Chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng biển Quảng Trị còn thiếu tính khả thi

Thứ Sáu, 15/07/2016, 08:15
Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị và một số lãnh đạo cấp huyện đã đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ, ổn định cuộc sống người dân. Thế nhưng, lãnh đạo địa phương 16 xã, thị trấn và bà con ngư dân đều cho rằng, những giải pháp chuyển đổi sinh kế đều quá... xa rời thực tế. 

Mới đây, tại khu Resort Se Pon, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì Hội nghị “Bàn giải pháp chuyển đổi sinh kế cho nhân dân 16 xã, thị trấn vùng biển” của tỉnh bị ảnh hưởng trầm trọng bởi các chất thải độc hại của Formosa Hà Tĩnh khiến cá biển chết xảy ra thời gian qua. Tuy nhiên, các giải pháp được đưa ra chưa khớp với thực tế mà người dân ở những địa phương trên đang cần đến…

Tại hội nghị, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, thống kê tại tỉnh Quảng Trị có hơn 8.000 hộ dân của 102 thôn, khu phố, thuộc 16 xã, thị trấn 4 huyện ven biển bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả cá chết do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Nghề nghiệp chính của người dân ở các địa phương trên là khai thác hải sản, nuôi trồng, chế biến hoặc dịch vụ nghề cá.

Với lợi thế, 16 xã, thị trấn có hơn 4.600 héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần 1.000 héc-ta có thể quy hoạch, cải tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị cao; bên cạnh, còn có lợi thế có rừng chắn gió, chắn cát bay, cát nhảy, bảo vệ tốt việc sản xuất nông nghiệp, ông Hưng đưa ra các giải pháp, trước mắt hỗ trợ, ổn định cuộc sống người dân bằng cách phát triển các ngành nghề truyền thống như trồng trọt, chăn nuôi... 
Ngư dân vùng biển bãi ngang Quảng Trị đang phải úp thuyền, “đắp chiếu” nằm bờ.

Đồng thời, động viên bà con ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, khai thác thủy hải sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

Từ nay đến năm 2020 chuyển đổi 50% tàu thuyền khai thác công suất từ dưới 20CV đến dưới 90CV lên công suất trên 90CV và đóng mới 100 tàu cá có công suất 90CV trở lên, đảm bảo cho việc khai thác trung bờ và xa bờ. Bên cạnh, khôi phục và chuyển đổi nghề khai thác cá đáy, phát triển sinh kế thay thế một cách ổn định cho ngư dân vùng biển...

Cùng quan điểm với ông Hưng, ông Trương Chí Trung, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh và bà Nguyễn Triều Thương, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong nhấn mạnh giải pháp cần thiết cải hoán, nâng cấp tàu cá có công suất nhỏ lên công suất lớn hơn để đánh bắt ở trung bờ và xa bờ; đề nghị Chính phủ, bên cạnh hỗ trợ bà con ngư dân vay nguồn vốn ưu đãi đóng mới tàu thuyền trên 400CV, xem xét hỗ trợ cho bà con vay nguồn vốn ưu đãi này đóng mới tàu dưới 400CV trở xuống, nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề biển...

Thế nhưng, lãnh đạo địa phương 16 xã, thị trấn và bà con ngư dân đều cho rằng, những giải pháp chuyển đổi sinh kế kể trên đều quá... xa rời thực tế. Bởi lẽ, nói tới biển bãi ngang là nói ngay tới việc tàu thuyền lớn không thể vào bờ.

Bao đời nay vì thế, sinh kế của bà con ngư dân ở đây chỉ biết dựa vào việc đánh bắt con cá, con tôm ở gần bờ. Trong trường hợp hoán cải, nâng cấp, hoặc đóng mới tàu cá lên công suất lớn, để đánh bắt trung và xa bờ, thì số tàu thuyền này sẽ vào ra, neo đậu ở đâu?.

Một giải pháp nữa được coi là mơ hồ và “có vấn đề”, đó là số tiền được bồi thường, dự kiến sử dụng vào các việc làm cụ thể như tái tạo nguồn lợi thủy sản 200 tỷ đồng, khắc phục ô nhiễm môi trường 400 tỷ đồng, chuyển đổi sinh kế cho người dân 200 tỷ đồng, tăng cường năng lực sản xuất (hỗ trợ lãi suất) 100 tỷ đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, bao gồm cơ sở hạ tầng thủy sản, hạ tầng thủy lợi tới… 1.100 tỷ đồng (!?).

Một cán bộ lãnh đạo địa phương xã biển bãi ngang ở Quảng Trị (xin được giấu tên) bức xúc, nói: “Sau khi Formosa Hà Tĩnh xả thải các chất độc làm cá biển ở 4 tỉnh miền Trung chết trắng, bà con ngư dân ở Quảng Trị là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và rất nặng nề. Đến nay qua gần 3 tháng, vùng biển cách bờ chừng 20 hải lý trở lại phải bỏ không vì không còn cá, tôm sinh sống.

Theo nhận định của các nhà khoa học, hàng chục năm sau, môi trường vùng biển của 4 tỉnh Bắc miền Trung mới có thể phục hồi. Vậy nên, việc chuyển đổi sinh kế cho người dân nhất thiết phải căn cứ vào tình hình thực tế, vào những khó khăn và điều kiện có thể phát triển sản xuất của họ, để từ đó có các giải pháp phù hợp, sử dụng đồng tiền đền bù đúng mục đích và minh bạch… 

Tôi không hiểu cơ sở nào để lãnh đạo đầu ngành nông nghiệp ở địa phương đề xuất dự kiến sử dụng chỉ 200 tỷ đồng cho việc chuyển đổi sinh kế, nhưng lại tới 1.100 tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi hạ tầng nào phục vụ trực tiếp cho sinh kế người dân thì còn rất mơ hồ, chưa biết”(?!)…

Trao đổi vấn đề trên, ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận: Hội nghị “Bàn giải pháp chuyển đổi sinh kế cho nhân dân 16 xã, thị trấn vùng biển” của tỉnh Quảng Trị, mới chỉ là việc đề cập tới những thiệt hại đền bù, chứ thực sự chưa phải giải pháp chuyển đổi sinh kế cho nhân dân. Bởi lẽ, việc làm này không hề đơn giản, chí ít trước mắt lãnh đạo các địa phương bị thiệt hại cần có sự thống kê rõ ràng về số lượng lao động cần được chuyển đổi nghề, hay hỗ trợ phát triển sản xuất một lĩnh vực nào đó; rồi tiềm năng lợi thế, khả năng sản xuất cụ thể của từng hộ, của từng địa phương là gì; chẳng hạn ở đó có bao nhiêu hộ mong muốn được hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò; bao nhiêu hộ xây dựng trang trại nuôi heo; bao nhiêu hộ trồng cây nông nghiệp và trồng loại cây gì… Có như vậy mới bàn tính, thảo luận được các giải pháp giúp bà con vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và phát triển sản xuất một cách bền vững…
Phan Thanh Bình
.
.
.