Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC khuyến cáo an toàn tại các quán karaoke
- Hé lộ nguyên nhân vụ cháy quán Karaoke làm 13 người chết
- Bí thư Hà Nội nói về vụ cháy quán Karaoke làm 13 người chết
- Vụ cháy quán Karaoke làm 13 người chết: Sẽ khởi tố nếu có dấu hiệu tội phạm
- 12 nam, 1 nữ tử vong trong vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội7
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay cả nước có 23 vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke, gây thiệt hại 9,52 triệu đồng, làm 13 người chết, 2 người bị thương. Riêng trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 6 vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke. Đặc biệt, vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke 68, đường Trần Thái Tông (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) ngày 1-11, gây thiệt hại nặng về người và tài sản.
Cũng theo Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, đặc điểm nguy hiểm cháy nổ đối với các cơ sở kinh doanh karaoke là do các cơ sở kinh doanh karaoke thường được thiết kế rất kín để tránh tiếng ồn, mặt trước tòa nhà hầu như bị che chắn bởi các biển quảng cáo, điều kiện thông gió gần như không có nên khi xảy ra cháy sẽ gây ra hiện tượng tụ khói, gây khó khăn cho việc tổ chức cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy của cơ quan chức năng.
Trong các cơ sở này thường sử dụng các vật liệu trang trí nội thất, cách âm dễ cháy như mút, xốp, cao xu, phông rèm… khi có cháy tốc độ cháy lan rất nhanh, tỏa nhiều khói khí độc, nếu người trong quán không phát hiện sớm và thoát nhanh ra nơi an toàn sẽ nhiễm độc khói và gây tử vong.
Việc thay đổi công năng sử dụng từ nhà ở thành quán karaoke nhưng không chú ý đến các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC như: Không đảm bảo lối thoát nạn, không được trang bị phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn, nên không phát hiện được đám cháy sớm, không kịp thời cứu chữa gây cháy lan và cháy lớn.
Chủ cơ sở kinh doanh karaoke thiếu kiến thức PCCC hoặc không quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho chính cơ sở của họ và khách hàng.
Điều kiện an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke trước khi đưa vào hoạt động: Phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về PCCC theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ đó là: Có quy định, nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của cơ sở. Hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải đảm bảo an toàn PCCC. Chủ cơ sở và nhân viên phục vụ phải được tập huấn, huấn luyện về PCCC. Có phương án chữa cháy, thoát nạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp với từng khu vực sử dụng... |
Đối với chủ cơ sở kinh doanh karaoke, phải tuyệt đối tuân thủ, chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh ngành nghề có điều kiện, đặc biệt là quy định an toàn PCCC, trong đó lưu ý một số nội dung sau: Tổ chức cho nhân viên phục vụ tự tìm hiểu, học tập để có kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn khi có cháy xảy ra; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhân viên, khách hàng chấp hành quy định về an toàn PCCC.
Đồng thời tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt (nơi đun nấu, thờ cúng, đốt vàng mã…); lắp đặt và sử dụng an toàn hệ thống điện, thiết bị điện công suất cao (có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch).
Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ; phương án thoát nạn, di chuyển người bị nạn ra nơi an toàn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Đối với với người dân, nâng cao ý thức, tự tìm hiểu, học tập để trang bị, nâng cao kỹ năng, kiến thức cơ bản, phổ thông về PCCC và kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra tại nơi ở, nơi làm việc, nơi vui chơi giải trí.
Khi tham gia đến các nơi vui chơi, giải trí cần chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; không mang chất cháy, chất nổ đến những nơi này. Trước khi có hoạt động vui chơi cần quan sát kỹ các lối thoát nạn đề phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra thì xử lý được kịp thời và an toàn cho chính bản thân mình.