Hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ:

Hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ: Nhiều bất cập cần tháo gỡ

Thứ Năm, 11/06/2015, 10:38
Nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân, hỗ trợ ngư dân bám biển dài ngày và nâng cao hiệu quả khai thác thủy hải sản trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, tháng 6/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phân bổ 4.500 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, đến nay, báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy việc thực hiện vẫn còn rất nhiều vướng mắc, trong đó các “căn bệnh” kinh niên, như đầu tư dàn trải, thủ tục rườm rà vẫn là lực cản chính.
Mới có 31 tàu ký được hợp đồng vay vốn đóng mới, nâng cấp

Từ năm 2010 đến nay, đã đầu tư hơn 1.867 tỷ đồng xây dựng, cải tạo 19 cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, trong đó có 6 cảng cá, bến cá loại I và 16 khu neo đậu, tránh trú bão cấp vùng. Tuy nhiên, qua khảo sát ở nhiều địa phương cho thấy, việc đầu tư còn chậm, thiếu đồng bộ, thường phải kéo dài nhiều năm, hiệu quả không cao.

Đơn cử cảng cá Lạch Vạn (Nghệ An) đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng cửa Lạch Vạn lại chưa được khơi thông thường xuyên, nên tàu thuyền ra, vào rất khó khăn, nhất là đối với tàu có công suất >90 CV; cảng cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ (Quảng Ngãi), vốn đầu tư 107 tỷ đồng, nhưng đầu tư kéo dài đến nay đã 6 năm vẫn chưa hoàn thành; Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn với tổng số vốn đầu tư 401 tỷ đồng, sau 3 năm mới đầu tư 98,2 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá chủ yếu vẫn do tư nhân đầu tư kinh doanh, dẫn đến tình trạng tư thương ép giá…

Về hỗ trợ đóng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, theo báo cáo của Bộ NN & PTN đến nay đã có 23/28 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới 628 tàu, trong đó có 267 tàu vỏ thép; 44 tàu vật liệu mới; 317 tàu vỏ gỗ.

Trong số này, các Ngân hàng đã nhận được 157 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu, trong đó mới chỉ có 31 tàu đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp với tổng số tiền cho vay là 271,01 tỷ đồng; thời  hạn cho vay 11 năm. Đã cho vay vốn lưu động cho các chuyến biển đối với 68 khách hàng tại các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Tiền Giang, Phú Yên với số tiền gần 22 tỷ đồng; dư nợ đạt 18,2 tỷ đồng. Báo cáo giám sát đã nhận định (và cũng dễ dàng để nhận thấy) nhu cầu vay vốn rất lớn, nhưng việc giải ngân còn chậm.

Tàu vỏ gỗ vẫn quen thuộc hơn với tập quán đánh bắt của ngư dân nhiều địa phương.

Đến nay một số địa phương vẫn chưa có chủ tàu được phê duyệt vay vốn, như: Hải Phòng, Ninh Bình, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh. Tỷ lệ tàu và ngư lưới cụ tham gia bảo hiểm cũng đạt tỷ lệ cực thấp: 6,4%, do để được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm, chủ tàu phải tham gia tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản; nhưng công tác hướng dẫn, thành lập tổ đội, hợp tác xã ở địa phương còn chậm; thủ tục còn rườm rà.

Tháo gỡ về quy định và thủ tục bất cập

Qua giám sát cho thấy việc tổ chức hướng dẫn ngư dân tham gia thành lập tổ đội sản xuất còn nhiều hạn chế; tỷ lệ không cao; tính liên kết giữa các thành viên trong tổ đội chưa chặt chẽ, chủ yếu là sự tự nguyện tham gia của ngư dân; Nhà nước cũng chưa có chính sách hỗ trợ các tổ đội và ở một số nơi đến nay vẫn chưa có tổ đội sản xuất nào được hình thành.

Về đào tạo nhân lực, trên cả nước có khoảng 86.540 ngư dân đã qua đào tạo. Tuy vậy, số lượng này còn ít so với số lao động làm nghề khai thác hải sản; các lớp đào tạo chủ yếu là bồi dưỡng, bổ túc kiến thức cho những người đã là thuyền trưởng, máy trưởng; còn nhiều thuyền viên làm việc trên tàu cá chưa được đào tạo nghề do trình độ văn hóa thấp nên việc sử dụng các trang thiết bị hàng hải hiện đại, các mô hình công nghệ mới thường gặp khó khăn.

Tồn tại, hạn chế được xác định vẫn là đầu tư cơ sở hạ tầng chưa kịp thời, dàn trải, thiếu đồng bộ. Công tác tổ chức sản xuất chưa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; việc bảo quản sản phẩm chưa được coi trọng, vẫn còn theo phương thức thủ công; tình trạng được mùa, mất giá trong khai thác hải sản vẫn còn xảy ra; lợi nhuận từ khai thác hải sản chưa được phân chia công bằng giữa những người trực tiếp khai thác và trung gian tiêu thụ sản phẩm, vẫn còn tình trạng tư thương ép giá.

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật về hỗ trợ đóng tàu công suất lớn còn chưa phù hợp như: qui định về nâng cấp tàu cá phải thay máy mới có công suất 400CV trở lên mới được hỗ trợ lãi suất vay, trong khi nhiều ngư dân đã có tàu công suất này, muốn vay vốn để gia cố vỏ tàu, nâng cấp hầm bảo quản hoặc mua sắm thiết bị khai thác... thì không được; chưa hỗ trợ đối với vật liệu mới; việc đáp ứng các điều kiện vay vốn khó khăn, thủ tục rườm rà; 21 thiết kế mẫu đã được công bố chưa phù hợp với ngư trường, tập quán đánh bắt của ngư dân...

Trong phát biểu mới nhất trước Quốc hội ngày 8/6, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết đã tháo gỡ nhiều khó khăn về điều kiện và thủ tục vay vốn, giúp ngư dân có nhiều hi vọng hơn trong tiếp cận các hỗ trợ của Chính phủ.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Chính phủ đã ưu tiên bố trí vốn hàng năm, từ 2015 - 2020 tối thiểu gấp 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2014 xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão để bảo đảm đẩy nhanh và hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án; tập trung ưu tiên xây dựng, nâng cấp công trình tại các đảo như Lý Sơn, Phú Quý, Cô Tô, Cồn Cỏ... và một số tỉnh duyên hải Nam Trung bộ; bố trí vốn đầu tư xây các trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm.

Vũ Hân
.
.
.