Khi những giấc mơ Việt thành hiện thực

Thứ Bảy, 06/10/2018, 18:05

Với khoảng 500 công trình nghiên cứu khoa học có mặt tại “Sự kiện trình diễn và kết nối cung-cầu công nghệ” (Techdemo) 2018 do Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức tại Cần Thơ những ngày qua, các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, đồng thời phá bỏ định kiến rằng các công trình khoa học của Việt Nam chỉ để “xếp trong ngăn kéo”!



Techdemo 2018 mang đến không khí hội ngộ đặc biệt, khi ở sự kiện KH&CN mang tầm quốc tế này có các công trình của các nhà khoa học tên tuổi ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam danh giá và cũng có cả kết quả nghiên cứu của các sinh viên còn rất trẻ. Cùng với các nhà khoa học ở các Viện, các trường đại học trong nước, là sự góp mặt của nhiều nhà khoa học Việt Nam sống ở nước ngoài. Nhưng điểm chung của các công trình khoa học đều là bám sát các yêu cầu nóng bỏng của cuộc sống trên nhiều lĩnh vực: y học, an toàn thực phẩm, nông - lâm nghiệp, thuỷ -hải sản, công nghiệp, công nghệ thông tin vv...

2 sinh viên Nguyễn Sỹ Thuý Vy và Nguyễn Khánh Thu bên hệ thống trồng rau sạch 

Tôi rất ấn tượng với thiết bị trồng rau sạch của 2 nữ sinh Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ là Nguyễn Sỹ Thuý Vy và Nguyễn Khánh Thu. Tuy ở 2 khoa khác nhau nhưng 2 cô gái 19 tuổi này lại chung niềm đam mê sáng tạo, nên đã cùng nghiên cứu chế tạo hệ thống này. Tôi hỏi thiết bị này có ưu thế gì với các mô hình trồng rau đã có, 2 bạn trẻ cho biết: “Thiết bị của bọn em ưu thế là không làm tủ nên có nhiều ánh sáng, lại có hệ thống đèn led giúp rau sinh trưởng được ở mọi nơi. Thiết kế nhỏ gọn, xinh xắn, giúp các gia đình vừa có rau ăn, vừa làm cảnh. Đặc biệt, giống rau trồng đều ở xứ lạnh nhưng bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp vẫn phát triển được ở xứ nóng.”

 Mỗi lứa cho thu hoạch khoảng 10kg, sẽ giải quyết được nhu cầu rau sạch cho các gia đình. Các bạn còn cho biết đang nghiên cứu để thiết bị này vừa trồng rau vừa nuôi cá!

PGS.TS. Phan Tiến Dũng-Phó trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ của Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam cho biết, Viện Hàn lâm mang đến Techdemo 2018 khoảng 70 sản phẩm do các nhà khoa học nghiên cứu, chế tạo. Một sản phẩm mà Viện vừa nghiên cứu thiết kế thành công ngay trước ngày khai mạc Tecdemo là thiết bị thu sương không sử dụng năng lượng. Đây không chỉ là sản phẩm mới của Viện mà còn là một trong số ít các sản phẩm được Bộ KHCN lựa chọn để giới thiệu thành tựu KH&CN tiêu biểu của Việt Nam.

TS. Hà Phương Thư bên thiết bị thu sương không sử dụng năng lượng do

 Bộ KH&CN trưng bày giới thiệu thành tựu khoa học Việt Nam.

Ông Dũng cho biết: Tình trạng thiếu nước sạch thường xuyên xảy ra trong mùa khô ở các tỉnh miền núi phía Bắc trở thành nỗi trăn trở của các nhà khoa học. Vì thế, nhóm nhà Khoa học gồm TS. Hà Phương Thư, TS. Nguyễn Xuân Trường, TS. Nguyễn Hồng Nam, Ths. Nguyễn Hoài Nam (Viện Khoa học Vật liệu) đã đầu tư nghiên cứu cách thu nước từ hơi sương để tạo được nguồn nước sạch. Thiết bị nhỏ gọn nhưng hiệu quả cao khi thu được khoảng 30 lít nước/ngày và đặc biệt là không dùng điện nên vừa tiết kiệm, vừa góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng đánh giá cao thiết bị thu sương khi góp phần giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân, đặc biệt có ý nghĩa với bà con vùng biên và bộ đội biên phòng, hải đảo, góp phần phát triển kinh tế -xã hội.

Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN còn khẳng định vai trò trong lĩnh vực y học với hàng loạt công trình nghiên cứu từ các cây thuốc truyền thống, chung tay trong cuộc chiến chống ung thư đang nóng trên toàn cầu: Lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã nghiên cứu, ứng dụng thành công kết quả đề tài cấp Nhà nước “Quy trình công nghệ làm thuốc hỗ trợ điều trị ung thư từ rong nâu Việt Nam vào sản xuất dược phẩm”, để chế tạo được sản phẩm chiết suất từ rong biển, giúp giảm nguy cơ ung bướu, tăng sức đề kháng cho người bệnh. Công trình này đã được nhận Giải thưởng Sáng tạo công nghệ và Giải thưởng Nhà nước.

TS. Lại Thị Kim Dung và các sản phẩm do bà nghiên cứu

Các nhà khoa học của Viện Khoa học Vật liệu lại nghiên cứu kết hợp rong biển với nghệ và tam thất, tạo ra bước đột phá khoa học khi chế tạo thành công Cumargold Kare, giúp người bệnh ung thư giảm tác dụng phụ, ngăn ngừa suy kiệt, chống chọi với căn bệnh đang khiến gần 100 ngàn người Việt Nam chết mỗi năm. Tác giả của công trình này đã được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017, Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 phụ nữ tiêu biểu của Việt Nam năm 2017 và là một trong 10 sự kiện KH&CN 2017.

Đặc biệt, nhiều nhà khoa học còn dành tâm sức cả đời giúp người dân khắc phục sâu bệnh vốn là nỗi ám ảnh của nhà nông. Một trong số đó là TS. Lại Thị Kim Dung (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam ở phía Nam) - người được mệnh danh là “nhà khoa học của nông dân” khi đã nhiều năm nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm đặc hiệu trừ nấm bệnh bằng công nghệ nano cho nông dân các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên. Sản phẩm Mifum O.6SL được được TS. Dung chế tạo từ nano bạc và vaccine thực vật Chitosan tan, là cứu cánh cho nông dân diệt trừ vi khuẩn, nấm bệnh, tuyến trùng trên các loại cây trồng.

TS. Nguyễn Thị Thúy Hường và các giống cây được nuôi cấy bằng mô

Ba kích là dược liệu có nhiều tác dụng: bổ trí não, tăng cường sinh lý, giảm huyết áp, khử phong thấp vv…nhưng gần đây có nguy cơ tận diệt vì bị khai thác quá mức. Trước tình hình này, TS. Nguyễn Thị Thúy Hướng (Viện Công nghệ sinh học) đã tìm ra lời giải bằng phương pháp nuôi cây mô để có được giống cây ba kích tím tối ưu được bộ rễ, có năng suất, chất lượng, sạch bệnh, có thể trồng trên diện tích rộng. TS. Hường còn cùng đồng nghiệp xây dựng được quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc cây nuôi cấy mô, góp phần biến những vùng rừng núi hoang thành vùng dược liệu cho thu hoạch cả tỷ đồng.


Thanh Hằng
.
.
.