Kiểm soát chặt chẽ khâu đào tạo, tuyển dụng giáo viên mầm non

Thứ Bảy, 02/12/2017, 09:37
Theo một chuyên gia, nhiệm vụ chống bạo hành trong trường mầm non hiện nay không là trách nhiệm của riêng ai mà đòi hỏi có sự chung tay của mọi ban, ngành; trong đó, nhất thiết cần có nhiều giải pháp rốt ráo trong khâu tuyển dụng, đào tạo kĩ năng chuyên môn, nhất là đạo đức và cả pháp luật cho những giáo viên làm nghề nuôi dạy trẻ.

Vụ bạo hành trẻ của nhóm bảo mẫu thuộc cơ sở Mẫu giáo Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh) vẫn đang là vụ việc “nóng”, khiến dư luận phẫn nộ. 

Theo một chuyên gia, nhiệm vụ chống bạo hành trong trường mầm non hiện nay không là trách nhiệm của riêng ai mà đòi hỏi có sự chung tay của mọi ban, ngành; trong đó, nhất thiết cần có nhiều giải pháp rốt ráo trong khâu tuyển dụng, đào tạo kĩ năng chuyên môn, nhất là đạo đức và cả pháp luật cho những giáo viên làm nghề nuôi dạy trẻ. 

Đây cũng là một trong những ý kiến thống nhất được đưa ra tại buổi tọa đàm: "Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi?" được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 1-12.

Lòng như “xát muối” mỗi khi nhận tin trẻ bị bạo hành

Theo luật sư Nguyễn Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Bảo vệ quyền lợi trẻ em TP Hồ Chí Minh, Chi hội mới ra đời khoảng 3 năm nhưng tiếp nhận tới hàng trăm vụ rất đau lòng về nạn bạo hành trẻ mầm non (MN). Là người tiếp nhận nhiều vụ việc, bà cảm thấy lòng như "xát muối" trước việc nhiều đứa trẻ phải chịu đau đớn bởi nạn bạo hành. Bà Ngọc Nữ đề xuất phải có giải pháp "chặt tận gốc" nạn bạo hành trẻ MN bởi bạo hành MN ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của các em, đến cả cuộc đời một đứa trẻ khi lớn lên, trưởng thành.

Các đại biểu tham gia ý kiến trong buổi tọa đàm.

Theo các tài liệu được công bố tại tọa đàm, chưa hết năm 2017, cả nước có từ 3.000 – 4.000 vụ bị bạo hành, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, để lại nhiều di chứng do chấn thương tinh thần cho trẻ. 

Trong vụ bạo hành ở Mẫu giáo Mầm Xanh, khi trực tiếp đưa các cháu tới Bệnh viện Nhi đồng 2 khám kiểm tra cho thấy, các cháu có dấu hiệu hoảng sợ, ám ảnh. Thế nhưng khi góp ý với phụ huynh học sinh (PHHS) việc đưa con mình vào các trường công lập gửi thì phần lớn cha mẹ các bé đều than rằng do làm công nhân, đa số làm tăng ca. Buộc họ phải gửi vào trường MN tư thục, nhóm trẻ gia đình để có điều kiện nhờ các cơ sở trông con thêm giờ vào buổi tối. Nhiều vụ việc nghiêm trọng nhưng cha mẹ nói do không có thời gian khởi kiện nên rút đơn, do đó, Công an không có cơ sở để xác minh kỹ.

Vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh khiến dư luận rất bức xúc. Ảnh: CTV

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ kể, Chi hội từng tiếp nhận một trẻ (nam) bị bạo hành dã man không thể tưởng tượng là bị người giữ trẻ lấy dây thun "cột vào vùng kín" của bé. Qua cụ thể từng vụ việc cho thấy, gần  như những người vi phạm đều không được trang bị đầy đủ về nghiệp vụ sư phạm, do đó, nếu không thay đổi từ ngay từ khâu đào tạo, khâu tuyển dụng giáo viên MN, thì sẽ tiếp tục xảy ra những tình trạng đau lòng như Mẫu giáo Mầm Xanh. 

"Bức tranh u ám này của ngành Giáo dục cần phải được thay đổi càng nhanh càng tốt. Ngoài ra, sau vấn đề bạo hành bị phát hiện, vấn đề là, cơ quan chức năng có xử lý triệt để hay không, những nơi đào tạo giáo viên có chất lượng hay không, xã hội phải cùng vào cuộc, camera có thể gắn giám sát ở nơi dạy trẻ nhưng mọi người trong cộng đồng cũng phải là tai mắt, là camera để bảo vệ trẻ”, bà Nữ nói.

Trang bị thêm kĩ năng "quản lý cảm xúc"

TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng khoa Giáo dục MN, Trường Đại học Sài Gòn cho biết, nạn bạo hành thường xảy ra ở những nhóm trẻ và trường MN ngoài công lập, những người trực tiếp bạo hành trẻ thường chưa có bằng cấp giáo viên MN. Một trong những nguyên nhân cơ bản là người chăm sóc và giáo dục trẻ thiếu kỹ năng nghề và suy thoái đạo đức.

Cách đây 3 năm, khi một số vụ bạo hành trẻ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, ngay lập tức ngành đã bổ sung, lồng ghép các nội dung, kiến thức liên quan đến bạo hành trẻ MN vào các môn học. Thông qua đó, sinh viên Khoa Giáo dục MN nhận thức được những kiểu bạo hành khác nhau, hậu quả của bạo hành đối với trẻ, đối với bản thân, đối với xã hội, từ đó có thái độ lên án nạn bạo hành và góp phần kiểm soát hành vi bản thân. 

Việc kịp thời trang bị cho những giáo viên MN tương lai những kiến thức này cũng giống như việc trang bị cho các bạn theo nghề nuôi dạy trẻ những giải pháp kiềm chế, ứng đối phù hợp với áp lực của ngành. Hay nói cách khác là tạo "sức đề kháng" cho giáo viên MN, tránh tình trạng bạo hành học đường. Một điều cần nói là: "Nếu ai không có lòng yêu trẻ, tình thương và trách nhiệm với trẻ thì không nên theo nghề giáo viên MN".

Bà Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng, qua những vụ việc bạo hành trẻ MN cho thấy công tác đào tạo tại các trường MN có nhiều khiếm khuyết, bộc lộ nhiều thiếu sót đặc biệt là đào tạo cho các cô giáo MN giải quyết các tình huống cụ thể trong công việc chăm sóc trẻ. Việc thiếu kỹ năng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ của giáo viên MN có thể gây ra những nguy hại khôn lường, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Song, nếu thiếu kỹ năng, yếu kém còn có thể chấp nhận được, còn việc thiếu đạo đức nghề nghiệp khi chăm trẻ là không thể chấp nhận. Ngành Sư phạm MN cần phải thấy rằng, nếu một giáo viên MN mà không có tình yêu thương con trẻ, không dành tình thương và trách nhiệm thì cầm chắc rằng, khi làm việc trong môi trường nuôi dạy trẻ đầy áp lực, trước sau gì cũng sẽ gây ra bạo hành trẻ.

Bà Ngọc Nữ đưa ra con số ở Hà Nội hiện có 1.012 trường MN công lập, hơn 1.700 nhóm lớp giữ trẻ tư thục, với tổng số hơn 528.000 trẻ, trong đó 22% số trẻ học tại các cơ sở ngoài công lập, bao gồm các trường tư thục, dân lập và các nhóm lớp. Đây là mới nói ở đô thị, còn ở các vùng sâu vùng xa thì PHHS còn khó khăn nhiều hơn vì không có trường lớp MN công lập mà gửi. Sau rất nhiều vụ việc đau lòng như vụ việc ở Trường MN Sen vàng Hà Nội và bây giờ là vụ việc Mầm Xanh, cơ quan chức năng vào cuộc mới "tá hỏa" ra nhiều điều từ bảo mẫu.

Ông Nguyễn Văn Tính, đại diện Phòng Bảo vệ trẻ em - Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh đưa ra ý kiến đáng chú ý: "Chúng ta bàn thảo nhiều tới vấn đề chuyên môn, kĩ năng, áp lực của nghề nuôi dạy trẻ. Thế nhưng, thời gian qua, giáo viên MN hoàn toàn "trắng" kiến thức về pháp luật, nhất là Luật Trẻ em. Ngoài ra, các giáo viên MN nhất thiết phải được học về BLHS, trong đó những điều gì liên quan tới trẻ em như: tội hành hạ trẻ em, tội xâm hại trẻ em,... Giáo viên MN tương lai phải được học kĩ, để hành vi đối xử với trẻ sẽ đi đúng hướng. Nếu như cách đây không lâu, vụ việc bạo hành trẻ tương tự xảy ra tại phường 7, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh được xử nghiêm, tôi tin chắc rằng sẽ không có vụ việc đau lòng vừa qua".

Th.S Hoàng Hữu Lượng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn cho biết, Việt Nam đã ký Công ước về quyền trẻ em (có hiệu lực từ năm 1990). Điều đó khẳng định rằng đất nước ta đã quan tâm và ý thức việc bảo vệ trẻ từ rất sớm. Thế nhưng gần đây những vụ bạo hành trẻ mầm non có xu hướng gia tăng là một nỗi đau của toàn xã hội. 

“Chúng ta không chấp nhận bất cứ lí do nào biện minh cho việc hành hạ trẻ mầm non. Là một người làm trong nghề giáo, chúng tôi phản đối hành vi bạo hành dã man này. Chúng tôi tha thiết nói với những sinh viên của mình: Nếu đã chọn nghề giáo, xin hãy làm nghề bằng cái tâm và trái tim yêu trẻ. Bên cạnh đó, việc quản lí giáo dục, cho phép mở trường mầm non cần có quy định cụ thể và chặt chẽ hơn. Hai người bảo mẫu ở trường mầm non Mầm Xanh không được học gì về chuyên môn, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc như vậy", ThS Lượng nói.

Huyền Nga
.
.
.