Cháy cơ sở kinh doanh karaoke - hiểm họa nhãn tiền:

Lỏng lẻo như quản lý.... quán Karaoke

Thứ Tư, 16/11/2016, 10:12
Vi phạm nghiêm trọng về công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke vẫn đang tồn tại. Điều đó cho thấy công tác quản lý, giám sát hoạt động này theo quy định của pháp luật hiện đang “có vấn đề”, dù đã có một hành lang pháp lý đầy đủ.

Bài cuối: Siết chặt cấp phép và quản lý

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH: “Tôi nghe đâu đó có hiện tượng lực lượng Cảnh sát PCCC có việc đỡ đầu hoặc đứng đằng sau doanh nhiệp kinh doanh, yêu cầu mua thiết bị PCCC đắt, hoặc chỉ định mua thiết bị PCCC… nếu phát hiện đồng chí nào làm sai thì phải bị xử lý đến cùng chứ không có chuyện dung túng”.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH Bộ Công an kiểm tra công tác PCCC một quán Karaoke tại Hà Nội.

Đó là sự phối hợp lỏng lẻo giữa các cơ quan có liên quan, từ lực lượng Cảnh sát PCCC, quản lý văn hóa cho đến ngành Xây dựng… Bên cạnh đó, ý thức của chủ cơ sở kinh doanh, của cả người dân đang rất kém. Vụ cháy cơ sở karaoke gây hậu quả đau lòng thời gian gần đây nhất gióng thêm hồi chuông cảnh tỉnh cho cả chủ cơ sở, “thượng đế” và cả các cơ quan chức năng.

Thực tế trên một số ngõ, phố của Hà Nội, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng PCCC Đống Đa (Hà Nội) chỉ vào những hàng quán, mái đua, mái vẩy mà người dân cố tình bày ra đường, lo lắng: “Người dân chưa có ý thức phòng cháy. Khi xảy ra cháy, lực lượng cảnh sát chữa cháy rất khó tiếp cận hiện trường. 

Trong khi đó, tại các cơ sở kinh doanh karaoke, thậm chí là cả nhà dân, khi chúng tôi mời đi tập huấn hoặc nghe kiến thức về PCCC thì hầu hết các cuộc tổ chức ấy đều chỉ có ½ người đến dự theo thành phần mời. 

Chỉ sau khi vụ cháy nghiêm trọng tại 68 Trần Thái Tông xảy ra, người dân và chủ cơ sở karaoke mới lo lắng và quan tâm hơn đến công tác PCCC. Mới đây, khi chúng tôi tổ chức huấn luyện cho nhân viên các cơ sở kinh doanh karaoke thì họ đã đến khá đầy đủ”.

Cảnh sát PCCC dập lửa trong vụ cháy tại Karaoke 68 trên đường Trần Thái Tông. Ảnh: Zing

Khi nhân viên các cơ sở kinh doanh đã có kỹ năng PCCC thì chắc hẳn thiệt hại sẽ giảm hơn nhiều so với những gì đã xảy ra. Bên cạnh đó, việc trang bị thiết bị phòng cháy cho cơ sở kinh doanh dù tốn kém nhưng buộc phải làm. Chúng tôi đã từng thực tế tại một cơ sở karaoke trên phố Bà Triệu, Hà Nội và thấy rằng, chủ cơ sở đã mạnh dạn đầu tư một hệ thống PCCC tự động hiện đại và hiệu quả khi chữa cháy.

Tuy nhiên, chủ cơ sở này cho biết, số tiền đầu tư hệ thống PCCC tự động cho nhiều tầng, nhiều phòng lên tới hơn 100 triệu đồng. Với những người kinh doanh nhỏ, chộp giật chắc khó dám bỏ ra số tiền ấy để đầu tư.

Không thể phụ thuộc hay trông chờ vào ý thức của chủ cơ sở kinh doanh, chính ý thức của các “thượng đế” đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp họ phòng ngừa khi tai nạn xảy ra.

Không nên để tình trạng say xỉn, mất kiểm soát khi bước chân vào phòng hát. Mỗi người dân phải tự trang bị kiến thức PCCC, đặc biệt là kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy. Đặc biệt, việc trước tiên là người đi hát cần phải quan sát lối thoát nạn để biết hướng thoát nạn, đề phòng sự cố xảy ra.

Sau khi xảy ra vụ cháy làm 13 người tử vong trong quán karaoke, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông báo nghiên cứu tạm dừng hoạt động dịch vụ karaoke trên địa bàn thủ đô để kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Một số ít cơ sở kinh doanh karaoke đảm bảo các yêu cầu theo quy định thì cho rằng nếu tạm dừng hoạt động sẽ gây thiệt hại nặng về kinh tế của họ.

Thiết nghĩ, việc rà soát, siết lại công tác quản lý loại hình dịch vụ này là vô cùng cần thiết, nhưng điều đó cũng cho thấy rằng, trong một thời gian quá dài, các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý nên mới dẫn đến phần lớn các cơ sở vi phạm về PCCC.

Lực lượng Cảnh sát PCCC tăng cường kiểm tra, siết lại hoạt động kinh doanh karaoke, đảm bảo phòng cháy.

Khảo sát nhiều cơ sở kinh doanh karaoke cho thấy, mới chỉ quan sát bên ngoài thì bất kể ai cũng nhận thấy rõ nhiều vi phạm. Đó là việc lắp đặt biển, bảng quảng cáo lớn quá khổ so với quy định mà không bị xử lý.

Tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, sau vụ cháy tại 68 Trần Thái Tông, 86/86 cơ sở kinh doanh karaoke buộc phải tạm dừng hoạt động để kiểm tra, rà soát. Lực lượng liên ngành đã phát hiện vi phạm, xử phạt gần 100 triệu đồng, tạm đình chỉ 8 cơ sở…

Nhiều cơ sở kinh doanh đã tự sửa lại biển quảng cáo. Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, những tồn tại trong hoạt động kinh doanh karaoke có một phần nguyên nhân là do các ngành, các cấp quản lý có liên quan còn nhìn nhau, bao biện cho mình ở góc độ nọ, góc độ kia. Nhưng hiện các ngành, các cấp của Hà Nội đã vào cuộc tích cực, quyết tâm siết lại hoạt động kinh doanh giải trí này.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh cho biết, ngày 25-6-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 47/CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC.

Chỉ thị này có ý nghĩa quan trọng trong công tác PCCC, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra, nhằm đảm bảo an toàn cháy, nổ trong tình hình hiện nay.

Tháng 10-2015, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 47/2015/TT-BCA hướng dẫn về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Thông tư quy định trách nhiệm đảm bảo an toàn PCCC đối với chủ cơ sở kinh doanh vũ trường, đồng thời quy định trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương bên cạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về PCCC thì cần phối hợp với các cơ quan liên quan trong xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra an toàn về PCCC.

Lực lượng Cảnh sát PCCC chỉ là một khâu trong toàn bộ quá trình cấp phép. Bởi vậy, Cảnh sát PCCC sẽ nghiên cứu lại, xem có vướng mắc, chồng chéo trong công tác quản lý để khắc phục và thực hiện tốt hơn. Hiện các đơn vị Cảnh sát PCCC trên toàn quốc đã triển khai lực lượng, quyết liệt thực hiện đảm bảo an toàn cho kinh doanh vũ trường, karaoke.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC các địa phương phải quán triệt nghiêm khắc vấn đề này, đảm bảo công tác PCCC ngày càng tốt hơn, hạn chế thấp nhất hậu quả do cháy.

Để kinh doanh hoạt động karaoke thì chủ cơ sở phải có đầy đủ các thủ tục hành chính theo quy định của Nhà nước, cụ thể: Đăng ký kinh doanh; được phòng văn hóa cấp quận, huyện cấp phép hoạt động; có chứng nhận đảm bảo an toàn PCCC do cơ quan Cảnh sát PCCC cấp; có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự do cơ quan Công an cấp…

Ngoài ra, khi hoạt động, chủ cơ sở kinh doanh karaoke phải tuân thủ các quy định sau: “Đảm bảo ánh sáng trong phòng trên 10 Lux tương đương 1 bóng đèn sợi đốt 40w cho 20m².

Đảm bảo âm thanh vang ra ngoài phòng karaoke không vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép. Không được bán rượu hoặc để cho khách uống rượu trong phòng karaoke. Đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự. Không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng…”.

Việt Hà – Minh Hiền
.
.
.