Vì sao 100% quán Karaoke ở Cầu Giấy vẫn đóng cửa im ỉm?

Thứ Ba, 07/02/2017, 08:29
Các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền, Công an cấp cơ sở cần tiếp tục kiểm tra chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh Karaoke; việc kiểm tra cần thực hiện liên tục, vi phạm phải bị xử lý nghiêm mới tránh được tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, công tác kiểm soát an toàn đảm bảo lâu dài.


85/85 quán Karaoke ở quận Cầu Giấy đóng cửa!

Quận Cầu Giấy vốn là một trong những địa bàn thành phố Hà Nội tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Trước đây, chỉ cần rảo bước qua một lượt các tuyến phố như: Nguyễn Khang, Trần Thái Tông, Nguyễn Khánh Toàn… không khó để bắt gặp các cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động. Vào những ngày cuối tuần, nhất là dịp lễ, Tết, khách ra vào quán luôn đông.

Trở lại các tuyến phố trên vào chiều 6-2, PV Báo CAND ghi nhận hình ảnh các quán karaoke vốn được biết đến là điểm hút khách một thời như: S.M, E.V (phố Trần Thái Tông), V.H, L.V.G (phố Nguyễn Khánh Toàn) v.v.. đang tạm dừng hoạt động, không còn khách lui tới. Nhiều tòa nhà cao tầng vốn có mặt tiền bị choán bởi tấm biển quảng cáo cỡ lớn, chói lóa ánh đèn led vào các buổi tối giờ đã bị tháo dỡ. Thay vào đó là những bức tường sơn dở, trông không còn bắt mắt. Khách lui tới để giải trí, sử dụng dịch vụ karaoke không còn như xưa.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Chí Cao, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 3, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, ngay sau khi vụ hỏa hoạn tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) khiến 13 người tử vong, lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng tham mưu UBND quận thành lập các tổ công tác tăng cường rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke. 85 cơ sở kinh doanh karaoke đang tạm dừng hoạt động.

Cùng với việc tạm dừng hoạt động, cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ toàn bộ hệ thống biển, bảng quảng cáo cỡ lớn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Đến nay, các cơ sở kinh doanh này đều chấp hành đầy đủ.

Cảnh sát PCCC kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại quán karaoke.

Cũng theo Đại tá Lê Chí Cao, trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 qua kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cũng đã tham mưu UBND hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm (thuộc địa bàn Phòng Cảnh sát PCCC số 3 quản lý) ra quyết định đình chỉ, tạm dừng hoạt động đối với một số cơ sở có nguy cơ mất an toàn về phòng cháy.

Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC số 3 cho biết thêm, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, số vụ hỏa hoạn trên địa bàn đã giảm đáng kể so với những năm trước đây.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ sở kinh doanh

Hà Nội hiện có 1.271 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó có 558 cơ sở trong nội thành, 713 cơ sở ở ngoại thành. Có 168 cơ sở buộc phải thẩm duyệt, quản lý cháy nổ nhưng mới chỉ có khoảng 30 cơ sở được thẩm duyệt. Với số lượng cơ sở nhiều như vậy thì công tác quản lý của các cơ quan chức năng là khá vất vả. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, để cấp phép và quản lý một cơ sở kinh doanh karaoke thì cần đến nhiều cơ quan, ban, ngành như: văn hóa, xây dựng, Công an, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy…

Trong quá trình kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke vào cuối năm 2016, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn đã chỉ ra nhiều lỗi không đảm bảo công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke như: Không có cửa thoát hiểm, thiết bị PCCC hoạt động hiệu quả kém hoặc không hoạt động, không có cửa ngăn cháy giữa các tầng…

Nhìn từ vụ cháy ở cơ sở 68 Trần Thái Tông cho thấy, mặc dù cơ sở này đã được cấp chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC nhưng chưa có biên bản nghiệm thu về PCCC, chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT theo quy định, chưa có giấy phép kinh doanh karaoke. Thế nên các cơ quan chức năng liên tục nhắc nhở, thậm chí là lập biên bản xử phạt vi phạm nhưng chủ cơ sở vẫn cố tình kinh doanh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm 13 người chết. Điều đó cho thấy, sức mạnh của các cơ quan thực thi pháp luật chưa được đề cao.

Bởi vậy, liên quan đến vụ việc này, nhiều cán bộ quản lý từ Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho đến lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND phường Dịch Vọng Hậu đã bị kỷ luật. Vụ việc này cho thấy, vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu cơ sở kinh doanh. Từ thái độ, ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo các yêu cầu an toàn trong kinh doanh của chủ cơ sở sẽ quyết định sự an toàn của khách đến vui chơi giải trí.

Đồng quan điểm trên, Đại tá Lê Chí Cao cũng đánh giá, ý thức của chủ cơ sở kinh doanh là vô cùng quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn PCCC.

Sau một thời gian hoạt động cầm chừng do lo ngại khi thấy hậu quả của vụ cháy karaoke nghiêm trọng trên phố Trần Thái Tông, thời gian tới hoạt động karaoke sẽ tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân. Bởi thế, các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền, Công an cấp cơ sở cần tiếp tục kiểm tra chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh, việc kiểm tra cần thực hiện liên tục, vi phạm phải bị xử lý nghiêm mới tránh được tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, công tác kiểm soát an toàn đảm bảo lâu dài.

Việt Hà – Trần Huy
.
.
.