Nhọc nhằn những phận đời nữ lơ xe

Chủ Nhật, 09/03/2014, 12:59
Trên những chuyến xe khách ngày ngày lăn bánh trên đường thiên lý Bắc-Nam có không ít lơ xe (phụ xe) là phận “má hồng”. Và trong số ấy, nhiều chị em đã bất chấp sự nhọc nhằn, nguy hiểm lẫn bệnh tật... để chọn cuộc sống “lấy xe làm nhà”, làm kế mưu sinh cho gia đình.

Chúng tôi có mặt tại Bến xe Đông Hà (Quảng Trị) khi ngày 8-3 đã cận kề. Giữa đám đông ồn ào, náo nhiệt của bến xe tỉnh lẻ này, dường như không ai để ý đến những nữ lơ xe đang cố gắng thuyết phục những người khách khó tính lên xe mình để xe kịp giờ lăn bánh.

Vừa dìu một cụ ông trạc chừng 70 tuổi lên xe, “nữ lơ” Lê Thị Tuyết (45 tuổi), chủ xe Đức Tuyết chạy tuyến Đông Hà - Đà Nẵng, lấy khăn lau vội mồ hôi trên gương mặt phúc hậu, rồi trải lòng cùng tôi: “Làm nghề “ét” xe này vất vả lắm chú à, sớm hôm ăn ngủ trên xe, “dầm sương dãi nắng” đến bạc cả mặt nhưng tui vẫn không thể bỏ nghề được. Mình còn phải lo cuộc sống gia đình, lo cho con cái đến nơi, đến chốn...”. Theo chị Tuyết, làm lơ xe không khó nhưng cũng không hề dễ khi lơ xe phải là người có kinh nghiệm, từng trải, phải có sức chịu đựng và đặc biệt là phải biết cách ăn nói để mời khách, nhất là các tuyến xe đường dài dọc các tỉnh miền Trung vào Nam. “Nhiều người chỉ mới bước lên xe, ngửi mùi xăng dầu đã say xe; nhưng với chị em tụi tui thì khỏe lắm, có chạy thâu đêm suốt sáng cũng không sao. Chỉ sợ các con nhỏ ở nhà, thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ nên không chuyên tâm học hành thôi...”, lơ Tuyết còn cho hay.

Để hoàn thành “nghiệp lơ”, nhiều chị em đã phải đánh đổi rất nhiều thứ. Có dịp tâm sự với nữ lơ Bùi Thị Gái, chủ nhà xe Hồng Hoa chạy tuyến Đông Hà - bến xe Miền Đông mới thấu hiểu thêm sự vất vả, lẫn cực nhọc của những người phụ nữ theo nghề “ét xe”, sống cảnh đời “nay Nam, mai Bắc” như chị. Biết chồng mỗi lần cập bến thường “nướng” hết tiền vé dành để mua xăng dầu vào cờ bạc và các tệ nạn khác mà cánh tài xế hay mắc phải nên chị Gái phải giao lại việc buôn bán ở chợ thị xã Quảng Trị cho em ruột, rồi nhờ bà nội chăm sóc hai đứa con nhỏ để bươn chải theo nghiệp lơ để vừa bắt khách, lẫn giữ... chồng.

Nhờ bạo gan và tài ứng xử nhanh, chị Gái cùng khách đi xe đã rượt đuổi bắt được tên cướp giật và bàn giao cho lực lượng bảo vệ tại bến xe Miền Đông TP Hồ Chí Minh xử lý, khi đối tượng này ra tay giật chiếc túi xách của một hành khách vừa bước xuống bến xe. Không những có tài bắt cướp, chị Gái còn không ít lần ra tay nghĩa hiệp giúp người gặp hoàn cảnh khó khăn dọc đường Bắc - Nam. “Có lần, một người đàn ông trung niên bắt xe để vào TP Hồ Chí Minh thăm đứa con trai đang bị bệnh. Thế nhưng, vừa đi được nửa đường thì ông ấy nhận được tin mẹ già ở quê không may qua đời nên đành phải xin dừng xe để đón xe khác quay về, trong khi trong tay chỉ còn mấy chục ngàn đồng. Thương bác ấy, tui đã huy động mọi người trên xe góp chút ít để bác trai có tiền đón xe về quê…”, chị Gái nhớ lại.

Vì miếng cơm, manh áo; vì hạnh phúc gia đình, những nữ lơ xe đã bất chấp tất cả để trụ lại với nghề. Suốt ngày bám xe, bám đường nên không ít nữ lơ đã mắc các bệnh về hô hấp như viêm xoang, viêm phổi, thấp khớp, thoái hóa cột sống… nhưng với các chị, vẫn còn sức khỏe thì vẫn còn theo nghiệp để làm “nữ lơ”

Lê Anh
.
.
.