Giải cứu nhiều động vật hoang dã quý hiếm

Thứ Năm, 03/05/2018, 17:10
Từ tin báo của người dân qua hotline 1800-1522, nhiều cá thể động vật hoang dã bị nuôi nhốt, chuẩn bị trở thành món ăn trong nhà hàng đã được đưa trở lại môi trường tự nhiên.

Theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong thời gian một tuần (26-4 – 2-5), đã có nhiều trường hợp giải cứu thành công các cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) bị bày bán, quảng cáo, nuôi nhốt trái phép ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Rùa Vich bị nuôi nhốt tại một nhà hàng

Cụ thể, ngày 2-5, nhờ tin báo của một người dân qua hotline 1800-1522, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Cảnh sát môi trường), Công an tỉnh Quảng Bình đã  giải cứu một cá thể vooc đang bị nuôi nhốt ở một công trường địa phương. Cá thể vooc sau đó đã được chuyển về Trung tâm cứu hộ của Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.

Cũng trong ngày 2-5, Chi cục kiểm lâm TP Hồ Chí Minh đã tịch thu một cá thể khỉ nặng 2kg bị nuôi nhốt ở một nhà hàng ở TP và chuyển giao cá thể về Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi.

Không chỉ bị nuôi nhốt làm cảnh, nhiều cá thể ĐVHD tiếp tục bị giết hại để ngâm rượu. Cùng ngày, Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội đã tịch thu một bình rượu ngâm tê tê và hổ mang chúa bị một đối tượng ở Đông Anh, Hà Nội rao bán trên mạng Internet.

Cá thể vooc được giải cứu

Trước đó, sau khi phát hiện việc một cá thể rùa bị nuôi nhốt ở một nhà hàng ở Bà Rịa Vũng Tàu, một người nước ngoài đã thông tin cho ENV. Nhận định cá thể rùa này thuộc loài Vích quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng, ENV đã nhanh chóng làm việc cơ quan chức năng địa phương để xử lý. 

Ngày 26-4, Cảnh sát môi trường và Chi cục Thủy sản Bà Rịa Vũng Tàu đã kiểm tra, tịch thu một cá thể rùa Vích nặng 4 kg. Cá thể rùa sau đó đã được thả về biển.

Tại Quảng Ninh, một cá thể khỉ bị nuôi nhốt ở một nhà hàng cũng đã được Hạt Kiểm lâm Uông Bí giải cứu trong ngày 26-4.

Thông tin kịp thời từ phía người dân đã góp phần giải cứu liên tiếp nhiều cá thể ĐVHD. Hi vọng rằng, đường dây nóng 1800-1522 của ENV sẽ tiếp tục trở thành cầu nối tiếp nhận thông tin về các vi phạm liên quan đến ĐVHD từ người dân để đem lại cơ hội trở về môi trường tự nhiều cho các loài ĐVHD.

V.H
.
.
.