Hoạt động tình nguyện: Những băn khoăn từ người trong cuộc

Thứ Hai, 11/07/2016, 18:20
Ngày 11/7, TP Hồ Chí Minh, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nội vụ, UBND TP Hồ Chí Minh có một buổi đối thoại với 300 thanh niên tình nguyện, cán bộ Đoàn trên địa bàn thành phố.


Trao đổi với các đại biểu, đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thẳng thắn thừa nhận, 15 năm triển khai phong trào thanh niên tình nguyện đã cho thấy hoạt động tình nguyện đã thực sự phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên Việt Nam.

Đại diện Trung ương Đoàn, Bộ Nội vụ, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đối thoại với 300 chiến sĩ tình nguyên tại TP Hồ Chí Minh.

Các phong trào tình nguyện vì cộng đồng và xã hội, đặc biệt vào những năm 2.000 đến 2015 đã thu hút hàng triệu thanh niên, được các cấp bộ đoàn phát động, triển khai thực hiện với rất nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, được cộng đồng, xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, về cơ bản, các hoạt động tình nguyện của thanh niên vì cộng đồng xã hội hiện nay chưa được các tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm, xác định đúng mục đích, ý nghĩa.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hồ Chí Minh, anh Giang Ngọc Phương cũng chia sẻ, từ quá trình nhiều năm gắn bó với các phong trào tình nguyện anh nhận thấy nhiều vấn đề cần điều chỉnh.

Cụ thể, để hoạt động tình nguyện có hiệu quả, chủ động và mang tính bền vững, hàng năm, từ cấp trung ương cần có chỉ đạo từ tháng 3, chính quyền địa phương chỉ đạo từ tháng 10 và trên cơ sở đó, thanh niên tình nguyện chủ động hơn trong các kế hoạch hoạt động, đầu tư cho các hoạt động tình nguyện.

Các công trình, phần việc được thực hiện trong mỗi mùa cần được đầu tư “dài hơi”, gắn với chuyên môn của chiến sĩ tình nguyện hơn. Phương thức tổ chức tình nguyện cũng không nên mang tính cầm tay chỉ việc mà là tạo cơ chế để hoạt động phù hợp.

Thực tế, đã có trường hợp, khi đưa sinh viên tình nguyện về địa phương, cô chú, anh chị là lãnh đạo địa phương giao việc như kiểu khoán trắng: đào vài trăm hố rác cho địa phương… Chưa kể, có đội tình nguyện chuẩn bị cơ sở vật chất, con người, chọn địa phương cần giúp để chuyển đến nhưng địa phương không hợp tác. Kết quả, đội phải tìm chuyển cho địa phương khác trong khi số vật chất đã chuẩn bị chưa hẳn thích hợp với địa phương này bằng địa phương khác, rất lãng phí tiền của lẫn công sức.

Chị Phùng Thị Diệu, Chủ tịch Hội sinh viên trường Đại học Kinh tế Luật cũng phản ánh, các sinh viên chuyên về khoa học xã hội nhưng có khi tham gia phong trào tình nguyện lại được bố trí làm việc lao động chân tay, không phù hợp với chuyên môn.

Hoạt động tình nguyện luôn thu hút đông đảo bạn trẻ mỗi mùa hè về.

Chị Quỳnh Anh, đại diện của một mạng lưới tình nguyện rộng khắp cả nước cho biết, mạng lưới này có khoảng 700 câu lạc bộ, tập hợp các nhóm hoạt động tình nguyện có chung sở thích, mong muốn. Tuy nhiên, tính chất hoạt động tình nguyện, thiện nguyện hay từ thiện không được phân định rạch ròi. Tình trạng khi đi làm thì cứ làm, cũng không biết nên liên hệ với ai, ai cho phép diễn ra khá thường xuyên. Những người tham gia hoạt động này thường mang tính tự nguyện, tự lực. Khi xảy ra sự cố trong chuyến đi, ngay lập tức dư luận cho rằng hoạt động tình nguyện mang tính tự phát, không an toàn. Nhưng mới đây, khi 3 sinh viên bị tai nạn thương tâm, dư luận ồn ào mới thấy, nguy cơ mất an toàn không chỉ riêng với các nhóm tình nguyện tự phát.

Đại diện trường Đại học Sư Phạm, chị Nguyễn Thị Yến Lan cũng cho rằng có những bất cập cần điều chỉnh: Phong trào tình nguyện diễn ra vào tháng 7 đồng nghĩa với sinh viên không học hè được. Cũng cần làm rõ hơn trách nhiệm của các ban ngành, chính quyền cơ sở các cấp trong quản lý và đảm bảo quyền lợi của người hoạt động tình nguyện.

Tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng chí Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ cũng cho biết, để các hoạt động tình nguyện đúng pháp luật và phục vụ cộng đồng tốt hơn thì vai trò  quản lý Nhà nước trong hoạt động tình nguyện nâng cao hơn, có phân định rạch ròi trách nhiệm của từng bộ, ban ngành liên quan và chính quyền cơ sở các cấp.

Hoạt động tình nguyện cũng sẽ được đưa vào Luật Thanh niên sửa đổi và được điều chỉnh, kiểm soát theo đúng các quy định của pháp luật…

N.Nguyễn
.
.
.