu đã quyết cai sữa sớm cho con, bỏ quê để bắt xe vào thành phố buôn thúng, bán bưng mong sao thoát cảnh cực khổ.


Kỳ 1:  Gánh hàng rong đưa con đến giảng đường

Hôm chúng tôi đến, chị Nguyễn Thị Lành (56 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) bán bánh ướt trên đường Quang Trung, Gò Vấp đang xếp gọn đôi quang gánh đã theo chị hơn 20 năm nay vào một góc phòng trọ. Chị cười tươi, khoe: “Sắp đầy tháng thằng cháu ngoại đầu tiên, nghỉ vài bữa về thăm nó! Ráng nhịn ăn bánh ướt vài ngày nhé!”.

Ngày đầu đặt chân vào TP Hồ Chí Minh, chị Lành được mấy chị em cùng quê gom vốn mua đôi quang gánh để chị bán bánh ướt. Sáng quẩy gánh đi, chiều trở về phòng trọ, gánh bánh vẫn còn quá nửa. Người đi trước mách, muốn bán được bánh nhiều thì chịu khó đến mấy công trình đang xây dựng bán cho công nhân. Công nhân thì dễ ăn nhưng ít tiền, hộp bánh ướt phải nhiều hơn chút, lấy lời ít lại một chút, bán nhờ số nhiều. Dần dà, chị có nhiều mối quen hơn. Tích cóp được bao nhiêu lời chị gởi hết về quê. Từ những đồng tiền chắt chiu này, ba đứa con chị lớn dần và được đến trường đàng hoàng. “Đứa đầu gả chồng, thằng thứ hai học được cái nghề sửa xe, ở quê phụ ba nó. Ráng vài năm nữa, đợi thằng út ra trường, chị sẽ về quê ở hẳn” - chị cười tươi rói.

Những người phụ nữ xa quê sẵn sàng làm những công việc nặng nhọc chỉ mong con cái ở quê không phải đói.

Áo dính đầy dầu nhớt, suốt ngày chị Phạm Thị Duyên (51 tuổi, quê Nam Định) tay kềm, tay búa miệt mài sửa chữa xe máy tại một góc nhỏ trên đường Cộng Hòa (Tân Bình). Vừa tra nhớt vào máy xe, chị Duyên vừa túc tắc kể, ngoài quê làm ăn vất vả, tiền kiếm chẳng đủ nuôi hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn nên vợ chồng chị Duyên để hai đứa con lại cho bên nội rồi khăn gói vào TP Hồ Chí Minh. Hơn 20 năm theo chồng phụ sửa các loại xe, giờ đây tay nghề của chị Lành  thuộc dạng dày dạn. Bố mẹ vất vả nhưng hai đứa con đều học hành đến nơi đến chốn, giờ đã ra trường, lập gia đình. Thoáng cái giờ anh chị đã có cháu ngoại bồng.

Chiếc ghe gạo tấp vào mé kênh Tẻ (đoạn  đường Trần Xuân Soạn, quận 7), hàng chục lao động tay chân (cả nam lẫn nữ) lao ngay đến. Những đôi vai phụ nữ nhỏ thó, gầy gò, kề lên mép ghe để hai người đàn ông “ném” bao gạo nặng 50kg lên. Gồng mình  tay ghì chặt bao gạo, chân men qua tấm ván rộng chỉ bằng hai bàn chân, họ thoăn thoắt bước đi.

Nắng gay gắt, mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt đen đúa dính đầy bụi cám, thở không ra hơi nhưng chị Nguyễn Thị Tư (47 tuổi, quê quán Long An) vẫn cười:  “Cực chẳng đã mới làm nghề này, vậy mà có ngày không có hàng để vác, cói rã họng!”. Xong mùa lúa, dưới quê rãnh việc, vợ chồng chị Tư kéo nhau lên thành phố xin bốc vác kiếm tiền. Mấy ngày đầu người đau ê ẩm. Nhưng làm độ tuần thì chị Tư quen việc, vác bao gạo đi thoăn thoắt. “Chỉ sợ ngã xuống sông nằm viện hoặc gãy xương sống không mang vác gì được chứ không sợ nặng nhọc đâu! Không làm tụi nhỏ lấy cái gì ăn, lấy cái gì để học” - chị Tư bộc bạch.

Cực nhọc, mà chẳng mấy ai bỏ nghề. Cả chị Nguyễn Thị Ánh Hồng  (36 tuổi, quê ở Quảng Ngãi), người may mắn tìm thấy 5 triệu Yên Nhật trong thùng loa cũ và sau một thời gian dài chờ đợi sự phán quyết của luật pháp, được hưởng số tiền “trời cho” hơn 700 triệu đồng cũng không hề có ý định bỏ nghề ve chai vất vả. “Chữ nghĩa lõm bõm, tính toán dở ẹc thì sao mà làm chủ vựa. Thôi cái nghề của mình thì mình cứ làm, làm chủ khó lắm!” – mỗi khi có  ai hỏi, chị Hồng lại cười hồn hậu.

Gánh bún bò của chị Bùi Thị Đức (50 tuổi, quê quán Hải Phòng) nằm nép bên bức tường rào đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5). Khách hàng của chị đa phần là những sinh viên của hai trường đại học nằm trên đường An Dương Vương. Hôm chúng tôi đến dù mới 10 giờ nhưng chị Đức đã bắt đầu dọn dẹp hàng chuẩn bị ra về. Chị bảo mỗi ngày nấu gần 100 tô nhưng hôm nay khách đông  nên hết sớm.

Ngày mẹ mất chị Đức cũng vừa học xong lớp kế toán, dì dượng ở quận 10 thương nên kêu chị từ Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh sống rồi kiếm việc cho làm. Rồi chị lấy chồng, một sĩ quan Công an. Con trai đầu lòng ra đời cứ bệnh liên miên, chị phải xin nghỉ việc ở nhà trông con. Thấy chị nấu bún bò ngon, người quen kêu chị mở đại gánh bún bò bán gần nhà, chị Đức cũng liều  làm thử. Bún ngon lại rẻ nên nhiều người tìm đến ủng hộ. Đứa con thứ hai ra đời. Chị Đức vừa thức khuya dậy sớm bán hàng vừa chăm cho hai con ăn uống, đến trường. “Thế rồi cũng ổn em ạ! Ông xã chị giờ là Thượng tá. Thằng lớn đã ra trường, đang là thiếu úy Công an quận 5.  Chị cũng đỡ vất vả hơn, giờ chỉ lo cho thằng em nó đang học lớp 8. Đỡ cực hơn nhưng chị cũng không bỏ được gánh bún bò em ạ, nó theo chị hơn 20 năm rồi còn gì!”.

Bà Hiền (quê quán An Nhơn, Bình Định) thậm chí còn vất vả hơn chồng chấp nhận ở nhà giữ con, bà Hiền vào TP Hồ Chí Minh kiếm tiền. Lần theo địa chỉ mà mấy chị em cùng quê đi trước ghi nguệch ngoạc trên giấy, bà Hiền tìm đến khu chợ cầu Muối, quận 1. Đêm đầu, căn phòng nhỏ xíu nhưng có đến 30 người, mỗi người chỉ được khoảnh nhỏ đặt vừa tấm lưng còn lại một chân co, chân duỗi. Chị em cùng quê chỉ chỗ mua hàng, cách trộn bánh tráng sao cho hợp khẩu vị với người miền Nam và chỉ dẫn bà Hiền những tuyến đường dễ bán được bánh. Mưu sinh ở nơi xứ lạ này 17 năm, bà Hiền cũng chỉ nhớ được hai tuyến đường duy nhất, từ  chợ Cầu Muối ra đường Nguyễn Hữu Cảnh; tuyến còn lại là bến xe buýt từ quận 1 đi Thủ Đức để thăm con.

Tiền lời từ gánh bánh tráng trộn,  bà ky cóp gửi hết về quê. Lần lượt các con bà quảy va ly vào Nam nhập học. Bà Hiền hãnh diện với lối xóm lắm. Bao nhiêu thứ phải lo nên tiếng rao của bà Hiền dường như lạc hẳn đi. “Được cái thằng cả vừa đi học vừa làm phụ thêm cho mẹ. Giờ nó đã ra trường, có công việc ổn định phụ mẹ lo cho thằng thứ và đứa em út cũng chuẩn bị vào đại học. Khi tụi nó học xong, tôi sẽ được về quê rồi! 17 năm trời hai vợ chồng cứ như “ngưu lang chức nữ!” - bà Hiền cười giòn mà nước mắt lưng tròng.

Chị Nguyễn Thị Lan (50 tuổi, quê quán Quảng Ngãi) thì phải xa con từ hồi nó mới 14 tháng tuổi, Ở phố, cứ 3 giờ sáng chị lại dậy đặt nồi cháo rồi chạy ra chợ lấy hàng về nấu nướng. Rồi tất tả đẩy xe cháo đi bán, mỗi ngày cũng được gần 100 tô. Có tiền nhưng không dám tiêu, ăn cháo thay cơm là thường. Hai đứa con của chị giờ đã vào đại học. Thằng anh chọn học nghề, còn đứa em gái thì đậu đại học luật ở Bình Dương nhưng thương mẹ cực khổ bảo lưu kết quả và vừa nhập học hồi đầu năm. “Đã 23 năm sống ở TP Hồ Chí Minh bên chiếc xe đẩy bán cháo chị đã nuôi hai đứa con, thêm 5 đứa cháu đến với giảng đường. 

Nhắc đến những đứa con vào đại học, gương mặt những người mẹ quê mà tôi tiếp xúc luôn hiện hữu một cảm xúc khó tả, một sự hãnh diện. Thân gầy gò, mặt hốc hác nhưng miệng họ luôn tươi cười khi nhắc đến những đứa con, vất vả hình như trôi đi đâu hết.

Vũ Minh Đức
.
.
.