Người mẹ nuôi ba đứa con mù học đại học

Thứ Ba, 17/06/2008, 14:09

Đã 30 năm, người mẹ ấy rong ruổi trên mọi nẻo đường bằng chiếc xe đạp để kiếm miếng cơm manh áo cho cả gia đình có 6 miệng ăn. Và cũng 30 năm ấy, nước mắt chị âm thầm rơi xuống để ba đứa con khiếm thị vào đại học.

30 năm, chỉ chiếc xe đạp cà tàng của chị mòn đi và tiếng kêu cút kít ngày một to lên, còn với chị, niềm tin cuộc sống vẫn luôn ở phía trước.

Nỗi đau người mẹ

18 tuổi, chị Phùng Thị Hiển ở thôn Bắc Lãm, xã Phú Lương, TP Hà Đông, yêu anh Nguyễn Kim Cướng cùng làng nhưng hai người phải tạm xa nhau vì anh có lệnh nhập ngũ. Sau 6 năm chờ đợi, đến năm 1978, anh từ chiến trường trở về. Đám cưới của anh chị được tổ chức ngay sau đó. Năm 1979, chị sinh đứa con trai đầu lòng đặt tên là Nguyễn Kim Ơn. Đứa trẻ lớn lên bụ bẫm, khôi ngô nhưng lại bị khiếm thị.

Năm 1980, chị sinh thêm bé Nguyễn Thị Huyền. Bế đứa con còn đỏ hỏn từ tay cô y tá, bất giác chị nhìn vào đôi mắt của nó… giống hệt mắt Ơn. Chị òa khóc. Nhìn hai đứa con bụ bẫm, xinh xắn nhưng lại bị mù, đêm nào chị cũng khóc, khóc cho phận chị, khóc cho những đôi mắt không bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời. Nỗi đau đâm toạc trái tim chị.

Năm 1987, hy vọng về một mầm sống lành lặn, chị lại mang thai. Đứa bé Nguyễn Thị Xuân sinh ra lành lặn, dễ thương, niềm hạnh phúc tràn trên khuôn mặt vợ chồng chị. Cứ ngỡ vận hạn đã hết, năm sau chị sinh thêm một lần nữa cho Xuân có chị có em, nhưng rồi đôi mắt bé Sen vừa chào đời cũng bị khiếm thị. Nhìn cả bốn đứa con còn nhỏ dại, ba đứa lại bị mù, lòng chị quặn thắt. Chị lại gượng dậy, vượt lên nỗi đau để tiếp tục sống.

Con đi trường học, mẹ đi trường đời

"Con chỉ bị mù chứ trí óc vẫn minh mẫn, muốn thoát khỏi nghèo hèn và sự miệt thị người đời thì phải cho con học". Nghĩ thế, chị đi tìm trường cho con. Năm Ơn lên 10 tuổi, Huyền 9 tuổi, chị đưa hai anh em lên Trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) xin được vào học nội trú. Chị chắt bóp dành tiền, sắm sửa quần áo cho hai anh em.

Gửi Xuân, Sen lại cho cô em gái út, chị Hiển bỏ nghề giáo viên, bắt đầu cuộc đời mình với chiếc xe đạp trên mọi nẻo đường. Gánh hàng bán của chị là rổ rá, là những chiếc chổi nhựa quét đường. "Khi đó tôi chỉ mong có sức khỏe chứ không nghĩ gì khác. Sức khỏe để đi, sức khỏe để kiếm tiền. Một ngày không kiếm được 30 nghìn là tôi chưa về", chị nói. Dù đôi chân chị có phồng rộp lên vì đá sỏi, đôi vai chị có oằn xuống vì miếng cơm manh áo hằng ngày, nhưng cũng chưa làm chị đau bằng những lúc con bị ngã vì không nhìn thấy đường.

Anh Cướng sau khi đi bộ đội về, giấy tờ bị thất lạc nên mãi đến năm 2003 mới được hưởng chế độ. Anh đi phụ hồ kiếm thêm tiền nuôi con ăn học, rồi bị tai nạn gãy cột sống, về chạy xe ôm. Vợ chồng chị nai lưng làm nhưng cũng không đủ ăn. Chị chỉ biết cầu trời cho bệnh tật đừng gõ cửa những thành viên trong gia đình chị.

Hạnh phúc đã về

Trong căn nhà ngói ba gian ở thôn Bắc Lãm, chị Phùng Thị Hiển, người mẹ của ba đứa con mù, đưa cho chúng tôi xem những tấm ảnh ngày Ơn tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội. Tấm bằng loại giỏi Ơn mang về là món quà có ý nghĩa lớn nhất dành báo đáp công lao cha mẹ.

Ơn tốt nghiệp năm trước, năm sau, Huyền cũng ra trường với tấm bằng khá của Khoa Văn, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội. Còn Sen hiện giờ đang học năm thứ hai Nhạc viện Hà Nội, Khoa Đàn tranh.

Với thành tích nuôi ba con vào đại học, chị đã từng được Nhà nước,  Tỉnh ủy Hà Tây tuyên dương.

Nhìn các con học hành thành đạt, chị ấm lòng lại, nhưng trong tình yêu thương dành trọn cho các con ấy vẫn luôn canh cánh một nỗi lòng: mong cho các con có việc làm ổn định...

Phan Thành An
.
.
.