Cam go cuộc chiến chống hạn mặn giữa lòng miền Tây

Thứ Ba, 01/03/2016, 15:10
Nằm phía trong các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, nhưng hầu hết địa bàn tỉnh Hậu Giang đã bị mặn xâm nhập (7/8 đơn vị) và tình hình có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn. 

“Năm nay, gần như toàn bộ địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ bị ảnh hưởng mặn, đây là một thách thức không nhỏ đối với các ngành chức năng và người dân” - ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, lo lắng.

Từ Biển Đông mặn xâm nhập theo 3 hướng: hướng từ sông Hậu qua ngả sông Cái Côn, kênh Mái Dầm ảnh hưởng đến huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy; hướng từ Đại Hải (Sóc Trăng) theo các kênh trục đổ về thị xã Ngã Bảy ảnh hưởng đến thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và một phần của huyện Long Mỹ; hướng từ Bạc Liêu lên huyện Phụng Hiệp, ảnh hưởng huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp. Từ Biển Tây qua ngả sông Cái Lớn ảnh hưởng huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, TP. Vị Thanh và huyện Vị Thuỷ. Nồng độ mặn cao nhất tại một số địa phương giáp tỉnh Kiên Giang đo được đến 12‰.

Tranh thủ thu hoạch khóm chạy mặn tại TP.Vị Thanh (Hậu Giang)

Ngoài diện tích khoảng 1.000ha lúa Đông Xuân ở các xã nhiễm mặn nặng của huyện Long Mỹ đã bị thiệt hại rõ rệt thì mức độ thiệt hại được cảnh báo là rất nghiêm trọng mặc dù trước mắt vẫn chưa lường hết được. 

Thực hiện sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chỉ thị của Tỉnh ủy Hậu Giang, UBND tỉnh Hậu Giang đã, đang tập trung điều hành các sở ngành, chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp vận hành, cải tạo hệ thống thủy lợi chống hạn mặn, ứng cứu 60.000ha lúa Đông Xuân, 15.000ha cây ăn quả, hơn 10.000ha mía... đang bị hạn mặn uy hiếp, đe dọa; khai thác nước ngầm tiếp ứng nước ngọt sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân tại các huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy và TP.Vị Thanh.

Các sở ngành, chính quyền địa phương đã lên phương án chia thành 3 vùng để triển khai các biện pháp công trình thủy lợi đối phó hạn mặn. Vùng 1, gồm huyện Châu Thành, Châu Thành A, thị xã Ngã Bảy: tập trung tận dụng hệ thống cống có sẵn đóng mở theo triều để ngăn mặn không cho vào nội đồng. 

Vùng 2, gồm huyện Phụng Hiệp và thị xã Long Mỹ, đây là vùng trũng, không tiêu thoát được nước mặn, nên đắp đập thời vụ và các đập lớn ngăn mặn từ xa. Cụ thể, khi cần thiết sẽ đắp 2 đập ở hai đầu kênh Hậu Giang 3 và đắp các đập thời vụ phía kênh Lái Hiếu và kênh Quản lộ Phụng Hiệp bảo vệ vùng trũng huyện Phụng Hiệp và Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. 

Vùng 3, gồm huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy và TP.Vị Thanh: dựa vào tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh bổ sung đập thời vụ, nạo vét kênh mương nội đồng ngăn mặn, giữ ngọt. Việc khoan thăm dò cũng đã được tiến hành để xác định khu vực có thể khai thác nước ngầm tiếp ứng các nhà máy nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Trước mắt, tỉnh Hậu Giang triển khai đầu tư 16 tỉ đồng thực hiện khẩn cấp 16 mũi khoan độ sâu khoảng 360m, để khai thác nước ngầm, tiếp ứng nước ngọt phục vụ cho người dân sinh hoạt. Khẩn cấp thực hiện đắp đập ngăn mặn, nạo vét kênh mương dẫn ngọt vào nội đồng ở những vị trí, địa bàn cấp bách, từng bước thực hiện kế hoạch đắp khoảng 240 đập thời vụ và nạo vét hơn 140 tuyến kênh, sửa chữa nắp cống, nâng cấp hệ thống đê bao ngăn mặn… với tổng kinh phí gần 150 tỉ đồng.

Người dân tận dụng nước ngọt trên kênh nội đồng để tưới cho vườn cây ăn trái

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho biết, đã cho lực lượng chuyên môn quan trắc xuyên suốt, liên tục để bà con nắm bắt và có biện pháp ứng phó kịp thời. Về giải pháp công trình sẽ lấy nguyên tắc nội đồng là chính nhằm phòng hờ mặn xâm nhập bất ngờ bằng cách tiếp tục rà soát, nạo vét các trục kênh để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. 

Những nơi nào có cống sẽ cho vận hành, nơi nào không thì thực hiện mô hình đắp đập bằng tấm bạt đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. “Vụ lúa Đông Xuân sẽ không ảnh hưởng lớn vì đến thời điểm này nhu cầu nước tưới không nhiều, nhưng cái lo lớn nhất là vụ Hè Thu chính vụ 2016 sắp tới, cho nên ngành sẽ tập trung chỉ đạo công tác xuống giống. Theo đó, chỉ gieo sạ đối với những cánh đồng nào dự báo hạn, mặn không uy hiếp, còn lại sẽ dời đến cuối tháng 5 tới” - ông Đồng co biết.

Sở NN&PTNT, chính quyền địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng đang tích cực phối hợp, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các khâu sản xuất trong điều kiện hạn mặn còn kéo dài dự báo đến cuối tháng 6, theo khuyến cáo của các nhà khoa học. 

GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Giám đốc Viện Lúa ĐBSCL, khuyến cáo: “Ở những vùng bị nhiễm mặn, việc làm đất cần phải cày nông (độ sâu không quá 15cm), bón canxi, trục, ngâm nước ngọt (từ 1-2 ngày) để xả mặn, xổ phèn; chọn các loại giống lúa có khả năng chịu mặn cao (OM 5464, AS 996, OM 2517, OM 5451, OM 6677, OM 6976) và áp dụng biện pháp sạ thưa để tăng quang hợp cho cây lúa và áp dụng biện pháp điều chỉnh phân bón hợp lý”.

Đắp đập thời vụ để ngăn mặn, trữ ngọt

Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Hậu Gian khuyến cáo, thời gian xuống giống lúa Hè Thu 2016 trên địa bàn chia thành 3 vùng. Cụ thể, vùng 1 gồm huyện Châu Thành A, Vị Thủy (bắt đầu xuống giống từ ngày 25-2 đến giữa tháng 3-2016); vùng 2, gồm huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ (xuống giống từ ngày 15-4); vùng 3, gồm huyện Long Mỹ, TP.Vị Thanh (xuống giống từ đầu tháng 5). 

Theo chỉ đạo của ông Lữ Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, các địa phương phải chủ động được nguồn nước thì mới gieo trồng, nếu địa phương nào không chủ động được nguồn nước thì kiên quyết không xuống giống. Việc xuống giống bà con nông dân phải tuân thủ đúng theo lịch thời vụ cơ quan chức năng khuyến cáo – những trường hợp không thực hiện đúng hướng dẫn, nếu bị thiệt hại thì sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ.

Đức Văn - P.Vân
.
.
.