Cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Trị
- Bến Tre xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi
- Lâm Đồng phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên
- Ổ dịch tả lợn châu Phi “khủng” xuất hiện tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai
Theo báo cáo, tại Quảng Trị, ổ dịch đầu tiên xuất hiện ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng vào ngày 27-3-2019, sau đó lần lượt xảy ra trên địa bàn TP Đông Hà, huyện Gio Linh, Hướng Hóa, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh dịch này đã xảy ra trên đàn lợn của 1.475 hộ chăn nuôi tại 162 thôn, bản của 50 xã, phường, thị trấn và đã có 7.591 con lợn buộc phải tiêu hủy.
Quảng Trị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. |
Ngay sau xảy ra bệnh dịch trên, các chốt kiểm dịch động vật trên địa bàn Quảng Trị đã kiểm tra được 5.644 phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tiến hành thu giữ, tiêu hủy đối với số động vật bị bệnh và có dấu hiệu bị bệnh.
Tỉnh Quảng Trị đã cấp kinh phí mua 5.600 kg hóa chất, Trung ương hỗ trợ 10.000 kg hóa chất để dập dịch. Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp và khó khống chế.
Tại buổi họp, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh vật nuôi tỉnh này phải tích cực chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị liên quan tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch kể trên, trong đó chú trọng thành lập các tổ công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch tới tận thôn, hộ chăn nuôi; thành lập tổ xử lí nhanh dịch bệnh tại các địa phương; tổ chức tiêu hủy lợn bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tăng cường kiểm tra công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; quan tâm, sớm bố trí kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy…
Được biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện tại nước ta từ đầu tháng 2-2019. Đến nay, toàn quốc có 60 tỉnh, thành phố với 4.528 xã, phường, thị trấn của 486 huyện, thị xã, thành phố có dịch. Số lợn buộc phải tiêu hủy trên cả nước là 2.820.359 con.