Đèn Trung thu truyền thống hút hàng
- Đưa lễ hội đèn lồng lớn nhất Đông Nam Á đến Việt Nam
- Đèn lồng phố cổ Hội An mùa Trung thu
- Vẻ đẹp huyền ảo của ‘Con đường đèn lồng dài nhất Việt Nam’
Chị Nguyễn Thị Tươi, chủ cửa hàng chuyên cung cấp sỉ và lẻ lồng đèn trên đường Lạc Long Quân (phường 5, quận 11, TP Hồ Chí Minh) cho biết, chị bắt đầu nhập hàng từ đầu tháng 5 âm lịch, đến giữa tháng 6 âm lịch thì chuyển hàng cho các cửa hàng đã đặt trước ở khắp cả nước.
Năm nay lồng đèn hình động vật và ngôi sao xếp lại được nên dễ vận chuyển, tiền cước vận chuyển rẻ hơn, mặc dù giá tăng hơn năm ngoái mỗi cái khoảng từ 1.000 – 2.000 đồng/chiếc (giá sỉ) nhưng vẫn hút hàng.
Vài năm trở lại đây, các trường học mua lồng đèn chưa trang trí để về cho học sinh mẫu giáo, THCS tự trang trí, chị Tươi vui vẻ cho biết.
Khoảng hai năm nay, nhiều cửa hàng ở Hà Nội đặt hàng truyền thống của chị với số lượng lớn cùng với nhiều tỉnh, thành trong cả nước nên ngoài 2 mẹ con chị trực tiếp bán, chị phải thuê thêm 4 nhân viên bán phụ mới kịp.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hưng ở cư xá Phú Bình đang làm lồng đèn truyền thống. |
Ông Bình chuyên bán lồng đèn ở Phú Bình, phường 5, quận 11 cho biết, đến nay ông đã bán lồng đèn được 30 năm.
“Trước đây, lồng đèn truyền thống bán được nhiều, nhưng từ khi có đèn Trung Quốc ồ ạt với mẫu mã đẹp mắt đã làm ảnh hưởng nhiều đến đèn truyền thống. Tuy nhiên, vài năm gần đây, hàng Trung Quốc bán không được bao nhiêu, giá lại cao nên tôi chủ yếu bán hàng truyền thống làm thủ công bằng tay và hàng của các công ty ở Việt Nam, mẫu mã được cải tiến đẹp mắt, giá cả lại rẻ. Hiện người làm lồng đèn truyền thống đã có sự đổi mới, nắm bắt được nhu cầu thị hiếu để cải tiến mẫu mã cho phù hợp, điều này rất đáng mừng”, ông Bình tâm sự.
Chủ các cửa hàng cho biết, giá bán lồng đèn trong nước năm nay tăng so với năm ngoái từ 5.000 - 10.000 đồng/chiếc. Theo ghi nhận, hầu hết cửa hàng tại phố lồng đèn ở quận 5 đều treo các sản phẩm lồng đèn khung tre, dán giấy bóng kính với đầy đủ màu sắc, kích thước và hình dáng như ngôi sao, cá vàng, bươm bướm, thuyền buồm, gà trống, ngựa,... Nhiều người lớn chọn mua lồng đèn truyền thống có gắn đèn LED cho con thay vì lồng đèn có pin và nhạc, vì muốn con trẻ biết về văn hóa truyền thống của ngày Tết Trung thu hơn.
Đến cư xá Phú Bình, phường 5, quận 11, chúng tôi thấy quán bún bò Huế của gia đình Nguyễn Văn Hưng không bán, thay vào đấy là hình ảnh cả gia đình anh đang miệt mài làm lồng đèn. Không khí rất nhộn nhịp. Gia đình anh chỉ tập trung làm một loại là hình ngôi sao theo đơn đặt hàng của các đại lý, cửa hàng, trường học và nhà chùa. Vào mùa Trung thu năm nay nhiều nơi đặt hàng nên anh tạm nghỉ bán ăn sáng để tập trung làm đèn lồng cho kịp.
“Mấy năm trước, lồng đèn Trung Quốc tràn ngập, hàng truyền thống khó bán ngoài thị trường, chúng tôi làm chủ yếu theo đơn đặt hàng của các nhà thờ, nhà chùa, các tổ chức làm từ thiện đi tặng quà cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo ở vùng nông thôn, tôi cũng đi chung. Nhìn thấy các bé cầm chiếc đèn lồng do chính mình làm ra vui Tết Trung thu, tôi thấy rất vui. Còn năm nay không có sức mà làm, làm đến đâu hết đến đấy, cứ như năm nay thì sống được”, anh Hưng vui vẻ nói.
Theo anh Hưng, nghề này là nghề từ ông bà nội anh truyền lại, trước đây 8 anh em trong gia đình đều làm nghề, nhưng từ khi đèn Trung Quốc tràn ngập, để đảm bảo cuộc sống gia đình, một số anh em nghỉ làm lồng đèn để đi làm việc khác, hiện còn 4 người làm.
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyền ở cư xá Phú Bình (quận 5) cho biết, nghề làm lồng đèn được truyền từ đời cha mẹ của bà. Năm 12 tuổi bà đã biết làm lồng đèn, năm nay bà đã 70 tuổi, như vậy bà đã làm nghề này 60 năm.
“Tay chân tôi bây giờ cũng yếu rồi nên không làm được, chứ trước đây năm nào tôi cũng làm lồng đèn. Nghề làm lồng đèn thì không ai làm giàu được nên nhiều người đã bỏ nghề đi làm việc khác, đây là nghề truyền thống nên gia đình tôi vẫn làm. Nhìn thấy mấy đứa trẻ trong xóm cầm lồng đèn đi chơi Tết Trung thu, trong lòng tôi thấy rất vui”, bà Tuyền tâm sự.
Nghề làm lồng đèn đòi hỏi nhiều công đoạn mà không mang lại nhiều lợi nhuận. Trong khi đó, hoạt động sản xuất và bán lồng đèn chỉ nhộn nhịp trong một tháng mùa Trung thu, nhưng người dân nơi đây vẫn giữ nghề, vì đam mê và không đành để thất truyền một nghề thủ công mà ông cha đã gầy dựng, gìn giữ suốt thời gian dài.