Nhiều giải pháp, cách làm hay hỗ trợ ngư dân vùng biển

Thứ Năm, 16/06/2016, 09:17
Trong số các tỉnh miền Trung bị cá biển chết, Quảng Bình là tỉnh bị thiệt hại lớn nhất, bởi bờ biển dài, dân số đông, sống bám vào nghề biển. Là tỉnh trọng điểm về nghề cá, Quảng Bình có gần 4.000 tàu cá, trong đó có hơn 2.700 tàu dưới 90CV, khai thác gần bờ. 

Số lao động trực tiếp trên các tàu cá trên 15.000 người, số lao động tham gia dịch vụ nghề cá trên 45.000 người. Ngay sau khi xuất hiện hiện tượng cá chết, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đều cắt cử về các xã vùng biển để phổ biển tuyên truyền các chủ trương của bộ, ngành trung ương đến với mỗi người dân. 

Quan trọng hơn, các cán bộ tỉnh, huyện luôn bám sát địa bàn lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân để báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy tìm cách giải quyết, tháo gỡ khó khăn giúp đỡ ngư dân. 

Nhờ sâu sát với bà con ngư dân nên lãnh đạo tỉnh Quảng Bình sớm nhận định: Đa số người dân vùng biển không có thói quen tích trữ lương thực dự phòng nên nếu không ra khơi đánh bắt thì sẽ bị thiếu đói. Không chỉ ngư dân mà nhiều hộ nuôi trồng thủy sản, làm muối, kinh doanh dịch vụ du lịch, hậu cần nghề cá cũng bị ảnh hưởng nặng nề. 

Từ nhận định đó, tỉnh lập tức đưa ra chủ trương hỗ trợ trước mắt cho ngư dân với cam kết không để hộ dân nào bị đói. 

Tại cuộc họp ngày 26-4-2016, ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương “Trong lúc chờ sự hỗ trợ từ Trung ương, trước mắt tỉnh sẽ trích 500 tấn gạo hỗ trợ ngư dân, các hộ làm muối, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng với mức hỗ trợ 10kg/khẩu và giao cho UBND các xã phân bổ đảm bảo khách quan, công bằng”. 

Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thăm hỏi, tặng quà ngư dân.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Hoài cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, ngăn chặn ngư dân đánh bắt ven bờ, khuyến khích đánh bắt ở các vùng biển xa; vệ sinh môi trường, thu gom, tiêu hủy cá, hải sản chết; làm tốt công tác tuyên truyền, ổn định tâm lí người dân; huy động các tổ chức quan tâm, phát động phong trào "lá lành đùm lá rách", chung tay giúp đỡ ngư dân vượt qua khó khăn. 

Tiếp đó, UBND tỉnh Quảng Bình quyết định tạm ứng ngân sách hơn 2,6 tỷ đồng để hỗ trợ cho 2.699 tàu cá của ngư dân, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tàu. Bên cạnh sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, tỉnh Quảng Bình còn phát động các sở, ban, ngành, địa phương mỗi đơn vị gắn với một xã, làng, xóm có ngư dân để giúp đỡ bà con. 

Ngay sau đó, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã kịp thời phân bổ 500 triệu đồng từ quỹ cứu trợ để hỗ trợ cho bà con ngư dân gặp khó khăn, với mức 300 ngàn đồng/suất. Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 430 triệu đồng; Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ 460 suất quà trị giá 208 triệu đồng; 

Hội Nông dân tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng cho 141 hộ ngư dân các xã ven biển trị giá trên 64 triệu đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ 152 suất quà trị giá trên 84 triệu đồng; Tỉnh đoàn trao tặng 1.000 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng (cho bà con ngư dân các xã Quang Xuân, Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), phường Quảng Thọ, Quảng Phúc, Quảng Thuận và xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn); 

Trung ương giáo Hội phật giáo Việt Nam tặng 1.000 suất với tổng trị giá 500 triệu cho bà con ngư dân hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy; Hội Thánh quốc tế Đà Nẵng hỗ trợ 685 suất quà mỗi suất trị giá gần 300 ngàn đồng cho bà con vùng biển xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Công ty Bia Carlsbert Việt Nam - Huda Huế ủng hộ 5.000 suất quà, mỗi suất trị giá 400 ngàn đồng…

Chúng tôi về xã Hải Ninh, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Liệu bắt tay tôi trong tiếng thở dài, bởi xã bãi ngang này có 1.400 hộ với hơn 90% làm nghề biển nhưng cả xã chỉ có 1 tàu đánh bắt xa bờ, thuyền khơi 8 chiếc nhưng lại có đến 599 thuyền đánh bắt gần bờ. 

Bà con ngư dân vùng biển Quảng Bình chấp hành tốt chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là không đánh bắt trong vòng 20 hải lý. Nhưng thuyền của ngư dân chủ yếu loại nhỏ, không đánh bắt gần bờ có nghĩa là tàu thuyền gối bãi. Sự giúp đỡ của tỉnh, của các cấp, ngành cũng có giới hạn, mà ngư dân lại chẳng có việc gì làm. 

Vì vậy đi tìm một giải pháp căn cơ giúp đỡ cho ngư dân nơi đây là việc cần làm. Nhiều ngư dân cũng như cán bộ cơ sở cho rằng, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội nên phối hợp với các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do cá chết, có chính sách hỗ trợ vốn, hoặc làm việc với các ngân hàng cho ngư dân vay vốn đi xuất khẩu lao động (như chính sách hỗ trợ các huyện nghèo 30a) là một cách giúp đỡ ngư dân giải quyết bài toán việc làm. 

Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách cụ thể đào tạo nghề cho số thanh niên đến tuổi lao động ở các xã ven biển, giới thiệu việc làm cho họ. Đối với con em các xã ven biển bị ảnh hưởng nặng nề do cá chết, ngành giáo dục cần có chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí để tạo điều kiện cho các em đến trường khi năm học mới bắt đầu...

Sông Lam-M.Huyền
.
.
.