ĐBSCL: Báo động cháy rừng và xâm nhập mặn

Thứ Tư, 16/04/2008, 10:51
Theo thông tin từ Cục Kiểm lâm, nhiều ngày qua, thời tiết khô hanh, không mưa nên nhiều khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nguy cơ xảy ra cháy rừng mức độ cao, như: Khu vực Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang); tỉnh Đồng Tháp đang ở mức báo động cháy cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Thời tiết diễn biến bất thường, nhiệt độ tăng cao, đôi lúc gió rất mạnh, cộng với tác động từ con người nên đã xảy ra cháy rừng tại rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau). Cụ thể, chỉ trong một ngày 13/4, rừng U Minh Hạ xảy ra 4 vụ cháy rừng, do con người gây ra. Vụ cháy lớn nhất là khoảng 12h30' ngày 13/4, tại khu vực rừng sản xuất của dân cư thuộc ấp 11, xã Khánh An, huyện U Minh, thiêu rụi hơn 1.000m2 rừng tràm khoảng 5 năm tuổi.

Theo Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, nhiều khả năng do người dân lẻn vào rừng ăn ong đã bất cẩn gây ra vụ cháy này. Cùng ngày, tại khu vực đất lâm nghiệp lân cận rừng U Minh cũng đã xảy ra 3 vụ cháy khác.

Hiện rừng U Minh Hạ có trên 53.000ha rừng thì đã có có 27.000ha đang trong tình trạng báo động cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) và gần 20.000ha trong tình trạng báo động cháy cấp IV. Tuy nhiên, trong nhiều ngày qua, mực nước tại các con kinh trong rừng cạn rất nhanh, khiến cho tình hình phòng cháy rừng càng trở nên phức tạp.

Ngay cả hệ thống kinh mương khu vực rừng Vồ Dơi - khu vực rừng già quý hiếm, đang được bảo vệ nghiêm ngặt nhất - cũng đã cạn nước, gây khó khăn cho việc vận chuyển máy bơm và trang thiết bị chuyên dụng thực hiện phòng chống cháy rừng.

Tại Vườn quốc gia U Minh Thượng, mức cảnh báo cháy của vùng đệm và vùng lõi có diện tích hơn 21.000ha đang ở cấp III - cấp IV. Riêng tại Vườn quốc gia Phú Quốc, Kiên Giang các hồ chứa nước, các con suối trong rừng đang cạn dần và có nguy cơ cháy rừng rất cao.

Trước nguy cơ cháy rừng cao, UBND tỉnh Cà Mau và Kiên Giang tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng cháy. Lực lượng Kiểm lâm Cà Mau sẵn sàng túc trực 24/24h ở 142 chòi quan sát lửa và lực lượng thường trực trên 4.200 người chữa cháy tại chỗ cũng sẵn sàng.

Với lực lượng và phương tiện chữa cháy ở Cà Mau, có thể phát hiện đám cháy trong vòng 5 phút kể từ khi ngọn lửa đầu tiên phát hỏa và 10 phút triển khai lực lượng, phương tiện đến khống chế đám cháy. Tại Kiên Giang, các chủ rừng ở khu vực rừng U Minh Thượng tiếp tục tăng cường liên kết giữ rừng và có thể huy động trên 2.000 lực lượng tại chỗ tham gia công tác phòng chống cháy rừng. Rừng quốc gia Phú Quốc cũng đang được lực lượng Kiểm lâm Kiên Giang canh phòng nghiêm ngặt, quyết không để người dân vào rừng bắt ong, tránh tình huống xấu xảy ra.

Tại An Giang, UBND tỉnh này vừa biểu dương việc tích cực tham gia chữa cháy rừng ở hai xã Tân Tuyến và Vĩnh Phước (huyện Tri Tôn). Các đơn vị được biểu dương là Ban chỉ huy Quân sự xã Tân Tuyến, xã Vĩnh Gia và Vĩnh Phước, Đồn Biên phòng Vĩnh Gia, Lạc Quới đã thực hiện tốt phương châm chữa cháy rừng tại chỗ ở hai xã Tân Tuyến và Vĩnh Phước, xảy ra ngày 31/3 vừa qua làm thiệt hại 90ha rừng.

Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang cũng đánh giá vai trò nòng cốt nổi bật trong việc huy động, chỉ huy lực lượng nhanh chóng chữa cháy của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, Phòng Cảnh sát PCCC - Công an tỉnh An Giang, Kiểm lâm tỉnh và Ban chỉ huy Quân sự huyện Tri Tôn.  

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, từ giữa tháng 3/2008, một số nơi trong khu vực ĐBSCL đã bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa. Một lượng mưa không lớn nhưng góp phần tăng thêm lượng dòng chảy trên các sông. Mực nước và lưu lượng trung bình đầu nguồn trên sông Hậu và sông Tiền tăng hơn so với cùng kỳ năm 2007 nên giữ được độ xâm nhập mặn trong tháng 4/2008 tương đương cùng kỳ năm 2007.

Tuy nhiên, độ mặn trong tháng 4/2008 sẽ cao hơn cùng kỳ 2007 từ 1-2g/l. Dự báo dọc một số sông chính như Cửa Tiểu, Cổ Chiên, Định An, Cái Lớn... độ mặn 4g/lít có thể xâm nhập sâu từ 35 đến hơn 50km. Trước mùa khô dự kiến kéo dài, tình hình xâm nhập mặn tại tỉnh Sóc Trăng đã ảnh hưởng trên 160ha lúa và khoảng 100ha hoa màu ở huyện ven biển Long Phú và tình trạng nước mặn đang xâm nhập sâu gây thiệt hại nhiều đồng ruộng.

Một số xã như Long Phú, Đại Ân 2, Liêu Tú, Lịch Hội Thượng... một phần lớn diện tích lúa hè thu sớm đã có hiện tượng đỏ lá, mềm thân và đang khô dần chờ chết. Trong khi đó, nhiều nông dân chủ động bơm nước ngọt cứu lúa đã gây nên hiện tượng xì phèn làm lúa bị đỏ lá rồi chết nhiều hơn...

N.G.
.
.
.