Cần có những “bà đỡ” cho người lao động

Chủ Nhật, 30/12/2018, 09:45
Đây là nhận định của ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ- TB&XH) tại đối thoại trực tuyến “Lao động, việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức ngày 28- 12.

Theo ông Trung, cách mạng 4.0 sẽ tác động rất lớn tới thị trường lao động, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển có chất lượng nguồn lao động chưa cao như Việt Nam. Dó đó, cần thiết phải xây dựng ngay những chính sách giúp người lao động hòa nhập.

Theo con số của Cục Việc làm thì tính đến tháng 9- 2018 tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,1% (đáp ứng tiêu chí dưới 4% đặt ra trong các nghị quyết), và đã giảm được tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp xuống còn 38,3%. Tuy nhiên, những con số đó không thể phủ nhận được các mặt yếu kém của thị trường lao động hiện nay.

Cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ người lao động khi bước vào cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh minh họa: CTV.

Theo nhận định của Cục Việc làm, những yếu điểm đó thể hiện rõ trong việc lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi kết cấu, năng suất thấp. Cầu lao động thấp về số lượng và vẫn còn một tỷ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thụât, khu vực làm công ăn lương phát triển chậm; tỷ lệ thiếu việc làm vẫn còn khá cao...

Hiện cả nước có trên 54 triệu lao động có việc làm, tuy nhiên chất lượng việc làm còn hạn chế thể hiện ở năng suất lao động thấp, đa số làm việc ở khu vực phi chính thức, thu nhập từ việc làm thấp. “Cả nước cũng có gần 600.000 doanh nghiệp, nhưng trong đó hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 96% doanh nghiệp sử dụng dưới 30 lao động, 88% sử dụng dưới 10 lao động. Quy mô doanh nghiệp quá nhỏ, thậm chí là li ti thì chắc chắn năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, năng suất lao động, thu nhập và tiền lương của người lao động khó có thể cao, việc làm khó có thể bền vững”, ông Trung phân tích

Theo dự báo, năm 2019, số lao động có việc làm sẽ tiếp tục tăng lên, khoảng 56 triệu lao động có việc làm. Tuy vậy, tỷ trọng lao động giản đơn vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 26,5% và đây sẽ là bất lợi khi bước vào cách mạng công nghiệp 4.0. Theo nhận định của ông Trung, tình trạng tuyển dụng lao động của một số ngành nghề cũng sẽ gặp khó khăn như nghề kỹ thuật viên in ấn, thợ lắp ráp vận hành máy móc, kĩ thuật thủy lợi, kĩ sư xây dựng, kĩ sư cơ học, cơ khí, thợ chế biến thực phẩm và các thợ khác có liên quan...

Trước thực tế trên, Bộ LĐ- TBXH đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội; mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động sang khu vực phi chính thức; gắn đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tạo bước đột phá trong giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, là việc hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong kết nối cung- cầu lao động; thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ việc làm, nhất là đối với các đối tượng yếu thế.

Ông Lê Quang Trung đánh giá, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi thị trường lao động, những ngành thâm dụng lao động như da giày, thủy sản, may mặc sẽ bị tác động rất lớn. Do đó chúng ta phải có các giải pháp nghiên cứu từng ngành nghề để có phương án dự báo về nhân lực. Phải ngay khẩn trưởng tổ chức các phương án đào tạo chuyên môn, công nghệ, các nhu cầu cần thiết cho người lao động.

Bên cạnh đó phải có các chính sách hỗ trợ cho người lao động để hội nhập. Và cũng phải có giải pháp hỗ trợ những lao động dù muốn hay không muốn sẽ bị mất việc. Chính sách của chúng ta phải như một “bà đỡ” cho các đối tượng này.

Phan Hoạt
.
.
.