Cảnh báo tình trạng đánh bắt, nuôi nhốt rùa biển quý hiếm

Thứ Tư, 01/08/2018, 10:27
Theo đánh giá của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), rùa biển là loài sinh vật biển được bảo vệ ở cấp độ cao theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. 

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều đối tượng đã phớt lờ quy định của pháp luật, tổ chức đánh bắt, nuôi nhốt rùa biển khiến loài rùa biển ở Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Trước nguy cơ loài rùa biển bị tận diệt, thời gian qua, lực lượng chức năng trên cả nước đã mở nhiều đợt ra quân giải cứu cá thể rùa biển, xử lý các trường hợp đánh bắt, nuôi nhốt không đúng quy định của pháp luật. 

Mới đây, ngày 26-7-2018, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Khánh Hòa qua trinh sát đã phát hiện và giải cứu một cá thể rùa Vích đang bị nuôi nhốt tại một nhà hàng trên địa bàn thành phố Nha Trang.

Cơ quan chức năng thu giữ hàng tấn rùa biển quý hiếm trong một vụ nuôi nhốt, đánh bắt trái phép.


Trước đó, đầu tháng 6-2018, 72 tiêu bản rùa biển quý hiếm cũng đã được cơ quan chức năng thu giữ khi đang trưng bày tại một cửa hàng thủ công mỹ nghệ ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Sau đó không lâu, một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở tỉnh Kiên Giang cũng đã bị phát hiện bày bán 47 tiêu bản Đồi mồi quý hiếm. Những vụ việc nuôi nhốt, trưng bày cá thể rùa biển quý hiếm bị phát hiện trên chỉ là điển hình. 

Thực tế này cho thấy vi phạm về đánh bắt, nuôi nhốt cá thể rùa biển hiện nay đang diễn biến phức tạp, đe dọa sự tồn vong của loài sinh vật biển này.

Theo đại diện ENV, Việt Nam là nơi cư trú của 5 loài rùa biển: Rùa da, rùa xanh/vích, đồi mồi, quản đồngvà đồi mồi dứa. Tất cả các loài rùa biển này đều được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nêu rõ, hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, tàng trữ rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ sản phẩm/bộ phận của chúng (bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật) sẽ bị xử lý hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù giam. 

Quy định, chế tài xử lý là thế, nhưng vì tư lợi, nhiều người đang khiến loài rùa biển ở Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, trong số 5 loài rùa biển, đồi mồi là loài đang bị suy giảm số lượng nghiêm trọng. Mặc dù có vai trò rất quan trọng với hệ sinh thái vì chúng ăn bọt biển, giữ cho rạn san hô khỏe mạnh, số lượng cá thể đồi mồi đã giảm tới 80%, chủ yếu do bị săn bắt để lấy mai nhằm chế tác thành đồ thủ công mỹ nghệ như trang sức, lược, gọng kính... 

Thông tin từ các tổ chức bảo tồn, hiện chỉ còn 15.000 cá thể đồi mồi cái trưởng thành trên toàn thế giới.

Nghiên cứu năm 2016 của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cũng cho thấy, những năm gần đây, loài đồi mồi dứa cũng chỉ còn khoảng 10 con lên đẻ mỗi năm tại một số bãi biển thuộc khu vực Bái Tử Long và tỉnh Quảng Bình. Tại bán đảo Sơn Trà, đồi mồi dứa hoàn toàn không còn xuất hiện kể từ năm 2015.

Trước tình hình trên, việc tăng cường các hoạt động thực thi pháp luật bảo vệ rùa biển là rất cần thiết. Đặc biệt, việc truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như đưa ra xét xử các đối tượng buôn bán, vận chuyển rùa biển và trứng rùa biển là một trong những biện pháp hiệu quả để răn đe, phòng ngừa vi phạm liên quan và khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật.

Đơn cử vào tháng 9-2017, huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành xử lý hình sự vi phạm liên quan đến trứng rùa biển. 

Hay ngày 4-6 vừa qua, TAND TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã tuyên phạt Hoàng Tuấn Hải 5 năm 6 tháng tù giam về hành vi thu gom, chế tác và buôn bán trái phép hơn 10 tấn rùa biển được các cơ quan chức năng phát hiện vào cuối năm 2014 - vụ án được cho là có số lượng rùa biển bị thu giữ lớn nhất trên thế giới.

Cùng với đó, thực tiễn cũng đã chỉ ra, hoạt động nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rùa biển đã và đang được nhiều địa phương quan tâm chú trọng, nhằm truyền tải sâu rộng thông điệp bảo vệ rùa biển.

Chính cộng đồng sẽ trở thành nhân tố quan trọng đóng góp vào các nỗ lực bảo vệ loài sinh vật biển này. Mỗi cá nhân cũng có thể tham gia vào các hoạt động bảo vệ rùa biển bằng cách không mua bán thịt, trứng rùa biển và đồ lưu niệm làm từ chúng, giữ môi trường biển trong lành, thông báo các vi phạm liên quan như săn bắt, nuôi nhốt trái phép, quảng cáo và buôn bán các sản phẩm từ rùa biển tới cơ quan chức năng địa phương hoặc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) qua đường dây nóng 1800-1522.

Trần Huy
.
.
.