Chế tạo thành công máy sản xuất đá tuyết từ nước biển

Thứ Sáu, 23/11/2018, 19:35

Ngày 23-11, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã công bố chế tạo thành công máy sản xuất đá tuyết từ nước biển để phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ. Sản phẩm này có giá trị đặc biệt quan trọng giúp ngành thủy sản giải quyết được thiệt hại mỗi năm trên 14.000 tỷ đồng do 700.000 tấn hải sản hư hỏng.



 Ông Nguyễn Văn Thao, Tổng giám đốc Trung tâm phát triển Công nghệ cao (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết: Sản lượng thủy sản của nước ta hiện khoảng 6,56 triệu tấn, trong đó khai thác 3,03 triệu tấn, nhưng tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch rất lớn chiếm tới 20-30%, do công nghệ bảo quản hải sản khi khai thác xa bờ còn yếu. Vì thế, giảm thất thoát là bài toán được xác định ưu tiên hàng đầu của ngành thủy sản.

Ths. Lê Văn Luân, tác giả của công trình nói: Trước yêu cầu thực tế, anh và các cộng sự đã bắt tay vào nghiên cứu để chế tạo chiếc máy có thể giúp ngư dân bảo quản được hải sản. Muốn vậy, máy này phải khắc phục được những điểm yếu của phương pháp truyền thống. 

Lâu nay, bà con ngư dân vẫn bảo quản thủy sản khai thác được bằng đá xay, mang theo từ đất liền lên tàu. Nhiệt độ làm lạnh bằng đá nước ngọt theo phương pháp truyền thống thường không cao và không thể điều chỉnh, lại không đồng đều trong khoang lạnh; tốc độ làm lạnh chậm, ảnh hưởng đến chất lượng hải sản. 

TS. Lê Văn Luân bên chiếc máy sản xuất đá tuyết từ nước biển

Đá xay có cạnh rất sắc nên thường làm hải sản bị trầy xước, biến dạng do bị cọ xát, chèn ép làm giảm chất lượng của sản phẩm. Hơn nữa, nguồn nước làm đá thường gần cảng biển, không được kiểm soát chất lượng, hay bị nhiễm phèn, ảnh hưởng đến chất lượng của thủy sản khai thác được. Một vấn đề nữa của phương pháp truyền thống là tàu cá phải mang theo một lượng đá lớn làm sẵn cho mỗi chuyến đi biển tối thiểu cũng một tháng, sẽ làm tăng chi phí xăng dầu và vận hành, tổn hao rất lớn do đá tan chảy trong quá trình vận chuyển.

Ở một số nước đã có máy làm đá tuyết nhưng giá thành rất đắt nên bà con ngư dân không thể sử dụng được. Vì thế, bài toán cho các nhà KH Việt Nam là phải nghiên cứu chế tạo được chiếc máy giá thành phù hợp, hiệu quả cao. Đây là thách thức không nhỏ đối với nhóm nghiên cứu.

Ths. Lê Văn Luân chia sẻ: Nhóm nghiên cứu đã mất 3 năm để nghiên cứu và thử nghiệm, trong đó, riêng thử nghiệm đã mất gần 2 năm. Trong thời gian ấy, các nhà KH đã phải “ba cùng” với bà con ngư dân trên biển nhiều tháng ròng, để tìm hiểu xem nhu cầu họ thực sự cần là gì, cũng như các vấn đề họ thường gặp phải trong việc bảo quản hải sản trên biến. 

Hơn một năm nghiên cứu chế tạo, gần 2 năm thử nghiệm trong các điều kiện ngặt nghèo của môi trường nước biển, cuối cùng, chiếc máy làm đá tuyết từ nước biển đã ra đời và được Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản.

Ký kết để đưa kết quả nghiên cứu vào thực tế phục vụ bà con ngư dân

Đây là sản phẩm đầu tiên được sản xuất trong nước từ khâu nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm thực tế trên tàu cá. Các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ được công nghệ chế tạo buồng tạo đá tuyết hoạt động ổn định với các tính năng phù hợp với điều kiện thực tế của tàu cá Việt Nam. 

Máy còn có chức năng ghi và hiển thị thời gian máy chạy, sản lượng đá, lượng tiêu thụ nhiên liệu của máy trong mỗi chuyến đi biển, giúp chủ tàu có thể kiểm tra và theo dõi một cách dễ dàng; hiển thị, thông báo, nhắc nhở thời điểm cẩn bảo dưỡng máy, giúp tăng độ bền, đảm bảo tính ổn định trong mỗi chuyến đi biển.

Máy còn mang tính sáng tạo với việc sản xuất đá tuyết được tích hợp bộ điều khiển trung tâm với các chức năng bảo vệ và giám sát hoạt động của hệ thống nhằm tăng tính ổn và kéo dài tuổi thọ của thiết bị. Ngư dân có thể sử dụng dễ dàng trong việc lựa chọn và điều chỉnh độ đậm đặc của sản phẩm đá tuyết % hoặc theo nhiệt độ xác định. Khi khởi động hệ thống, các thiết bị, động cơ được bật tắt theo khoảng thời gian trễ khác nhau để giảm dòng khởi động của hệ thống.

Ths. Lê Văn Luân còn cho biết, nhằm giảm giá thành sản phẩm, những máy không có màn hình hiển thị thông tin thì người sử dụng hoàn toàn có thể dùng điện thoại thông minh kết nối không dây để đọc các thông tin của máy như: Sản lượng đá, lượng dầu tiêu hao, thời gian máy chạy, thông tin về bảo dưỡng... khi tàu cập cảng sau mỗi chuyến đi biển.

Việc sử dụng đá tuyết để bảo quản hải sản làm tăng chất lượng của hải sản, giảm thiểu lượng hải sản bị hư hỏng, hủy bỏ, góp phần bảo vệ môi trường được tốt hơn; Nâng cao chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản cá trên tàu nhờ nhiệt độ bảo quản thấp hơn đá nước ngọt, tốc độ làm lạnh hải sản nhanh hơn.

Bên cạnh đó, máy này còn làm giảm tổn thất, tăng chất lượng hải sản góp phần rất lớn trong khai thác và nâng cao giá trị nguồn lợi thủy sản.

Sản phẩm máy sản xuất đá tuyết của đề tại hiện có năng suất 1250kg/24h, tuy nhiên do nhu cầu thực tế trên các tàu cá, mỗi chuyến đi biển cần một lượng đá bảo quản lên tới 50-60 tấn, việc này cần phải có những máy có năng suất lớn hơn, tương ứng khoảng 5000kg/24h.

Chính vì vậy các nhà khoa học tại Trung tâm Phát triển công nghệ cao đang tiếp tục thực hiện một nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước để nghiên cứu và sản xuất máy làm đá tuyết với công suất lên đến 10 tấn/24h cùng với việc phân tích và xây dựng một quy trình sơ chế và bảo quản cá ngừ đại dương chất lượng cao bằng đá tuyết nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe vào các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, EU....


Thanh Hằng
.
.
.